Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chỉ bán quần áo tối giản, vì sao Uniqlo của người Nhật vẫn đắt hàng

Các sản phẩm của Uniqlo đã lược bỏ tất cả phần trang trí hay thiết kế cầu kỳ theo đúng triết lý sống "càng đơn giản càng tốt" của người Nhật.

Uniqlo, thành lập năm 1984 tại Hiroshima (Nhật Bản), có tên đầy đủ là Unique Clothing Warehouse. Dù có "Unique" (khác biệt) trong tên, thương hiệu thời trang này bị đánh giá là không có gì độc đáo, thậm chí bị mỉa mai là “Unibore”.

Trong ngành công nghiệp thời trang vốn quan trọng yếu tố khác biệt, sự đơn giản của Uniqlo không được đánh giá cao trong những ngày đầu ra mắt.

Tuy nhiên, hiện tại, Uniqlo có hơn 2.000 cửa hàng tại gần 20 quốc gia. Chủ sở hữu của thương hiệu, Tadashi Yanai, là người giàu nhất Nhật Bản. Và công ty mẹ, Fast Retailing, thuộc top 5 nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới.

Vậy không phải sự khác biệt, điều gì đã tạo nên thành công của Uniqlo?

Nhiều chuyên gia nhận định đó chính là xu hướng tối giản – bắt nguồn từ triết lý sống "đơn giản cho đời thanh thản - Danshari” của người Nhật Bản, đang ngày càng được giới trẻ nhiều nước ưa chuộng.

uniqlo khai truong anh 1
Uniqlo, thành lập năm 1984 tại Hiroshima (Nhật Bản), khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 6/12. Ảnh: Uniqlo.

Không thương hiệu, không chạy theo xu hướng

Uniqlo không chuyên những sản phẩm hợp thời mà hướng đến những thứ cơ bản đến mức tối giản.

Không giống các đối thủ cạnh tranh tạo ra các sản phẩm sành điệu và đem bán với giá rẻ, Uniqlo vẫn chỉ bán đồ basic: áo thun, quần jean, áo len, áo khoác – những thứ có thể tìm thấy trong tủ đồ của bất kỳ ai.

The Atlantic đưa ra sự so sánh giữa Uniqlo với những thương hiệu có cùng phân khúc khách hàng như Zara, H&M. Trong khi Zara nỗ lực đại chúng hóa các xu hướng thời trang cao cấp. H&M là nơi cung cấp các mặt hàng hợp trend nhất như quần nhung, áo len đính cườm, váy dây đính đá với giá bình dân.

Uniqlo không chạy theo xu hướng. Mặt hàng chủ lực luôn là quần đen đa năng, áo khoác, áo thun, giày oxford, vớ cotton. Tất cả các trang trí và thiết kế cầu kỳ bị lược bỏ theo tiêu chí "càng đơn giản càng tốt".

Không chỉ Uniqlo, có thể tìm thấy sự cơ bản đến mức tối giản trong nhiều thương hiệu lớn khác của Nhật Bản. Muji, tên đầy đủ là Mujirushi Ryohin có nghĩa "các sản phẩm không thương hiệu chất lượng tốt", là chuỗi cửa hàng bán lẻ Nhật Bản nổi tiếng toàn thế giới.

Các sản phẩm của Muji được thiết kế theo phong cách tối giản, không thay đổi mẫu mã trong nhiều năm, nhấn mạnh chức năng và độ bền.

Chủ tịch Muji tại Mỹ Asako Shimazaki nhấn mạnh: "Muji không phải là một cái gì đó hợp thời. Các sản phẩm của chúng tôi vẫn là những mặt hàng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Dù qua bao thế hệ, bạn sẽ luôn cần những món đồ như vậy".

Không chỉ các thương hiệu thời trang, đồ gia dụng, những chương trình truyền hình, sách, blog hướng dẫn phong cách sống tối giản cũng rất được ưa chuộng tại xứ Phù Tang.

Marie Kondo, người nổi tiếng với biệt danh "Thánh nữ dọn nhà", đã trở thành triệu phú nổi tiếng thế giới khi làm blog, xuất bản 4 cuốn sách về nghệ thuật dọn dẹp nhà cửa và lối sống tối giản.

Đầu năm 2019, Marie còn ra mắt show riêng trên Netflix mang tên Tidying up with Marie Kondo thu hút hàng triệu lượt xem. Tuy nhiên, mới đây, cô gái này khiến dân mạng bức xúc khi rao bán nhiều món đồ lặt vặt với giá trên trời.

"Càng ít lại càng nhiều"

Sự thành công của các thương hiệu như Uniqlo, Muji hay độ nổi tiếng của "Thánh nữ dọn phòng" Marie Kondo, theo nhiều chuyên gia, có thể bắt nguồn từ chính sự yêu thích của người Nhật đối với phong cách tối giản - còn được biết đến với cái tên Danshari, lần đầu xuất hiện vào khoảng năm 2010-2011.

Ý nghĩa của Danshari nằm trong chính 3 từ viết tắt: Dan nghĩa là từ chối (mang về nhà những thứ không cần thiết), Sha nghĩa là vứt bỏ (những thứ vướng víu trong nhà) và Ri nghĩa là tránh xa (việc mua sắm vật chất lãng phí).

Một bài viết đăng trên Reuters đã phỏng vấn những người trẻ tại đất nước mặt trời mọc theo đuổi lối sống tối giản trong nhiều năm để tìm hiểu rõ hơn về xu hướng Danshari.

Với những tín đồ Danshari, tiền bạc không phải là vấn đề. Lý do khiến họ muốn sống tối giản là vì cảm thấy "càng ít lại càng nhiều". Theo đó, việc sở hữu càng ít đồ đạc, vật chất khiến cuộc sống bớt vướng bận, lo lắng và có nhiều thời gian để làm những việc ý nghĩa hơn.

Nói cách khác, Danshari quan niệm con người không nên quá quan trọng hóa vật chất bên ngoài mà nên tập trung vào những giá trị sống bền vững.

Tuy nhiên, không quan trọng hóa không có nghĩa là thiếu tôn trọng đồ vật. Bởi vì, khi một người chỉ mua những thứ thực sự cần thiết, họ được tin rằng sẽ sử dụng chúng một cách hiệu quả hơn mà không lãng phí.

Với ý nghĩa đó, lối sống Danshari nhận được sự quan tâm, ủng hộ của giới trẻ không chỉ ở Nhật Bản mà còn tại nhiều nơi trên thế giới.

Phong cách này cũng được cho là phù hợp với khát khao trải nghiệm và mong muốn có cuộc sống tự do, phóng khoáng của những người trẻ hiện đại.

Quần bơi của Jeff Bezos bất ngờ thành hot trend dù đã bán 5 năm trước

Mẫu quần bơi in hình bạch tuộc được tỷ phú Jeff Bezos mặc vào mùa hè vừa qua trở thành món đồ nhiều người hâm mộ yêu thích và ráo riết tìm kiếm.




Lê Vy

Bạn có thể quan tâm