Hỏi giá heo nước ngoài để… bán theo
“Khi Việt Nam mở cửa, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, tôi đoán thịt nhập sẽ “đè chết” thịt trong nước. Nếu kịch bản này xảy ra, ngành chăn nuôi Việt Nam khỏi cần nhập ngô, đậu nành, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà cứ nhập luôn thịt về ăn cho khỏe”, ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc công ty Thanh Bình (Đồng Nai) cho biết.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Bình đưa ra bức tranh ảm đạm của ngành chăn nuôi Việt Nam như vậy. Vị này đã có mười năm khảo sát, nghiên cứu khá kỹ khả năng cạnh tranh của “đối thủ” Thái Lan. Ông nhận định, một số tỉnh vùng Đông Bắc nước Thái giáp Campuchia có tổng đàn gà lớn nhất nước.
Các nhà máy giết mổ ở đây có công suất 2.000 con mỗi giờ trở lên, có thể đưa gà vào giết mổ lúc 18h, đến 20-21h đêm là xong, sau đó đóng xe tải vận chuyển sang Việt Nam. Theo tính toán, chỉ cần mất 6 tiếng, tức là khoảng 4h sáng là gà Thái đã có mặt ở các chợ TP HCM. Vì thế, ông Bình mới dự báo khi ký kết TPP, giá thịt sẽ tiếp tục giảm rất mạnh, “nếu cứ đầu tư vào chăn nuôi thì càng thua lỗ, phá sản”.
Chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hàng chục triệu bà con nông thôn, vì thế cái gì làm được cho ngành chăn nuôi phải thực hiện ngay... |
Cùng tâm trạng, đại diện Công ty CP Nông súc sản Đồng Nai chua chát, đơn vị này nuôi tới 3.000 heo nái, nhưng cũng chẳng thể thoát khỏi sự lệ thuộc vào giá bán của doanh nghiệp (DN) chăn nuôi nước ngoài. “Hàng ngày, công ty muốn tiêu thụ heo đều phải hỏi DN nước ngoài bán giá bao nhiêu để… bán theo”, đại diện doanh nghiệp cho biết. Vị này cho rằng, nếu cứ đà để cho các DN nước ngoài thoải mái phát triển không có điểm dừng thì trước sau cũng sẽ dẫn đến độc quyền, chi phối và khuynh đảo thị trường.
Có thể bảo hộ trong nước đến đâu?
Nhiều ý kiến cho rằng, không phải chỉ đến khi có AFTA hay TPP DN chăn nuôi Việt Nam mới lo ngay ngáy, nhiều năm trở lại đây, ngành chăn nuôi trong nước cũng đã phải đối mặt với sức ép rất lớn từ sản phẩm nhập khẩu ngoài khu vực như Mỹ, Brazil, EU… Ngay như chuyện nhập khẩu bò Úc, tốc độ nhập vào Việt Nam tăng khủng khiếp, gấp 52 lần chỉ trong vòng hai năm. Với tốc độ chiếm lĩnh thị trường “chóng mặt” như thế thì DN nội nào đủ sức đỡ nổi?!
Trước những trăn trở của doanh nghiệp chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát khẳng định: "Mục tiêu của chúng ta là ngành chăn nuôi đứng vững và phát triển được. Chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng đến các DN mà ảnh hưởng đến hàng chục triệu bà con nông thôn, vì thế cái gì làm được cho ngành chăn nuôi chúng ta phải thực hiện ngay".
Tuy vậy, người đứng đầu ngành nông nghiệp lưu ý, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đồng nghĩa với mở cửa, các DN phải sẵn sàng với tinh thần cạnh tranh. Bộ NN&PTNT sẽ làm hết sức mình để giúp DN, nhưng trụ vững và phát triển được hay không trong môi trường hội nhập thì yếu tố nội lực của DN mới đóng vai trò quyết định.
Bộ trưởng Phát cho hay, về đàm phán TPP, Bộ sẽ sớm công bố những gì đã thỏa thuận xong để DN chủ động theo dõi. Về quản lý các DN chăn nuôi nước ngoài, ông Phát cho biết đang trình Chính phủ ban hành Nghị định nêu rõ các DN nước ngoài được đầu tư hạng mục nào, đầu tư đến đâu, giới hạn ra sao… để kiểm soát việc thao túng, độc quyền trong chăn nuôi.
Người đứng đầu Bộ NN&PTNT khẳng định sẽ cho nhập giống tốt về Việt Nam để chăn nuôi, đồng thời sẽ sửa các quy định nhập giống cho thông thoáng hơn. Cục Chăn nuôi được giao rà soát các quy định để cho phép đưa toàn bộ chất thải (phân) chăn nuôi được sử dụng bón trên đồng ruộng (như cách làm của các nước phát triển).
Cục Thú y được giao hướng dẫn ngay cho các DN đang có nhu cầu xuất khẩu gà giống, trứng thương phẩm sang các nước; nếu có vướng ở thị trường nào, Bộ hứa sẵn sàng vào cuộc để tháo gỡ và mở thêm các thị trường mới để xuất khẩu.