Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ: Lo ngại lãng phí

Theo TS Lê Viết Khuyến, dự thảo chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ còn nhiều điều đáng lo ngại, khi chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay chưa đảm bảo.

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2015 tầm nhìn 2030. 

Mục tiêu đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ đạt tỷ lệ 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ), ngân sách Nhà nước chiếm 94%.

Chấn chỉnh đào tạo tiến sĩ

Chia sẻ với Zing.vn, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), cho rằng dự thảo nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục có thể được chi 12.000 tỷ đồng, đào tạo 9.000 tiến sĩ khiến dư luận đáng lo ngại.

chi 12000 ty dao tao tien si anh 1
Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam được đánh giá chưa đảm bảo chất lượng. Ảnh minh họa. 

TS Lê Viết Khuyến cho hay thời gian qua, nước ta vừa có một cuộc “chạy đua” trong đào tạo tiến sĩ, với chất lượng đào tạo không được như mong muốn.

Không phải cơ sở giáo dục nào trong nước cũng đào tạo được tiến sĩ. Điểm yếu là đào tạo qua loa, dễ dãi, cơ quan quản lý là Bộ GD&ĐT chưa mạnh tay chấn chỉnh.

Để đào tạo tiến sĩ, các trường cần có bề dày truyền thống theo hướng nghiên cứu, có đội ngũ giảng viên mạnh, cơ sở vật chất tốt. Nhưng ở Việt Nam, không phải cơ sở nào cũng đáp ứng được điều này.

"Thời gian qua, Bộ GD&ĐT cho đào tạo tiến sĩ khá 'nhẹ tay', dẫn đến việc có những tiến sĩ 'dởm'. Hiện tại, Bộ GD&ĐT nên chú trọng khâu rà soát, đào tạo có chất lượng. Trường nào đào tạo tiến sĩ thì phải nghiên cứu khoa học mạnh. Trường nào yếu mà vẫn cho ra lò tiến sĩ là điều không bình thường”, ông Khuyến nói.

Trước kia, Bộ GD&ĐT chưa thực hiện tốt các đề án như Ngoại ngữ 2020, mô hình trường học mới VNEN, dẫn đến việc tiêu tốn rất nhiều tiền mà không mang lại kết quả cao

Ông Lê Viết Khuyến

Nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học chỉ ra rằng đào tạo tiến sĩ trong nước đang có nhiều bất cập như cơ sở vật chất không có, số lượng cán bộ hướng dẫn không đủ, phải thuê cộng tác viên. Uy tín của nơi đào tạo không đảm bảo, chất lượng đào tạo kém.

Việc gửi tiến sĩ đi đào tạo ở nước ngoài rất tốn kém nên khâu tuyển sinh và lựa chọn phải cẩn thận. Để khi trở về, họ có thể phục vụ đất nước cũng như mục tiêu được đặt ra.

TS Lê Viết Khuyến cho hay thực tế, một số người đi học ở nước ngoài không được, phải trở về sau khi tiêu tốn của Nhà nước số tiền lớn.

Bộ GD&ĐT cũng nên cung cấp danh sách các trường đã được công nhận để trước khi làm hồ sơ du học, người học có thể tham khảo và yên tâm. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần công khai minh bạch nguyên tắc công nhận văn bằng.

Đáng lo ngại 

Nói về việc chi 12.000 tỷ để đào tạo 9.000 tiến sĩ trong tương lai, ông Lê Viết Khuyến cho rằng đó là điều đáng lo ngại.

Số tiền này đều do người dân và con em của họ phải đóng thuế trả nợ chứ không phải cho không. Nếu Bộ GD&ĐT không thực hiện hiệu quả đề án, xã hội sẽ mất lòng tin.

chi 12000 ty dao tao tien si anh 2
Trình độ giảng viên đại học và cao đẳng ở nước ta. Ảnh: Nguyễn Sương.

"Thực tế, trước kia, Bộ GD&ĐT chưa thực hiện tốt các đề án như Ngoại ngữ 2020, mô hình trường học mới VNEN, dẫn đến việc tiêu tốn rất nhiều tiền mà không mang lại kết quả cao”, ông Khuyến nêu quan điểm.

Ông cũng cho rằng điều quan trọng là phải đẩy mạnh công tác quản lý từ Bộ GD&ĐT xuống các cấp dưới, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để đào tạo tiến sĩ đảm bảo chất lượng.

Đồng tình với ý kiến này, GS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý Giáo dục - nói Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm quản lý quá trình thực hiện đề án, cũng như chất lượng của 9.000 tiến sĩ sau khi đào tạo.

"12.000 tỷ không phải con số nhỏ. Vì thế, Bộ GD&ĐT phải hết sức thận trọng với dự án này để không đi vào vết xe đổ theo kiểu đào tạo mang nặng tính hình thức trước đó", GS Bảo nói.

Cũng theo ông Đặng Quốc Bảo, quá trình thực hiện đề án sẽ có cơ chế giám sát: Giám sát tư vấn, giám sát hỗ trợ và giám sát phản biện và giám sát kiểm tra… để đảm bảo đề án thực hiện công khai, minh bạch và có hiệu quả.

GS.TS Bảo nêu quan điểm chúng ta cần có một đội ngũ người thầy tinh hoa, mang hết tâm huyết, trí lực cho đổi mới chứ không phải đội ngũ người thầy có nhiều bằng cấp nhưng lại không làm được gì.

Nếu nhìn lại quá khứ, chúng ta sẽ thấy những người thầy của những năm 60 về trước. Họ không hề có học vị tiến sĩ nhưng lại đào tạo nhiều thế hệ tài năng.

Sẽ chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ để đổi mới giáo dục

Dự thảo nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục có thể được chi 12.000 tỷ đồng, đào tạo 9.000 tiến sĩ.


Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm