Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Chém gió’ về cuốn sách bạn chưa đọc không hề là giả dối

Để nói lời có cánh với người yêu cần viện vài câu trong sách, để trả bài ông thầy cũng cần sách, đôi khi nấu ăn cũng cần sách. Chúng ta cần sách, nhưng để đọc hết sách là bất khả.

Làm thế nào để có thể thoải mái nói về cuốn sách mình chưa đọc, và quan trọng hơn là làm sao để đọc sách một cách hiệu quả, thông minh là câu hỏi thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu thích đọc sách. Đó là điều mà tác giả Pierre Bayard bàn đến trong tác phẩm Làm sao nói về những cuốn sách chưa đọc?.

Van hoa doc,  Cuon sach chua doc anh 1
Sách Làm sao để nói về những cuốn sách chưa đọc?.

Nhân dịp cuốn sách này ra mắt ấn bản tiếng Việt, một buổi tọa đàm về việc đọc được thực hiện tại Hà Nội. Chương trình nằm trong chuỗi tọa đàm Văn học Pháp do Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội và Nhã Nam thực hiện.

Hai diễn giả của chương trình là thạc sĩ Nguyễn Minh (người điều hành dự án Trạm Đọc) và tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh (điều hành dự án Sách ơi mở ra) dưới sự dẫn dắt của MC Đinh Trần Tuấn Linh đã nói nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến cuốn sách Làm sao nói về những cuốn sách chưa đọc, cũng như về việc đọc, văn hóa đọc.

Trước câu hỏi quan trọng được đặt ra tại tọa đàm: cuốn sách Làm sao nói về cuốn sách chưa đọc? liệu có dạy chúng ta điều giả dối, các diễn giả đều khẳng định nó không hề dạy điều giả dối. Bởi cuốn sách chưa đọc theo quan điểm của tác giả Pierre Bayard có thể là sách ta chưa biết đến, sách ta mới đọc lướt, sách ta mới nghe người khác nói đến, và sách ta đã đọc nhưng đã quên.

Van hoa doc,  Cuon sach chua doc anh 2
Từ trái qua: Các diễn giả Nguyễn Minh, Trần Tuấn Linh, Ngọc Minh tại tọa đàm. 

Thạc sĩ Nguyễn Minh cho rằng cuốn sách trong những tình huống này không làm chúng ta giả dối hơn, mà ngược lại làm chúng ta chân thật hơn. Chúng ta có thể yên tâm tung tăng khi chưa đọc cuốn sách này hay sách khác. Còn tiến sĩ Ngọc Minh lý giải cuốn sách dưới góc độ lý thuyết tiếp nhận.

Chị cho rằng nếu chúng ta đọc nhiều sách quá, thì dễ dẫn đến phụ thuộc vào sách. Nên khi đọc sách, chúng ta phải dừng lại mà suy xét. Thạc sĩ Ngọc Minh nói: “Chúng ta có cần xấu hổ không khi không đọc sách, bởi định kiến là cứ đọc sách là văn minh, còn không đọc thì đáng xấu hổ. Việc đọc sách là quá trình khai thác cuốn sách nội tâm của chúng ta. Như vậy, tác giả đang khuyến khích chúng ta đọc sách, chứ không phải là dạy cách lừa dối”.

Bàn về việc đọc và văn hóa đọc, thạc sĩ Nguyễn Minh cho rằng văn hóa đọc của nước ta được coi như một tôn giáo. Trong khi đó, mục đích thực sự của tác giả Pierre Bayard trong Làm sao nói về những cuốn sách chưa đọc? lại "giải thiêng" việc đọc sách.

Lâu nay, nhiều người vẫn coi đọc sách là thiêng liêng với vỏ bọc “đọc sách là tiếp cận tri thức”… Nhưng sách cũng như những thứ khác, là cách chúng ta kết nối với mọi người, chứ không tạo ra rào chắn giữa người này người khác, sách không tạo ra đẳng cấp cho người đọc.

Văn hóa đọc hay việc đọc giản dị hơn nhiều. Việc đọc thực chất là quá trình đi tìm tiếng nói bên trong cuốn sách. Ta càng đọc thì ta càng rời xa cuốn sách đó, đi tìm và tạo dựng một cuốn sách trong ta.

Cụ thể, tiến sĩ Ngọc Minh khuyên khi đọc, không nên trói buộc việc đọc với những thứ hào nhoáng, với những định kiến như đi tìm tác giả, tìm văn bản cuốn sách, nội dung cuốn sách… Mà việc đọc thực chất là đi tìm tiếng nói bên trong ta. “Hãy đọc như một quá trình sáng tạo” – người điều hành dự án Sách Ơi Mở Ra nói.

Van hoa doc,  Cuon sach chua doc anh 3
Tác giả Pierre Bayard.

Trong Làm sao để nói về những cuốn sách chưa đọc?, tác giả Pierre Bayard cho rằng có quá nhiều cuốn sách hay mà việc đọc hết là bất khả. Nhưng lại có nhiều tình huống khiến ta buộc phải nói đến những cuốn sách mình chưa đọc, như trong các cuộc trò chuyện giao tế, trước mặt một vị giáo sư, trước mặt nhà văn, và trước mặt người ta yêu…

Từ đó tác giả đưa ra các cách thức ứng xử cần có như: không hổ thẹn khi nói về sách, không áp đặt ý kiến cá nhân, hãy sáng tác ra một cuốn sách mới và nói về cái tôi của chính mình.

Tác giả Pierre Bayard sinh năm 1954 tại Pháp, ông là giáo sư văn học Pháp tại trường Đại học Paris 8 đồng thời cũng là một chuyên gia phân tích tâm lý. 

Làm sao nói về những cuốn sách chưa đọc? là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, trong đó ông phê phán lối tư duy cho rằng giữa đọc và không đọc có một ranh giới rõ rệt, đồng thời khuyến khích người đọc tự xây dựng một mối quan hệ tự do hơn, đơn giản hơn với thế giới sách.

Ngoài Làm sao nói về những cuốn sách chưa đọc?, Pierre Bayard đã xuất bản nhiều tác phẩm độc đáo như Le paradoxe du menteur. Sur Laclos (Nghịch lý của kẻ nói dối. Bàn về Laclos), Comment améliorer les oeuvres ratées? (Làm sao cải thiện những tác phẩm dở?), Enquête sur Hamlet. Le Dialogue de sourds (Điều tra về Hamlet. Hội thoại giữa những người điếc), 2002; Demain est écrit (Tương lai đã được định sẵn), 2005;…

Bài và ảnh: Tần Tần

Bạn có thể quan tâm