Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chi gần 190 tỷ đồng cải tạo trụ sở trăm tuổi của HĐND và UBND TP.HCM

Dự án sửa chữa, cải tạo trụ sở HĐND và UBND TP.HCM (số 86 Lê Thánh Tôn, quận 1) với chi phí gần 190 tỷ đồng, đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư.

Bên ngoài trụ sở HĐND và UBND TP.HCM. Ảnh: Ngô Tùng.

Ngày 12/7, HĐND TP.HCM khóa X đã tiến hành biểu quyết và thông qua chủ trương đầu tư dự án sửa chữa, cải tạo trụ sở HĐND và UBND TP.HCM (86 Lê Thánh Tôn, quận 1).

Theo đó, chi phí sửa chữa, cải tạo trụ sở HĐND và UBND TP.HCM là gần 190 tỷ đồng từ nguồn tăng thu của thành phố. Dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.

Quy mô dự án gồm: Bố trí lại, bổ sung trang thiết bị nội thất cho các phòng làm việc ở khối nhà A và sửa chữa, cải tạo các công trình hiện hữu, sân đường nội bộ trong khuôn viên khối nhà B.

Trước đó, trong tờ trình gửi HĐND, UBND TP.HCM cho biết tòa nhà số 86 Lê Thánh Tôn (quận 1) được xây dựng và đưa vào vận hành hơn 100 năm. Tình trạng tòa nhà hiện nay bị xuống cấp, hư hỏng, ngoài ra, một số phòng làm việc được cải tạo từ các phòng cũ đã xuống cấp, diện tích chưa đảm bảo điều kiện làm việc.

Cụ thể, mặt tiền tòa nhà B xuất hiện vết nứt, sơn nước hoen ố, bong tróc xuống cấp; hệ thống các cửa gỗ cũ, hư hỏng gây mất thẩm mĩ; bậc cấp các lối vào, thang bộ bị sứt mẻ. Cùng với đó, hệ thống đèn phòng và đèn hành lang lâu năm, hay hư hỏng, thẩm mỹ thấp; gạch lát nền cũ, bong tróc, chưa đồng bộ gây mất thẩm mỹ,…

UBND TP.HCM cho rằng việc sửa chữa, cải tạo trụ sở HĐND và UBND TP.HCM là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu làm việc, hội họp. Ngoài ra, nơi đây còn được sử dụng để tổ chức các hội nghị, tiếp khách các phái đoàn quốc tế và đồng thời là công trình có tính biểu tượng của TP.HCM.

Trụ sở HĐND và UBND TP.HCM được xây dựng từ năm 1889 và hoàn thành vào năm 1909. Đây là công trình do kiến trúc sư nổi tiếng Femand Gardès thiết kế và nhà điêu khắc Louis - Lucien Ruffier đảm nhiệm phần trang trí kiến trúc ngoại thất ngoài.

Lấy hình mẫu từ tòa thị chính ở Paris theo phong cách Phục Hưng, công trình được thiết kế theo dạng lầu chuông đúc cao - kiểu kiến trúc phổ biến ở miền Bắc nước Pháp với phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có tầng mái cân đối. Trang trí bên ngoài tòa nhà có sự pha trộn của nhiều phong cách kiến trúc châu Âu như bố cục mặt bằng kiểu Phục Hưng và các chi tiết trang trí đều mang độ tinh xảo, sắc nét cao.

Sau khi hoàn thành, tòa nhà được chính quyền Pháp thuộc gọi tên là Hotel de ville, còn người Việt thường gọi là Dinh xã Tây. Trong giai đoạn trước năm 1975, tòa nhà được đổi tên là Tòa đô chánh Sài Gòn. Sau năm 1975, nơi này trở thành trụ sở HĐND và UBND TP.HCM.

Cùng với một số công trình như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Lớn, Bưu điện TP, Tòa án nhân dân TP..., trụ sở HĐND và UBND TP.HCM là một trong những di sản kiến trúc Pháp còn lại của TP.HCM. Năm 2020, tòa nhà đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Những cuốn sách hay về xã hội

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

https://tienphong.vn/chi-gan-190-ty-dong-cai-tao-tru-so-tram-tuoi-cua-hdnd-va-ubnd-tphcm-post1550638.tpo

Hữu Huy - Ngô Tùng/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm