Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cháy rừng đe dọa hệ sinh thái của núi Kilimanjaro

Hàng trăm tình nguyện viên địa phương đang cố gắng dập tắt đám cháy đã kéo dài 5 ngày qua trên núi Kilimanjaro, Tanzania, nơi có một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất thế giới.

Theo New York Times, đám cháy bắt nguồn từ một điểm dừng chân cho khách leo núi, và đã kéo dài suốt 5 ngày qua. Thời gian này trong năm có nhiều cơn gió mạnh, và thảm thực vật trên núi có độ ẩm thấp khiến cho việc kiểm soát đám cháy trở nên khó khăn.

"Ngọn lửa kinh hoàng này đang phá hủy không gian tự nhiên quý giá nhất của Tanzania. Cả nước đều bị sốc và mọi người đang nghiêm túc dõi theo sự việc", ông Padili Mikomangwa, một nhà bảo tồn, chia sẻ.

Chay rung tren dinh Kilimanjao anh 1

Lực lượng kiểm lâm và các tình nguyện viên tìm cách dập tắt than cháy sau khi ngọn lửa quét qua. Ảnh: AP.

Những khu vực rừng rộng lớn và các cây bụi thấp đã bị biến thành than hồng. Video và hình ảnh từ hiện trường cho thấy các tình nguyện viên đang vật lộn để dập lửa còn phía sau họ là màn khói trắng dày đặc đang bốc lên bầu trời.

Máy bay trực thăng lần đầu tiên được triển khai hôm 15/10 để giúp kiểm soát đám cháy.

Với độ cao 5.895 mét, đỉnh Kilimanjaro là ngọn núi cao nhất châu Phi, và được coi là núi lửa cao nhất thế giới. Các đỉnh núi phủ đầy tuyết và công viên quốc gia xung quanh nó đã được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1987.

Khu vực này có một hệ sinh thái đa dạng, với nhiều loại động thực vật đặc hữu, bao gồm nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Trong những năm gần đây, núi Kilimanjaro và hệ sinh thái xung quanh đã phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, nạn khai thác gỗ trái phép và săn trộm. Biến đổi khí hậu cũng làm tan lớp băng trên đỉnh núi.

Với hàng nghìn người leo núi mỗi năm, nhiều nhà bảo tồn lo ngại rằng việc quá tải du lịch đang đe dọa vẻ đẹp tự nhiên của Kilimanjaro.

Nhà chức trách cho biết một cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định nguyên nhân ngọn lửa, nhưng bằng chứng sơ bộ cho thấy nó vô tình bắt nguồn từ những người khuân vác muốn làm nóng đồ ăn cho khách leo núi.

Ông Pascal Shelutete, một quan chức của Công viên Quốc gia Tanzania, cho biết đám cháy bùng lên một cách không may, nhưng giới chức sẽ tiếp tục theo dõi sát sao và tìm hiểu sâu hơn về vấn đề.

Ngoài các loại thực vật và một diện tích rừng bị phá hủy, đám cháy cũng làm hư hại các cơ sở vật chất được sử dụng bởi khách du lịch tại Trung tâm Horombo. Không có trường hợp tử vong hoặc bị thương nào được báo cáo.

Rừng Amazon vẫn cháy sau một năm

Rừng Amazon đã mất khoảng 17% diện tích. Mùa khô năm nay, lá phổi thế giới tiếp tục bốc cháy mặc dù tổng thống Brazil đã cam kết bảo vệ rừng sau trận hỏa hoạn năm 2019.

Cháy rừng tại Bờ Tây trở thành cuộc chiến tả - hữu ở Mỹ

Các đám cháy rừng đang tàn phá nghiêm trọng nhiều khu vực ở Bờ Tây nước Mỹ, và những nhà bình luận cánh hữu một mực bác bỏ yếu tố biến đổi khí hậu trong việc gây ra thảm họa trên.

Quốc Thăng

Bạn có thể quan tâm