Toàn cảnh hiện trường vụ hỏa hoạn khiến 2 kho xưởng gỗ và một kho công ty quảng cáo bị thiêu rụi. |
Được đánh giá là vấn đề gây nhiều bức xúc, việc phòng cháy chữa cháy đã nhận được một loạt câu hỏi tại phiên chất vấn về quản lý đô thị tại Hà Nội. Phó chủ tịch Lê Hồng Sơn và Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hoàng Quốc Định cùng chia lửa tại phiên chất vấn.
Những quả bom nổ chậm
Đại biểu Hoàng Mạnh Phú nêu, hỏa hoạn không chỉ ảnh hưởng tài sản, tính mạng mà cả tâm lý và lòng tin của dân. Chung cư mất an toàn thì ai ở, doanh nghiệp cũng hết cơ hội xây chung cư. Tài sản, tính mạng và lòng tin cũng bốc hơi cùng các đám cháy.
Vì thế, theo ông Phú, từ góc độ quản lý nhà nước, các sở ngành tham mưu thành phố thế nào về quy hoạch, thực hiện quy hoạch, thanh tra, giám sát. "Luật đã có rồi, vi phạm thì ai chịu trách nhiệm? Nếu nói trách nhiệm chung chung thì không ổn", đại biểu này đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặt vấn đề việc PCCC chưa được nhìn nhận chưa đầy đủ. Từ thực tế đi giám sát của Ban Pháp chế, ông Nam nêu thực trạng 3 không ở nhiều khu chung cư tái định cư: không hệ thống báo cháy, không hệ thống chữa cháy tự động, không hệ thống chữa cháy vách tường.
“Những tòa này đang ở mức báo động nguy hiểm. Cầu thang chỉ có công năng sử dụng khi thang máy sử dụng, không giúp PCCC. Nếu xảy ra cháy sẽ là thảm họa”, đại biểu Nam nêu.
Một ví dụ khác được đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Anh đặt ra, ở các làng nghề như Bát Tràng, bình gas đặt khắp nơi, trên lối đi nhỏ hẹp. Đó là những thùng bom nổ chậm. Làm sao có thể giảm thiểu nguy cơ cháy nổ? Nếu xảy ra hỏa hoạn, ứng cứu xử lý thế nào?
Theo bà, ở các chung cư cao tầng, nhà tái định cư, thành phố báo cáo đã đầu tư cho các tòa nhà để nâng cấp hệ thống PCCC nhưng thực tế không như vậy.
“Chúng tôi đi giám sát, sau nửa tiếng gọi, chỉ huy động được một người tại chỗ chính là nhân viên trông xe. Loay hoay mãi không tìm được chìa khóa mở tầng hầm. Mở ra thì máy móc được nói là công nghệ châu Âu nhưng 3 năm không hoạt động. Mở hệ thống vòi nước thì không một giọt”, đại biểu Nam nêu thực tế.
Rồi ông Nam cho hay, tháng 3/2015 đã gửi kiến nghị xử lý hệ thống PCCC ở các nhà chung cư tái định cư. Tháng 10/2015 quay lại vẫn nguyên trạng. "Trách nhiệm thuộc về ai? Bao giờ thành phố sẽ xử lý được?", ông Nam gay gắt.
Chủ tịch HĐND Nguyễn Bích Ngọc nêu thêm, công tác quản lý nhà nước của cảnh sát PCCC có nơi còn buông lỏng, hiệu quả quản lý chưa cao.
Theo thống kê, 745 công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu đã đi vào hoạt động. Tỷ lệ doanh nghiệp ở các khu, điểm công nghiệp được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy cũng rất thấp. "Đây là trách nhiệm của cơ quan phòng cháy chữa cháy", người đứng đầu HĐND thành phố thẳng thắn.
1.200 tỷ mua sắm trang thiết bị PCCC
Phó Chủ tịch thành phố Lê Hồng Sơn cho hay, trách nhiệm đã được nêu rõ trong luật với các quy định cụ thể. Tuy nhiên, giữa pháp luật và thực tiễn luôn có độ vênh.
Ông Sơn đơn cử, khi xảy ra vụ cháy ở khu chung cư Xa La, UBND chỉ đạo PCCC kiểm tra rà soát toàn bộ các khu dân cư, xem đúng quy trình quy chuẩn. Nếu có vi phạm sẽ rà soát, tham mưu thành phố để có giải pháp khắc phục.
Theo Phó chủ tịch Sơn, Hà Nội là nơi có trang thiết bị PCCC hiện đại nhất cả nước. Thành phố rất quan tâm, đầu tư, hỗ trợ 100% trang thiết bị, hỗ trợ địa điểm xây trụ sở cho lực lượng cảnh sát PCCC. Chi 1.200 tỷ đồng trang thiết bị hỗ trợ cho lực lượng này.
Lực lượng cảnh sát PCCC, theo Giám đốc Sở Hoàng Quốc Định, đã phát triển nhanh cả về mô hình tổ chức và biên chế, phủ kín cấp phòng cấp đội theo đầu mối hành chính. Tổng biên chế trước khi thành lập Sở chỉ 600-700 người, khi thành lập tháng 7/2011 là 1.300 chiến sĩ và nay xấp xỉ 2.300 cán bộ chiến sĩ.
"Ngay cả công trình của cơ quan trung ương lớn xây tầng ngầm nhưng không đảm bảo điều kiện PCCC, chúng tôi cũng kiên quyết dừng lại, không cho sử dụng”, vị lãnh đạo thành phố lấy ví dụ.
Quyết liệt chỉ đạo, nhưng theo ông Sơn, vì nhiều lý do khách quan như cơ sở hạ tầng kém, ý thức chưa cao, cháy nổ vẫn xảy ra trên địa bàn Hà Nội.
Còn lãnh đạo Sở PCCC quan ngại, nguy cơ cháy nổ còn tiềm ẩn. Nguy cơ gia tăng vẫn là thường trực do đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội, thời tiết khí hậu, điều kiện hạ tầng nhiều bất cập.
Trung bình mỗi năm Hà Nội xảy ra 150-200 vụ cháy lớn. Bên cạnh đó còn 500-700 sự cố cháy. Theo ông Định, sự cố này tiềm ẩn nguy cơ cao nếu không phát hiện, chữa cháy kịp thời có thể thành vụ cháy lớn, gây hậu quả khôn lường.
Ý thức người dân về PCCC còn hạn chế
Điều khiến hai vị lãnh đạo phụ trách công tác PCCC lo lắng là ý thức của người dân và nhiều đơn vị, lãnh đạo cơ sở còn hạn chế.
Cũng theo ông Định, sau những vụ cháy gần đây, nhất là ở các chung cư cao tầng, dư luận quan tâm, tìm hiểu, liên hệ trách nhiệm. Đây là tín hiệu tích cực, khi người dân quan tâm thực sự.
Tình trạng nước đến chân mới nhảy, mất bò mới lo làm chuồng vẫn là phổ biến. Chúng ta vẫn tắc trách, vô cảm, xảy ra cháy nổi rồi mới quan tâm, lo lắng, vào cuộc chăm lo cho công tác này.
Để tăng hiệu quả, Phó chủ tịch Sơn nhấn mạnh trách nhiệm của từng tổ dân phố, từng khu dân cư, từng cá nhân. Phải lấy phòng ngừa là chính. Đầu tư cho cảnh sát phòng cháy bao nhiêu cũng không đủ.
“Một khi đã xảy ra cháy rồi thì dù lực lượng đông đảo, trang thiết bị hiện đại thì khó cứu chữa được”, ông Sơn thẳng thắn.
Ý kiến của ông Sơn được lãnh đạo lực lượng PCCC minh họa bằng câu chuyện xe thang chữa cháy của TP HCM. Thành phố được Mỹ tặng 1 xe thang 72-74m nhưng không khai thác sử dụng được vì cơ sở hạ tầng không cho phép.
“Đường hẹp, cầu cống, dây điện chằng chịt như ở ta, xe có cũng không sử dụng được. Điều kiện hạ tầng phải đồng bộ chứ không đơn giản có thiết bị là xong”, ông Định nói.
Vì thế, một giải pháp khác được lãnh đạo Hà Nội nhấn mạnh là tăng cường 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Cần xây dựng tổ dân phòng PCCC, được bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao lực lượng. Đây phải là lực lượng tham gia đầu tiên, dập các vụ cháy nhỏ. Cảnh sát PCCC chỉ khoanh vùng, khắc phục, cứu hộ cứu nạn thôi.
“Với đường Hà Nội, thời gian đi có nhanh bao nhiêu cũng không đáp ứng được. Đợi cảnh sát PCCC đến thì gay go”, ông Sơn nói.
Người đứng đầu lực lượng PCCC cho biết Sở sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể trình UBND thành phố duyệt, chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện, từng bước giải quyết tồn tại về nhà và công trình cao tầng nói chung, trong đó có nhà tái định cư.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND Nguyễn Bích Ngọc cho rằng câu trả lời của Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC là chưa rõ ràng, đầy đủ, chưa bám sát vào chức năng nhiệm vụ của Sở.
“Sở có 8 nhiệm vụ. Căn cứ vào đó, cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm, nghiêm túc trong triển khai”, bà Ngọc nói.