Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chế tạo ra một viên thuốc không phải dễ

Vì mất thời gian, kinh phí nên dẫn đến một đặc thù của ngành Dược là các thuốc mới ra đời ngày càng khó hơn so với trước đây.

Ngành nghề nào cũng yêu thích và khuyến khích sự sáng tạo, như người nghệ sĩ trên sân khấu cần sáng tạo để làm mới mình mỗi ngày mới đáp ứng được yêu cầu thưởng thức món ăn tinh thần ngày càng phong phú của những khán giả khó tính.

Giáo viên cần sáng tạo trong phương pháp giảng dạy để tăng hứng thú cho học sinh trong quá trình tiếp thu. Kỹ sư cũng cần thể hiện ý tưởng mới mẻ của mình qua những bản vẽ sáng tạo…

Đúng là sáng tạo thường không có giới hạn, nhưng đặc thù trong ngành Dược luôn có nguyên tắc trước khi sáng tạo mình phải làm đúng. Bởi vì ngành Dược không giống như những ngành nghề khác, sự sáng tạo kia đôi khi có thể gây chết người nếu đi quá đà.

Thử tưởng tượng khi nhận được đơn thuốc có rất nhiều loại được kê từ bác sĩ, người dược sĩ nếu vô tình sáng tạo quá giới hạn cho phép, thay đổi liều lượng hoặc loại thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ thì sự sáng tạo đó cực kì nguy hiểm.

Sáng tạo trong ngành Dược phải dựa trên kiến thức vững chắc, kể cả chỉ là thử nghiệm cũng phải tuyệt đối chắc chắn và cẩn thận, phải có sự kiểm soát chặt chẽ trước khi công bố trong phạm vi nào đó. Sự sáng tạo đối với ngành Dược tuy không giới hạn, phải được cân nhắc kỹ càng.

Tốt nghiệp bên trường tôi có hai hình thức, sinh viên có thể lựa chọn giữa thi tốt nghiệp hoặc làm khóa luận tốt nghiệp. Bộ môn tôi đang giảng dạy thu hút khá đông các bạn làm khóa luận, tôi thấy đa phần các bạn sinh viên trẻ rất muốn tìm hiểu, sáng tạo và luôn có kì vọng lớn về sự sáng tạo của mình.

Tôi luôn khuyến khích và ủng hộ việc sinh viên của mình tham gia vào những đề tài như thế, tuy nhiên quá trình ấy rất nan giải. Nhiệt huyết ban đầu của sinh viên khi đến gặp tôi để nhờ hướng dẫn lúc nào cũng lớn lao, tràn đầy hứng khởi em có ý tưởng như này, em muốn thực hiện cái này.

Chỉ sau khi tìm hiểu rồi mới nhận thấy sáng tạo không hề đơn giản, mình còn thiếu quá nhiều thứ để hoàn thiện nó. Những lúc ấy là khi các bạn cần phải nỗ lực và cố gắng tìm tòi nhiều hơn.

Trong ngành Dược, thời gian trung bình để chế tạo ra một sản phẩm mới và để cơ quan hành chính chính thức tiếp nhận nó là thuốc chữa bệnh phải mất khoảng 15-20 năm. Đi kèm theo đó là số tiền đầu tư thử nghiệm, nghiên cứu có thể lên đến hàng triệu đô.

Vì mất thời gian, kinh phí nên dẫn đến một đặc thù của ngành Dược là các thuốc mới ra đời ngày càng khó khăn hơn so với trước đây do yêu cầu nghiêm ngặt về các thử nghiệm hiệu quả, hiệu lực, tính an toàn của thuốc.

Chi phí và thời gian đầu tư để nghiên cứu một loại thuốc mới ngày càng tốn kém. Khi số thuốc đó được tiếp nhận thì khoảng cách của quá trình chế tạo chúng so với thời điểm hiện tại đã quá xa, và đôi khi nó không phù hợp ở thời điểm ấy vì nhiều lí do như nguyên liệu, tính thông dụng hay mức độ cần thiết.

Lấy ví dụ với một loại thuốc quen thuộc và bây giờ có rất nhiều loại như kháng sinh chẳng hạn. Để có thể chữa những bệnh nhiễm khuẩn thì ngay từ giai đoạn bệnh nhiễm khuẩn phát triển đã có rất nhiều thuốc kháng sinh ra đời trong một khoảng thời gian ngắn, chính vì thế mà khi những loại kháng sinh mới ra đời sau khoảng 15-20 năm thử nghiệm thường không được biết đến nhiều ở thời gian đầu vì người ta vốn đã quen với loại kháng sinh trước đó.

Hay có những loại thuốc khi đưa vào sử dụng lại gây ra các tác dụng phụ không đáng có do các trường hợp thử nghiệm chưa thật cặn kẽ. Đó cũng là cái khó khăn đặc thù của ngành, những yêu cầu ngày một chặt chẽ vì nó cần phải thử nghiệm rất chắc chắn trước khi sản xuất ra thuốc nên nhiều người hay thắc mắc tại sao lại lâu như thế.

Qua đó để thấy, làm một đề tài cần rất nhiều thứ, không chỉ thời gian mà còn cả chi phí, sức lực, mỗi một sinh viên tham gia vào nghiên cứu khoa học để làm tốt một đề tài tốt nghiệp chỉ mới đóng góp một phần rất nhỏ trong cả chuỗi sản xuất của ngành Dược để nhận ra rằng chế tạo ra một viên thuốc không phải là dễ.

Tất nhiên, sau khi tốt nghiệp sẽ có rất nhiều công tác để các bạn theo đuổi chứ không phải chỉ mỗi lĩnh vực sản xuất thuốc nhưng rõ ràng các bạn phải hiểu được những khó khăn, những đặc trưng của các mặt như thế.

Nghe như vậy, các bạn có thể thấy ngành này thật khó khăn và vất vả, song đối với tôi, để đạt kết quả tốt thì bất cứ ngành nào cũng cần phải có sự chăm chỉ. Thông minh chỉ chiếm 1% thôi, 99% còn lại vẫn là sự cần cù.

Điều đó có nghĩa mình phải có sự cần mẫn, tu dưỡng kiến thức thường xuyên. Trong ngành Dược, sự cần mẫn và chăm chỉ cũng còn là một hệ giá trị nữa, bởi lẽ, tôi tâm niệm rằng trên đời này, cái gì đi từ giá trị gốc, hướng đến giá trị bền vững bao giờ cũng có vị trí hơn những thứ hời hợt, nhất thời!

Là người trong cuộc, tôi hy vọng câu chuyện đầy “mâu thuẫn” của tôi không khiến bạn đọc phải khó chịu. Hoặc mọi người sẽ thông cảm thêm dẫu chỉ một chút với áp lực của chúng tôi, điều đó có thể lắm chứ nhỉ!

Bước vào kỹ nguyên công nghệ 4.0, rồi tiến tới 5.0, 6.0, tôi có niềm tin rằng xã hội vẫn cần những dược sĩ là những con người trách nhiệm, tâm huyết, có kiến thức nhưng luôn phải linh hoạt, năng động. Những con robot cứng nhắc chỉ có thể là người bạn đồng hành, là những trợ lí đắc lực mà sẽ không thể nào “nhanh chậm thất thường” như chúng tôi được?

Trần Trọng Biên / Tri thức Trẻ Books / NXB Thanh niên

SÁCH HAY