Thay vì về quê hương làm lại từ đầu sau khi tháo chạy thoát khỏi khu phức hợp ở TP Bavet, tỉnh Svay Rieng (Campuchia) như nhiều người, Lưu Chí Vỹ (18 tuổi, quê An Giang) nung nấu ý định quay lại đây một lần nữa.
Quay lại miền đất hứa
Cùng dòng người tháo chạy khỏi khỏi nơi làm việc chiều 17/9, nhưng chưa ra đến cổng thì Vỹ bị vấp ngã, đau chân không thể chạy tiếp.
Lúc bị vấp ngã và bị bắt lại, tôi nghĩ là xong đời rồi. Rất may những người này chỉ giữ lại chứ không đánh đập, chích điện
Lưu Chí Vỹ
Lúc bảo vệ lao đến, anh chỉ biết đưa hai tay đầu hàng và bị bắt quay trở vào trong. Ngày hôm sau, anh cùng hơn 10 người khác được dẫn đến cửa khẩu Mộc Bài, gia nhập đoàn gần 60 người đang được cơ quan chức năng tạm giữ chuẩn bị hồi hương.
“Lúc bị vấp ngã và bị bắt lại, tôi nghĩ là xong đời rồi. Rất may những người này chỉ giữ lại chứ không đánh đập, chích điện”, Vỹ nói.
Một người vấp ngã trong lúc tháo chạy khỏi Campuchia. Ảnh: T.T. |
Khoảng 7 tháng trước, Vỹ lên mạng xã hội tìm việc làm và được một người mời sang Campuchia đánh máy tính với mức lương 1.000 USD/tháng.
Không như lời hứa hẹn việc nhẹ lương cao ban đầu, qua tới TP Bavet (tỉnh Svay Riêng), anh bị nhóm người giam trong một khu riêng biệt, làm việc liên tục 12 giờ mỗi ngày với mức lương 700 USD/tháng. Công việc của anh là gọi điện tới khách hàng chơi game cá cược qua mạng.
“Do hoàn thành chỉ tiêu công việc nên tôi vẫn nhận được lương đều đặn, có tiền gửi về quê cho gia đình”, Vỹ nói.
Khác với những người tháo chạy cùng, sau khi hồi hương, anh vẫn quyết định quay trở lại Campuchia để xin việc tại công ty của anh trai đang theo làm, ở gần cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
"Công ty này trả lương từ 900 USD trở lên và không giam cầm như ở công ty cũ", Vỹ nói và cho biết muốn thử vận may thêm lần nữa. Bởi khi về An Giang làm công nhân, mức lương 4-5 triệu đồng, anh sẽ không đủ sống.
Từ kinh nghiệm làm việc ở Campuchia, nam thanh niên mong sẽ nhanh kiếm được tiền, tìm đúng công ty uy tín trả lương đầy đủ và không bị giam lỏng. Trường hợp xấu nhất, Vỹ sẽ dùng số tiền tích cóp bấy lâu chuộc mình chứ không phiền đến gia đình.
Kiếm tiền trả nợ chuộc thân
Còn Xuân Tân (20 tuổi, quê Điện Biên) trở về từ Campuchia vào ngày 22/8 không nghĩ như Vỹ. Anh xem lần làm việc ở Campuchia là ác mộng và không mong quay lại đây thêm lần nào nữa. Điều Tân mong muốn nhất là sớm tìm được việc làm để đủ tiền trả khoản vay hơn 150 triệu đồng mà gia đình đã chạy vạy khắp nơi để chuộc mình.
Hơn 3 tháng trước, một người làm chung giới thiệu Tân việc đánh máy tính, mức lương 800 USD/tháng ở Tây Ninh. Chỉ cần Tân gật đầu nhận việc, công ty sẽ lo mọi chi phí đi lại, ăn ở.
Không chút do dự, Tân quyết định vào Nam lập nghiệp, đổi đời vì không thể mãi làm công nhân với mức thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng như hiện tại. Nhưng thanh niên này không thể ngờ, quyết định chóng vánh này lại khiến anh gặp nhiều sóng gió như vậy.
Nhóm người Việt được nhà chức trách Campuchia tạm giữ phía bên kia biên giới. Ảnh: T.T. |
Bay vào TP.HCM và ở lại một đêm, sáng hôm sau, Tân được một chiếc ôtô 4 chỗ đưa tới chỗ làm việc cùng 3 người khác, cũng ôm mộng đổi đời như mình.
Suốt tuyến đường, anh bị đổi qua 4 chiếc ôtô khác nhau, rồi ngồi trên xe máy len lỏi qua con đường đất nhỏ hẹp ở Long An để tới TP Bavet, tỉnh Svay Rieng (Campuchia) và vào làm trong một công ty có chủ là người Trung Quốc.
Khi đến nơi, phía công ty đưa cho những người chở tôi qua Campuchia 1.500 USD, nói là chi phí đi đường. Nếu muốn về Việt Nam, tôi phải trả họ đủ số tiền này. Lúc đó tôi biết mình đã bị bán rồi
Xuân Tân
"Khi đến nơi, phía công ty đưa cho những người chở tôi qua Campuchia 1.500 USD, nói là chi phí đi đường. Nếu muốn về Việt Nam, tôi phải trả họ đủ số tiền này. Lúc đó tôi biết mình đã bị 'bán' rồi", Tân kể.
Không còn cách nào khác, Tân vào công ty làm việc và được sắp xếp ở chung phòng với 7 người khác. Bước đầu, anh được công ty kiểm tra tốc độ đánh máy rồi học khóa đào tạo kéo dài 7 ngày mà Tân cho rằng học để "đi lừa người khác".
Xuân Tân cùng những đồng nghiệp khác hàng ngày lên mạng dụ dỗ người khác tham gia nhiệm vụ nạp tiền vào app để nhận lãi. Những giao dịch đầu tiên, họ được rút tiền lãi như cam kết và cuối cùng là yêu cầu chuyển số tiền lớn hàng trăm triệu khiến nhiều người không đủ khả năng nạp, nên mất luôn số tiền gốc.
"Có người mất vài tỷ, có người mất đến vài chục tỷ hay cả gia tài vì tin lời dụ dỗ", Tân nói.
Thời gian đầu, thanh niên này được giao chỉ tiêu phải lừa đảo được 3 triệu đồng. 15 ngày sau, con số tăng lên 5 triệu đồng, 10 ngày tiếp đến là 15 triệu đồng, rồi 30 triệu đồng một ngày.
Với mỗi số tiền lừa được, anh sẽ nhận một khoản hoa hồng và được nhận bằng tiền mặt. Việc anh trao đổi với các "con mồi", ra ngoài mua đồ ăn, đồ dùng sinh hoạt đều bị giám sát chặt chẽ.
Từng có ý định bỏ trốn vì 'lừa người khác cảm giác rất tội lỗi", nhưng Tân chưa biết thoát khỏi hàng rào xây cao, bảo vệ luôn túc trực xung quanh bằng cách nào. Cách duy nhất lúc này là tiếp tục làm việc, gom đủ tiền để chuộc thân.
Khoảng thời gian mà Tân hoảng loạn nhất là khi được chủ gọi lên và gặng hỏi về việc anh có giúp sức để người nhà báo công an tìm kiếm tung tích của mình.
"Nếu lúc đó tôi có gọi về cầu cứu gia đình, nhờ báo công an thì chắc sẽ bị đánh đập. Nhưng tôi không làm việc đó nên không bị đánh. Chỉ là mức chuộc tăng cao vì công an vào cuộc, gia đình phải mất 150 triệu đồng trả cho chủ để tôi được về Việt Nam", Tân nói.
Sau khi gia đình chuyển tiền xong, Tân và 3 người khác cũng về trong đợt này được thả xuống địa điểm cách nơi làm việc khoảng 1,5 km. Nhưng nơi này lại khác nơi mà công ty báo cho gia đình đón Tân trước đó.
Khi hỏi thuê xe để đi đến điểm người thân đang chờ, chủ xe ba gác gần đó không chở Tân đi ngay, mà gọi thêm người tới. Nghi có chuyện chẳng lành, anh vội tìm nơi có đông người dân, lẫn vào dòng người rồi xin gọi nhờ điện thoại cho người thân. Trong khi đó, 2 người được "giải cứu" cùng anh Tân loay hoay chờ người nhà tới đón thì bị người lạ mặt từ chiếc ôtô chạy tới bắt lên xe rồi đi mất hút.
"Như vậy là họ đã bị bán tới một nơi khác, rất khó có ngày về", Tân thở dài.
Cổng ra vào của Chinatown có nhiều bảo vệ canh gác. Ảnh: SPH Media. |
May mắn về tới Việt Nam, nhưng một số người quen của Tân vẫn còn mắc kẹt nơi đất khách. Có người đã được người thân chuyển khoản tiền chuộc, nhưng phía công ty vẫn chưa giao người. Họ đòi thêm một khoản tiền mặt bằng số tiền đã chuyển khoản và chỉ một người thân được tới nhận người.
"Chỉ một người thân vào tận bên trong khu làm việc để cứu người thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Gia đình cũng không thể xoay xở thêm hàng trăm triệu tiền mặt ngay. Còn nếu ở lâu trong đó, không biết họ có bán người quen của tôi đi đâu không. Khi đó số tiền chuộc sẽ lên gấp 3, gấp 4", Xuân Tân lo lắng.
Nhiều vụ tháo chạy khỏi Campuchia
Vừa qua, tình trạng người Việt Nam bị lừa sang làm việc ở các cơ sở tại Campuchia rộ lên. Sau khi tới Campuchia, nạn nhân bị bắt làm việc lừa đảo và bị tra tấn nếu không làm đủ chỉ tiêu.
Chiều 17/9, khoảng 60 người làm việc trong casino do người Trung Quốc làm chủ ở TP Bavet, tỉnh Svay Rieng tháo chạy tán loạn trong trời mưa lớn. Có 56 người chạy thoát về phía biên giới giáp cửa khẩu Mộc Bài, 4 người bị nhóm quản lý trong casino bắt lại. Đến ngày 18/9, 15 người Việt khác cũng được phía casino dẫn đến bàn giao tại cửa khẩu.
Cũng trong ngày 18/9, 70 người Việt Nam bị cưỡng ép lao động tại khu Chinatown (Phố Tàu) ở tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia đã tự tổ chức chạy thoát sau khi liên hệ với Tổng lãnh sự Việt Nam tại Preah Sihanouk.
Chính phủ Campuchia gần đây đã ra tuyên bố mạnh mẽ đối với nạn đánh bạc trái phép. Thủ tướng Hun Sen hôm 17/9 ra lệnh truy quét nạn cờ bạc bất hợp pháp trên toàn quốc, trong khi Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng gọi cờ bạc trái phép là “bệnh ung thư” của xã hội.
Trong các ngày 17/9-20/9, lực lượng chức năng Campuchia đã khám xét gần 1.000 cơ sở, theo Khmer Times.