Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chế độ ăn theo nhóm máu có lợi ích thế nào

Khi bạn tìm hiểu về Chế độ Ăn theo Nhóm máu, hãy nhớ bài học từ giáo sĩ qua câu chuyện sau.

che do an phu hop anh 1

Ảnh minh họa: New Venture Advisors.

Trong những năm qua, tôi đã chứng kiến nhiều sự thay đổi đến từ kết quả của Chế độ Ăn theo Nhóm máu. Nhưng ít có câu chuyện nào tạo nhiều cảm hứng và khiến tôi cảm động như trải nghiệm với một giáo sĩ Do Thái lớn tuổi, tinh thông ở Brooklyn.

Đầu năm 1990, tôi nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ một bác sĩ ở thành phố New York, người rất tôn trọng công việc của tôi. Anh ấy nhờ tôi tới thăm khám cho một bệnh nhân, một giáo sĩ nổi tiếng đang nằm liệt giường.

“Giáo sĩ Jacob là một người rất đặc biệt”, bác sĩ nói với tôi. “Đây có lẽ sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ cho ông - và, tôi hy vọng, đối với cả giáo sĩ nữa”.

Bác sĩ kể thêm với tôi rằng người giáo sĩ, 73 tuổi, đã có tiền sử mắc bệnh tiểu đường lâu năm mà không thể kiểm soát tốt bằng liệu pháp tiêm insulin. Một cơn đột quỵ nghiêm trọng đã khiến ông bị liệt một phần cơ thể.

Khi tôi đến nhà riêng của ông ở Brooklyn, tôi thấy Giáo sĩ Jacob thực sự là một người đáng ngưỡng mộ, ông tỏa ra một bầu không khí an lành, hòa quyện giữa sự thấu hiểu sâu sắc về mặt tâm linh và lòng trắc ẩn thầm lặng. Từng là một người có dáng vẻ cao ráo mạnh mẽ, giờ đây ông trở nên héo mòn và kiệt sức trên giường bệnh, bộ râu bạc phơ, xum xuê của ông thả dài đến ngực.

Bất chấp tình trạng sức khỏe của mình, đôi mắt giáo sĩ vẫn trong sáng, tốt bụng và tràn đầy sức sống. Nguyện vọng chính của ông là được rời khỏi giường bệnh để có thể tiếp tục công việc của mình. Nhưng tôi cũng có thể thấy rõ rằng ông đang phải chịu nhiều đau đớn.

Ông ấy nói với tôi, đôi chân của ông nhiều vấn đề ngay cả trước cơn đột quỵ. Máu lưu thông kém tạo nên tình trạng phù nề, viêm sưng ở cả hai chân và khiến ông cảm giác bị giật mạnh, đau như kim châm trên từng bước đi. Hiện tại, chân trái của ông không còn có phản ứng.

Tôi không thấy ngạc nhiên khi biết Giáo sĩ Jacob thuộc nhóm máu B. Mặc dù nhóm máu này tương đối hiếm ở Mỹ, nhóm máu B khá phổ biến ở người Do Thái, phần đông những người di cư từ Đông Âu.

Tôi nhận ra rằng để giúp được giáo sĩ, tôi phải tìm hiểu lối sống và chế độ dinh dưỡng của ông. Thực phẩm có gắn bó mật thiết với nghi lễ truyền thống của người Do Thái.

Tôi nói chuyện với vợ và con gái của ông. Cả hai người đều không quen thuộc với các phương pháp trị liệu tự nhiên nhưng họ muốn giúp người thân của mình và rất ham học hỏi.

“Hãy nói cho tôi biết về chế độ ăn của giáo sĩ được không?”. Tôi hỏi.

“Ông ấy thường ăn cùng một loại thức ăn giống nhau mỗi ngày”, con gái của ông kể với tôi. Những thức ăn đó bao gồm thịt gà luộc; món cholent, một món hầm gồm thịt và đậu; và kasha varnishkes, kiều mạch kết hợp với mì hình nơ.

“Vậy món kasha đó được làm như thế nào?” Tôi hỏi một cách ngây thơ. Đã có một cuộc hội thoại nhanh giữa người mẹ và con gái bằng tiếng Yiddish, điểm xuyết bằng những nụ cười đáng yêu với tôi và đôi lần bật cười thành tiếng.

Cô con gái giải thích cho tôi bằng thứ tiếng Anh hoàn hảo đặc sệt giọng New York, “Trước tiên ông nấu kiều mạch, sau đó khuấy đều với mì hình nơ. Rồi múc ra đĩa, cầu nguyện và ăn thôi”.

“Cô có nêm nếm gia vị cho món kasha không?” Tôi lại hỏi. Sau một tràng tiếng Yiddish qua lại giữa hai người, con gái của giáo sĩ nói với tôi. “Kasha, bác sĩ ơi, nói sao nhỉ… chúng tôi rút hết mỡ từ thịt gà trong khi đó bỏ mỡ vào một chiếc chảo sâu với một chút hành tây băm nhỏ và nấu chín nó. Dầu mỡ được lọc dần trong quá trình đun nấu và nhờ đó mà chúng tôi thu được mỡ gà nguyên chất thượng hạng. Chúng tôi sẽ phết một lớp mỡ này lên miếng bánh mì challah tươi và thêm chút muối. Nó ngon muốn chết luôn vậy!”.

Vâng, vâng, cô có thể chết vì ăn món này đó, tôi nghĩ thầm. “Dù sao thì", con gái ông tiếp tục, “chúng tôi còn lấy một chút gribenes, những gì còn sót lại sau khi đã nấu hết mỡ gà. Nó giòn rụm, ngon lành cùng với hành tây đã ngả màu cánh gián, trở thành một món ăn kèm tuyệt vời với kasha. Nó còn ngon hơn cả bim bim khoai tây đấy! Đây là món yêu thích đã chiết xuất hòa quyện với kasha và mì. Ôi, nó ngon tuyệt vời!".

Tôi biết được đây là một món ăn rất phổ biến với người Hasidic và nó là một phần không thể thiếu trong bữa ăn Sabát điển hình. Nhưng đối với giáo sĩ, món ăn này không chỉ đơn thuần là nghi lễ hàng tuần.

Là một người theo đạo, dành hầu hết thời gian để cầu nguyện, giáo sĩ ít khi lo nghĩ về các món ăn và chỉ đơn giản ăn cùng một món hai lần một ngày, ngày này qua ngày khác.

Mặc dù đây là một phần của truyền thống lâu đời kéo dài cả thế kỷ, chế độ ăn của giáo sĩ không phải là lựa chọn hợp lý cho người nhóm máu B. Lectin trong thực phẩm như gà, kiều mạch và đậu (chưa kể đến gribenes!) đều có khả năng làm ngưng kết tế bào máu, đây có lẽ là yếu tố chính dẫn đến đột quỵ.

Những chất lectin này cũng có thể ngăn chặn tác dụng của insulin, từ đó giải thích tại sao bệnh tiểu đường của Giáo sĩ Jacob trở nên rất khó kiểm soát.

Tôi hiểu rằng người Do Thái Hasidic tuân theo luật kashrut - kosher - những nguyên tắc ăn kiêng cổ xưa được đặt ra từ Cựu Yên Ước của Kinh thánh. Theo những nguyên tắc ăn kiêng này, một số loại thực phẩm bị cấm, sữa và thịt không được ăn cùng trong một bữa ăn.

Trên thực tế, có nhiều nồi, chảo, bát đĩa và dao dĩa được sử dụng riêng biệt cho các thực phẩm từ sữa và thịt trong những căn bếp theo luật kosher. Họ cũng có các bồn rửa riêng biệt cho thịt và sữa.

Vì vậy, tôi đã cẩn thận tiếp cận vấn đề thay đổi chế độ dinh dưỡng với mẹ và con gái của giáo sĩ. Tôi không muốn phá vỡ các luật lệ về nghi lễ và tôn giáo có ý nghĩa quan trọng đối với họ. Tôi cũng rất cẩn trọng khi không gợi ý những món ăn được cho là không phù hợp với truyền thống của họ.

May mắn thay, giờ đây ta đã có những món ăn để thay thế. Tôi yêu cầu vợ của giáo sĩ Jacob mang đến chế độ ăn uống đa dạng hơn cho gia đình, hạn chế các món ăn thường ngày của giáo sĩ thành một tuần một lần cho bữa ăn Sabát.

Với những bữa ăn khác, tôi nói với vợ ông chuẩn bị các món ăn từ cừu, cá hoặc gà tây thay vì thịt gà; cơm hoặc kê thay cho kasha; và thay đổi các loại đậu đa dạng trong khi chuẩn bị món cholent.

Sau cùng, tôi kê đơn cho ông một số vitamin và thảo dược kết hợp để thúc đẩy quá trình phục hồi.

Một năm sau đó, giáo sĩ đã có những tiến triển vượt bậc. Trong tám tuần, ông ấy đã có thể đi lại và tập thể dục ở mức độ vừa phải, giúp cải thiện hệ tuần hoàn của cơ thể. Giáo sĩ đã cải thiện sức sống rõ rệt so với độ tuổi của mình và dần rũ bỏ những ảnh hưởng từ cơn đột quỵ.

Trong sáu tháng, ông đã chuyển từ insulin đường tiêm sang đường uống - một thành tựu đáng kể khi xét đến việc ông đã sử dụng insulin dạng tiêm trong rất nhiều năm. Giáo sĩ Jacob không xuất hiện tình trạng đột quỵ thứ phát và bệnh tiểu đường của ông cuối cùng cũng đã được kiểm soát.

Chữa trị cho giáo sĩ đã giúp tôi thêm trân trọng những kiến thức nền tảng cổ xưa về nhóm máu. Nó cho thấy thực phẩm được chọn theo lý do tôn giáo hoặc văn hóa không phải lúc nào cũng là lựa chọn tối ưu cho những nhóm người đó.

Một truyền thống 5.000 hay 6.000 năm có thể có giá trị lâu đời về mặt thời gian, nhưng rất nhiều đặc điểm nhóm máu còn tồn tại hàng nghìn năm trước đó.

Khi bạn tìm hiểu về Chế độ Ăn theo Nhóm máu, hãy nhớ bài học từ giáo sĩ qua câu chuyện này. Chế độ Ăn theo Nhóm máu không nhằm đưa ra một công thức cứng nhắc về những gì bạn nên ăn hay tỏ ý rằng bạn không được phép ăn những món ăn quan trọng trong nền văn hóa của bạn.

Thay vào đó, nó là một cách để hỗ trợ sức khỏe của bạn từ nền tảng cơ bản nhất - đưa bạn trở về với những chân lý thiết yếu tồn tại trong từng tế bào cơ thể và giúp bạn kết nối với lịch sử tiến hóa, với tổ tiên của mình.

BS Peter J D’Adamo, Catherine Whitney / NXB Dân trí & Medinsights

Bạn có thể quan tâm