Ông Maurice Nguyễn (chắt của kiến trúc sư François Charles Lagisquet - một trong những kiến trúc sư thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội) chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: AA C. |
Sau những lần được nghe kể về Thủ đô của Việt Nam, ông Maurice Nguyễn (chắt của kiến trúc sư François Charles Lagisquet - một trong những kiến trúc sư thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội) đã lên đường trở về quê hương Hà Nội. Khi đặt chân đến nơi, ông bất ngờ trước những công trình lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc trong câu chuyện của cha mẹ mình, nay là trụ sở những cơ quan trọng yếu.
Từ đó, ông Maurice Nguyễn đặt ra một câu hỏi rằng điều gì đã làm nên nghệ thuật kiến trúc của Hà Nội? Nhiều năm sau, với lời mời của ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch AA Corporation - người cháu trai của kiến trúc sư Francois Lagisquet đã đi tìm đáp án cho mình.
Hà Nội là nơi quy tụ nhiều phong cách kiến trúc trên thế giới
Tại buổi ra mắt cuốn sách Kiến trúc Hà Nội: Giao thoa văn hóa Việt - Pháp ngày 6/12, ông Maurice Nguyễn đã chia sẻ câu chuyện đặc biệt về hành trình khám phá nguồn cội của mình thông qua nghệ thuật kiến trúc Hà Nội. "Cách đây hơn 50 năm, khi tôi đang trưởng thành ở Paris, tôi được mẹ kể rằng ông cố tôi - một kiến trúc sư người Pháp - đã tham gia thiết kế Nhà hát lớn Hà Nội”, ông Maurice hồi tưởng. Câu chuyện này đã thôi thúc ông tìm về Việt Nam để hiểu thêm về di sản kiến trúc của gia đình và thành phố mà tổ tiên ông từng góp phần xây dựng.
Cuốn sách Kiến trúc Hà Nội: Giao thoa văn hóa Việt - Pháp. Ảnh: AA C. |
Trên hành trình đó, ông Maurice nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của KTS Trần Quốc Bảo - giảng viên chuyên ngành Lịch sử Kiến trúc tại Đại học Xây dựng. Với tình yêu và kiến thức sâu rộng về kiến trúc Đông Dương, ông Trần Quốc Bảo đã trở thành người đồng hành lý tưởng. "Là người Hà Nội, tôi luôn ấp ủ niềm đam mê với kiến trúc Pháp tại Thủ đô. Những năm đầu nghiên cứu, tôi nhận thấy có nhiều công trình kiến trúc thuộc địa bị lãng quên hoặc ít được tiếp cận sâu sắc," KTS Trần Quốc Bảo cho biết.
Đến khi càng đào sâu, ông nhận ra rằng lịch sử kiến trúc Hà Nội có thể chia làm những giai đoạn khác nhau được đặt tên theo các trường phái. Những năm đầu khi thực dân Pháp đặt chân đến Việt Nam, họ xây dựng các căn nhà tạm bợ, họa tiết chưa có nhiều ý nghĩa. Nhưng khi đã đặt ách đô hộ tại Việt Nam, người Pháp đem đến phong cách Beaux-Arts, sau đó là Art Deco. Cuối cùng, với có sự tham gia của các trí thức trẻ Việt Nam, phong cách kiến trúc Đông Dương được ra đời. Đây cũng là đỉnh cao của giao thoa văn hóa Việt - Pháp.
Trên hành trình kể lại câu chuyện lịch sử, ông Trần Quốc Bảo nhấn mạnh tới nhân vật kiến trúc sư Ernest Hébrard, cha đẻ của phong cách Đông Dương. Với tầm nhìn của mình, ông Hébrard cùng các kiến trúc sư Việt Nam đã tạo nên những công trình mang phong cách Đông Dương tại Hà Nội. Chúng không sao chép nguyên bản kiến trúc truyền thống ở Pháp hay Tây Âu mà từng chi tiết được cách điệu tinh tế để tạo dấu ấn riêng. Những đặc điểm như mái ngói lấy cảm hứng từ mái đình Việt, các họa tiết Phật giáo cách điệu. Đồng thời, việc sử dụng vật liệu địa phương như ngói ống, gạch Giếng Đáy đã làm nên bản sắc độc đáo của những công trình này.
Đối với KTS Trần Quốc Bảo, hành trình khám phá kiến trúc Đông Dương không chỉ là công việc, đó còn là sự kết nối với chính di sản văn hóa và lịch sử của Hà Nội. Ông dành nhiều năm đi thực địa, chụp ảnh, và nghiên cứu tỉ mỉ hàng trăm công trình, từ Phủ Toàn quyền Đông Dương, Tòa án, đến các biệt thự Pháp nằm sâu trong những con phố nhỏ.
"Kiến trúc Hà Nội giống như một cuốn sử ký mà mỗi công trình là một trang viết đặc sắc", ông nhận định.
Giới trẻ đang âm thầm bảo tồn và phát huy di sản
Theo KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - trong nhiều thập kỷ, nước ta tập trung vào công nghiệp hóa hiện đại hóa, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa chưa nhận được đủ nhiều quan tâm. Đặc biệt tại các đô thị có bề dày văn hóa như Hà Nội, TP.HCM, một số công trình đã bị bỏ hoang hoặc thiếu nguồn kinh phí tu bổ.
Tuy nhiên, những người trẻ với sức sáng tạo vượt trội đang làm mới những di sản này tại Hà Nội. “Trong bối cảnh chúng ta hướng tới xây dựng ngành công nghiệp sáng tạo, di sản cần được nhìn nhận từ một góc độ mới. Không chỉ bảo tồn, chúng ta phải phát huy nó. Những năm gần đây, tôi thấy người trẻ đang làm việc này rất tốt”, KTS Phan Đăng Sơn chia sẻ tại sự kiện ra mắt sách.
Từ phải qua trái: KTS Vũ Hoàng Sơn, KTS Phan Đăng Sơn (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam), KTS Trần Quốc Bảo (giảng viên chuyên ngành Lịch sử Kiến trúc tại Đại học Xây dựng) và KTS Vũ Hiệp. |
Đặc biệt, tại Hà Nội và TP.HCM, thế hệ trẻ đã không ngừng sáng tạo, sử dụng công nghệ và ý tưởng mới để thổi hồn vào các di sản tưởng chừng đã bị lãng quên. Tiêu biểu là lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024, người dân Hà Nội đã có cơ hội tham quan những công trình đậm chất kiến trúc Đông Dương như Nhà hát Lớn, Bắc Bộ phủ…
Việc phát triển di sản không chỉ là trách nhiệm văn hóa, mà còn mang lại giá trị kinh tế và xã hội bền vững. Khi các di sản được bảo tồn và chuyển hóa thành các sản phẩm văn hóa - du lịch, chúng tạo ra nguồn thu nhập mới, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị lịch sử. Điều này góp phần hình thành nền kinh tế tuần hoàn, mà trong đó di sản là nguồn lực quan trọng.
Thế hệ trẻ, với tư duy đổi mới và lòng nhiệt huyết, đang từng bước đưa di sản trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Họ không chỉ tái hiện giá trị truyền thống mà còn tạo nền tảng để xây dựng ngành công nghiệp văn hóa. Đây là một lĩnh vực được kỳ vọng sẽ là động lực phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.