Thách thức chính quyền, kiểm lâm
T. “điếc” - người thâu tóm toàn bộ gỗ mà lâm tặc chặt phá được tại thôn Cụt Ạc, xã Xuân Chinh với giá từ 70.000 đồng đến 120.000 đồng/khúc - là cháu bà Lê Thị Hường, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Xuân (Thanh Hóa).
Với kiểu thâu tóm này, T. ngang nhiên hoạt động công khai và thường xuyên có mặt tại thôn bản để chở gỗ mà không bị cơ quan chức năng nào “sờ gáy”.
Ông Cầm Bá Nhang, Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh cho biết, việc khai thác và thâu tóm gỗ lậu của T. tại thôn Cụt Ạc là đúng. Ở đây từ dân bản cho đến chính quyền ai cũng biết tới T. với biệt danh T. “điếc”.
Mới đây, vào đầu tháng 8 lâm tặc khai thác gỗ quá nhiều, chính quyền xã phối hợp với kiểm lâm đã vào tận hiện trường để kéo gỗ ra và lập biên bản.
Rừng phòng hộ bị tàn phá tan hoang. |
“Đầu nậu này ngông nghênh đến nỗi khi đoàn xuống kiểm tra và lập biên bản số gỗ bọn chúng vừa khai thác thì vẫn có T. ở đó. Khi hỏi đến khúc gỗ nào thì T. đều nhận là của mình, song khi lập biên bản hắn lại nhất quyết không ký nên tổ công tác đành phải lập biên bản gỗ vô chủ”, ông Nhang cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, “dựa thế” có người làm to nên khi xã thuê ô tô chở gỗ vừa bắt giữ tại bãi tập kết về UBND xã thì T. lại đe dọa người lái xe, bắt tài xế phải đổ gỗ xuống cho hắn.
Được biết, T. là người xã Bái Thượng, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), đã làm gỗ từ năm 18 tuổi. Với hàng chục năm kinh nghiệm làm “nghề” nên T. trở nên rất khôn ngoan.
Một kiểm lâm cho biết, thời gian qua lực lượng kiểm lâm bắt và kiểm tra gắt gao xe chở gỗ lậu trong đó có xe ô tô chở gỗ của T. Sau đó, T. liên tục đe dọa, thách thức kiểm lâm và lớn tiếng nói “sẽ điều chỉnh cán bộ”.
Bà Lê Thị Hường, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Xuân thừa nhận “T. điếc” chính là cháu bà. Tuy nhiên, bà Hường cho biết, không dung túng, “bảo kê” cho cháu mình làm những việc trái pháp luật như vậy. Nếu đúng T. làm điều đó, thì dù là cháu bà cũng phải xử đúng theo quy định của pháp luật.
Bà Hường thừa nhận T. là cháu mình. |
Đổ lỗi trách nhiệm
Liên quan tới việc trách nhiệm, ông Cầm Bá Nhang, chủ tịch xã thừa nhận mình đã ký cho một số hộ dân khai thác, sau đó lâm tặc lợi dụng vào đó để phá rừng.
Ông Nhang cho biết, trách nhiệm chính vẫn là ông và chủ rừng. Vì theo quy định khi nhà nước đã giao rừng thì hộ dân phải có trách nhiệm bảo vệ, nếu xảy ra chặt phá nghiêm trọng thì các chủ hộ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Bản thân tôi cũng phải chịu trách nhiệm, xã cũng có thành lập tổ bảo vệ rừng, nhưng do kinh phí không có nên các thành viên trong tổ chẳng ai mặn mà”, ông Nhang phân trần.
Song, ông Nhang cũng cho biết thêm, việc để xảy ra phá rừng trên địa bàn cũng không thể đổ lỗi cho ông và chủ rừng được, bởi thực tế còn có kiểm lâm. Mọi vấn đề kiểm tra, tham mưu, kiểm kê số cây, số lượng, vị trí… đều do kiểm lâm phối hợp để làm thì chủ rừng và UBND xã mới có thể thực hiện được.
Liên quan đến vụ việc, ông Lê Phú Vẽ, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thường Xuân cho biết, hiện xã Xuân Chinh có gần 10.000ha rừng, trong đó lực lượng kiểm lâm mỏng, chỉ có một kiểm lâm viên địa bàn nên không thể kiểm tra nổi!?. Do vậy, trách nhiệm phải là ở địa phương là chính, kiểm lâm không thể giữ từng gốc cây cho các hộ được!.
Biên bản thu giữ gỗ vô chủ. |
“Để rừng không còn bị phá chỉ còn cách cấp ủy chính quyền xã phải vào cuộc thực sự, và chỉ khi đó rừng mới được giữ. Ngược lại nơi nào họ chưa vào cuộc thì nơi đó rừng sẽ còn bị phá”, ông Vẽ nói như đổ lỗi hoàn toàn cho chính quyền địa phương, còn kiểm lâm… “vô can”.
Ông Nguyễn Văn Vân, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế (Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa) cho biết, Chi cục chưa nhận được thông tin hay báo cáo gì từ Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân.
"Sau khi nắm bắt thông tin qua phóng viên, chúng tôi sẽ cử người lên kiểm tra. Nếu đúng thực trạng trên, chúng tôi sẽ phối hợp để xử lý nghiêm những người liên quan như chủ rừng, lãnh đạo xã, cán bộ kiểm lâm địa bàn và những người đứng đầu đơn vị theo đúng quy định của pháp luật", ông Vân thẳng thắn.