Sunao Tsuboi, người sống sót trong vụ Mỹ dội bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản ngày 6/8/1945, nói về bức ảnh có ông cách đây 70 năm. Ảnh: Alamy |
"Đây là tôi", Sunao Tsuboi, nạn nhân sống sót khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima - Nhật Bản ngày 6/8/1945, chỉ vào thanh niên trọc đầu trong bức ảnh đen trắng. Người ấy chính là Tsuboi cách đây 70 năm. Khi đó, ông 20 tuổi và là sinh viên một trường đại học. Vết sẹo vẫn còn hằn trên trán và mặt ông cho đến ngày hôm nay, theo Guardian.
Người đàn ông mô tả cuộc sống lúc đó như "địa ngục trần gian". Ông cùng nhiều người khác hy vọng tìm thuốc để chữa vết thương nhưng không thể. Thuốc, nước, thức ăn đều không có.
Địa điểm trong tấm hình là cầu Miyuki, thành phố Hiroshima. Bức ảnh được chụp 3 giờ sau khi Enola Gay, máy bay B-29 của Mỹ dội bom xuống Hiroshima sáng ngày 6/8/1945. Khoảng 60.000 đến 80.000 người chết trong tích tắc. Những tháng sau đó, tổng số người thiệt mạng lên tới 140.000 người.
Trong hình, Tsuboi ngồi trên đường phố cùng một số người khác người khác. Bên cạnh họ, cảnh sát đang bôi dầu ăn cho nhóm học sinh bị bỏng nặng do bom.
Ông Shoso Hirai cầm bức ảnh gia đình được chụp năm 1943. Ảnh: The Atlantic |
Ông Shoso Hirai, một nhân chứng sống khác trong vụ ném bom ngày 6/8/1945, nhẹ nhàng lấy tấm hình cũ trong túi. Ông dùng 2 tay cẩn thận đặt nó lên bàn trước mặt và chỉ vào từng nhân vật trong ảnh.
"Cha tôi đứng bên phải. Đây là mẹ tôi. Người không đeo kính là em trai. Còn đây là tôi", ông Hirai giải thích. Bức ảnh được chụp năm 1943, hai năm trước khi Mỹ dội bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima.
Quả bom rơi xuống thành phố ngày 6/8/1945 và cướp sinh mạng của cha và em trai ông. Mẹ Hirai sống sót nhưng qua đời sau đó vì tuổi già.
"Đây là kỷ niệm duy nhất về em trai mà tôi còn lưu giữ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa tìm thấy thi thể em trai", ông Hirai ngậm ngùi nói.
Hirai giờ đã ngoài 80 tuổi. Nhân chứng sống trẻ nhất trong vụ Mỹ ném bom xuống Hiroshima ngày 6/8/1945 và Nagasaki ngày 9/8/1945 cũng đã ngoài 70. Theo Atlantic, 20 năm nữa, ông có thể không còn sống để chia sẻ ký ức kinh hoàng về sự kiện ngày 6/8/1945, một phần của lịch sử, với những người khác.
Tuy nhiên, nhờ dự án "Tiếng nói của người sống sót ở Hiroshima và Nagasaki", một trong những website lưu giữ số liệu, hình ảnh về bom nguyên tử dưới dạng số, bằng chứng của những người sống sót trong sự kiện có thể được lưu truyền cho thế hệ sau.
Việc thành lập dự án do các báo Chugoku Shimbun và Asahi Shimbun khơi gợi ý tưởng. Nhiều nghệ sĩ, nhà báo và lập trình viên tham gia dự án. Dự án "Ký ức về Hiroshima và Nagasaki" cũng hoạt động theo hướng tương tự.
Các thành viên trong gia đình Hirai. Ảnh: Alamy |
Sinh năm 1929, ông Hirai vẫn nhớ rất rõ về ngày 6/8/1945. Hôm đó là thứ Hai và ông đang ở trong nhà của một người bạn, nơi cách trung tâm vụ nổ gần 4 km.
Đúng 8h15 khi quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima, Hirai đang đứng ở lối vào ngôi nhà và ông nghe thấy "âm thanh cực lớn". Hirai cho biết ông vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
"Nhiều người lao ra khỏi nhà và la lớn: Điều gì đang xảy ra vậy? Cháy, cháy", Hirai kể.
Sau đó, Hirai và mẹ đến văn phòng của cha ông và chỉ thấy "hộp sọ trên đống tro còn nóng và vài mảnh xương".
Ông thu thập hài cốt của cha và cùng mẹ mang về.
"Tôi trở về nhà và khóc suốt thời gian trên đường", người đàn ông ngoài 80 tuổi nhớ lại.