Tính đến đầu tháng 5/2016, huyện Ea Súp có gần 300 con gia súc, gia cầm chết do hạn hán. Theo Phòng NN&PTNT huyện, nguyên nhân là do không có đủ thức ăn, nước uống trong thời gian dài, dẫn đến vật nuôi bị kiệt sức.
Anh Phạm Bạo (ngụ thôn 3, xã Ia R’vê) cho biết chưa năm nào hạn hán diễn ra khốc liệt như vậy. “Các năm trước, đàn bò 7 con của gia đình chăn thả ven rừng vẫn có thể kiếm được thức ăn, nước uống ở suối. Nhưng năm nay, các suối trên địa bàn cạn nước, cỏ chết khô, việc chăn nuôi trở nên khó khăn hơn”, anh Bạo nói.
Anh Bạo có 5 con bò chết do hạn hán khiến gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Ảnh: M. Q |
Theo anh Bạo, 5 con bò của gia đình bị chết do hạn hán. Cả gia đình có bao nhiêu vốn đổ hết vào đàn gia súc, thế nhưng khi bò chết thì thương lái lại ép giá, chỉ mua 5-7 triệu đồng/con, thấp hơn 3 - 4 lần so với giá trị thực trên thị trường.
Còn chị Nguyễn Thị Thanh (xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) cùng nhiều người khác đang đứng trước nguy cơ thiếu đói. Theo chị, cuộc sống gia đình trông chờ vào 2 ha cà phê và làm thuê cho những hộ trong xã để kiếm tiền nuôi 6 đứa con.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, hạn hán ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 23.004 ha cây trồng các loại, trong đó khoảng 18.722 ha bị sụt giảm năng suất từ 30 đến 70%; 4.033 ha sụt giảm năng suất trên 70%. Toàn tỉnh có khoảng 873 hộ dân với 24.365 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 1.157 tỷ đồng.
Nhưng năm nay hạn nặng, 2 ha cà phê của gia đình đã chết khô do không còn nước tưới. Nhiều diện tích cây trồng của người dân trong xã cũng mất trắng nên không có ai thuê làm.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Huỳnh (52 tuổi, trú xã Đắk Sin, huyện Krông Búk) cho biết, gia đình có hơn 2 ha cà phê thì đã bị chết cháy hơn một nửa. “Tôi trồng cà phê hơn 20 năm nay nhưng chưa khi nào thấy tình trạng hạn hán lại thảm khốc như vậy. Để cứu vườn, gia đình phải vay mượn hơn 40 triệu đồng đào giếng, mua nước tưới nhưng bây giờ bất lực vì hạn hán kéo dài. Không biết lấy đâu ra tiền để mà trả nợ”, ông Huỳnh cho hay.
Theo thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 58.655 ha cây trồng bị khô hạn nặng, trong đó 1.878 ha lúa, 4.984 ha cà phê mất trắng. Thiệt hại ước tính trên 2.000 tỷ đồng.
Một lãnh đạo Sở cho biết, đơn vị đã hướng dẫn thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong công tác chống hạn; bố trí ngân sách dự phòng, huy động nguồn lực trong nhân dân tích cực chống hạn, bảo vệ sản xuất và bảo đảm nước sinh hoạt.
Nhiều diện tích cà phê của người dân chết cháy. Ảnh: M. Q |
Vừa qua, UBND tỉnh đã bố trí 1,6 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng và 22,4 tỷ đồng Trung ương hỗ trợ để bố trí cho các huyện thực hiện chống hạn.
“Mới đây, UBND tỉnh cũng đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo cứu đói giáp hạt và hạn hán cho các hộ dân thiếu đói, hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh”, vị này nói.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tính đến đầu tháng 5/2016, toàn vùng có trên 100.000 ha cây trồng thiếu nước tưới. Trong khi đó, hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn, mực nước chỉ còn 20-40%; trên 7.100 ha cây trồng đã phải dừng sản xuất.
Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Tây Nguyên dự báo nắng hạn vẫn còn kéo dài đến hết tháng 5, theo đó sẽ có khoảng gần 170.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng nặng, sẽ có khoảng 200.000 hộ dân bị thiếu đói.