Chiều 14/9, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã cùng họp bàn phương án phát triển du lịch tại Việt Nam.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng muốn du lịch phát triển thì phải giải quyết được các bất cập hiện nay nhằm tạo thuận lợi hơn trong việc cấp thị thực (visa), tiến tới cấp visa điện tử và hạ phí cấp visa. Cùng với đó phải đáp ứng được nhu cầu chính đáng của các nhà đầu tư vào ngành du lịch (về đất đai, thuế, giá điện, giá nước…).
“Cũng cần phải nâng mức phí du lịch để đáp ứng nhu cầu bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa du lịch, xóa bỏ được những nỗi sợ của khách du lịch khi tới Việt Nam như cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, nhà vệ sinh mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường...”, ông nhấn mạnh.
Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp để phát triển du lịch trong đó có việc hạ phí cấp visa cho du khách. Ảnh: Huỳnh Văn Nam. |
Tại cuộc họp, đại diện ngành du lịch cho hay hiện chỉ 10% hướng dẫn viên du lịch của Việt Nam có ngoại ngữ. Một số doanh nghiệp hoàn thành xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng nhưng chưa thể khánh thành được vì chưa tuyển đủ nhân lực vận hành.
Trước thực tế này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải đặt ra kế hoạch, giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của du lịch Việt Nam, kể cả nguồn nhân lực quản lý du lịch từ cấp cao đến cấp thấp.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu thực tế hiện nay, phí, giá dịch vụ du lịch vẫn rất thấp, cào bằng, không đáp ứng được nhu cầu bảo tồn, nâng cao giá trị của di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh cũng như sự phát triển của ngành du lịch.
“Đơn giá điện phục vụ cho du lịch thì cao hơn đơn giá điện phục vụ sản xuất. Chưa có ưu đãi thuế đất đối với các công trình lưu trú trong các khu vực hạn chế xây dựng (như cố đô Huế) hay các công trình lưu trú có sử dụng nhiều diện tích trồng nhiều cây xanh, sinh thái…”, ông nói.
Nói về nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, ông Vương Đình Huệ cho rằng do chưa có thể chế tốt về quản lý và phát triển du lịch theo sự vận động của các quy luật kinh tế thị trường.
“Phải hành xử với du lịch như một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật phổ quát của nền kinh tế thị trường, có thể chế, chính sách vượt trội thì mới thành mũi nhọn. Nếu các bộ, ngành nói chính sách vướng cho quản lý thì sẽ tắc”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.
Ông yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tiến hành nghiên cứu thực hiện tái cơ cấu ngành du lịch, có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, có kế hoạch phát triển nguồn lực du lịch cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn lao động.