Con số trên được đề cập trong báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch về kết quả bước đầu phòng chống Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4 .
Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt có xu hướng phức tạp hơn. Đến nay, cả nước ghi nhận 860.000 ca mắc; riêng đợt dịch thứ 4 có 858.000 ca mắc và 21.000 ca tử vong.
Hơn 15.500 tỷ được dùng để mua vaccine
Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết đợt dịch thứ 4 kéo dài hơn 5 tháng, đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong giảm rõ rệt, dù vẫn ở mức cao.
Về tài chính chống dịch, Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết trang thiết bị được mua từ nguồn ngân sách Nhà nước, vận động tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ các nước.
Riêng kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước đã cấp để thực hiện phòng chống dịch Covid-19 là hơn 30.400 tỷ đồng. Trong đó, các bộ, cơ quan Trung ương đã sử dụng hơn 25.200 tỷ đồng (riêng Bộ Y tế là 21.188 tỷ đồng, trong đó sử dụng mua vaccine là hơn 15.500 tỷ đồng).
Trong 21.188 tỷ đồng được ngân sách Nhà nước phân bổ, Bộ Y tế dùng hơn 15.500 tỷ để mua vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngoài ra, số tiền hỗ trợ các địa phương trong năm 2021 là 5.154 tỷ đồng (hỗ trợ đặc thù riêng cho một số địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và lan rộng: Hải Dương 270 tỷ đồng, TP.HCM 2.000 tỷ đồng, Đồng Nai 500 tỷ đồng, Bình Dương 500 tỷ đồng).
Về vaccine, Việt Nam đã tiếp nhận 92,5 triệu liều và tiêm được hơn 61 triệu liều. Tính đến 16/10, có 60,2% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và 24,7% đã tiêm đủ 2 liều.
“Mặc dù xuất phát điểm chậm, tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi vaccine của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới nhờ tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử”, báo cáo của Ban Chỉ đạo nêu.
8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập
Ban Chỉ đạo Quốc gia đánh giá đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta lây lan nhanh, diễn biến rất phức tạp, kéo dài trên nhiều địa phương; các ca lây nhiễm tăng nhanh thời gian ngắn, vượt hơn nhiều so với dự báo.
Dịch bệnh đã tác động rất nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt kinh tế xã hội của đất nước; đặc biệt làm đình trệ hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế, tâm lý của nhân dân, nhất là người lao động, cộng đồng doanh nghiệp.
Hàng chục nghìn người dân vì mất việc làm đã phải rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... để về quê. Ảnh: Chí Hùng. |
Đặc biệt, dịch bệnh tăng nhanh trong thời gian ngắn gây quá tải hệ thống y tế và làm tăng các ca tử vong, nhất là tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phố khu vực phía nam.
Theo báo cáo, do tác động của dịch, GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42%, quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ. Tình hình tài chính - ngân sách gặp khó khăn, phải huy động các quỹ dự trữ để chi phòng chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội.
Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng nêu rõ tác động nặng nề của dịch trong việc gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân. Thu nhập, việc làm của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng với 560.000 người mất việc; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập.
Tỷ lệ thất nghiệp riêng trong quý III/2021 là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý I/2020 đến nay.
Đề cập giải pháp thời gian tới, Ban Chỉ đạo Quốc gia cho rằng vaccine làm giảm tỷ lệ mắc và giảm ca nặng nên khi đạt độ bao phủ vaccine, không nhất thiết phải giãn cách kéo dài trên diện rộng.
Lưu ý các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt phải được thực hiện dứt khoát, quyết liệt, Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị địa phương từng bước nới lỏng yêu cầu phòng chống dịch với lộ trình cụ thể, khả thi để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương phải tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở.