Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Châu Khải Phong và chuyến đi hát hội chợ miền Tây đầy bão táp

Hội chợ gần biên giới một đêm tháng 4, Châu Khải Phong liều lĩnh băng xuống giữa 8.000 khán giả đang sục sôi. Tốp bảo vệ lo tím mặt, nhưng anh đã quyết vì "hát hội chợ phải sung".

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 1chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 2

Cuối tháng Tư. Khi nhóm phóng viên Zing.vn muốn đồng hành trong một chuyến đi hát hội chợ miền Tây đúng nghĩa, Châu Khải Phong chọn đêm diễn ở huyện Khánh Bình, tỉnh An Giang, cách Sài Gòn là 217 km tính từ sân bay Tân Sơn Nhất. Đường gập ghềnh.

Đó là một nơi "xa thật xa, đúng nghĩa miền quê, đúng nghĩa hội chợ" theo lời giọng ca Ngắm hoa lệ rơi. Còn nếu loanh quanh Vũng Tàu, Mỹ Tho hay Cần Thơ đi chăng nữa thì cũng là những sân khấu "chẳng khác mấy so với Sài Gòn".

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 3

Trong cuộc nói chuyện của chúng tôi, thi thoảng xuất hiện cái tên Châu Việt Cường. Chú Huỳnh Dũng, tài xế, cũng là người từng lái xe cho Châu Việt Cường trong vài lần ca sĩ này từ Hà Nội vào Nam diễn tỉnh.

Sau khi Châu Việt Cường bị bắt vì phê ma túy, dùng tỏi làm chết người gây xôn xao dư luận, cái danh "ca sĩ hội chợ" xấu đi nhiều. Trên mạng, trong những dòng trạng thái bình luận về vụ việc, bốn chữ "ca sĩ hội chợ" được nhắc đến cũng những cái bĩu môi.

Thế nên Châu Khải Phong vui mừng khi báo chí muốn tìm hiểu về một lần đi diễn tỉnh xa của ca sĩ hội chợ. Anh là tên tuổi nổi danh trong giới này, nên khi ca sĩ hội chợ trở thành chủ đề bàn tán của dư luận trong thời gian qua, tên anh cũng được nhắc đến nhiều, dù không gắn với thông tin tiêu cực. Và nhất là khi hit Ngắm hoa lệ rơi trở lại sau khi được cover gây sốt trên mạng.

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 4chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 5

Trong chuyến đi, Phong cởi mở hết mức. Anh hy vọng độc giả sẽ có cái nhìn khác về ca sĩ hội chợ.

217 km là khoảng cách không quá xa với điều kiện đường sá đẹp. Chuyến đi này rơi vào trường hợp ngược lại. Đường xấu, nhóm 4 người - gồm Phong, một tài xế kiêm trợ lý tên Huỳnh Dũng và 2 phóng viên trên một chiếc xe 7 chỗ chở theo vali đồ diễn - mất gần 8 tiếng từ sân bay Tân Sơn Nhất đến điểm diễn ở Khánh Bình, An Giang.

Chúng tôi khởi hành lúc 14h, theo tỉnh lộ DT10 đi Long An, Đồng Tháp rồi An Giang. Cả chặng đường được trải nhựa, nhưng càng về phía Tây, chiếc xe càng xóc nảy dữ dội.

Chặng đường 240 km đi hát hội chợ của Châu Khải Phong Từ Sài Gòn đến Khánh Bình, An Giang, nam ca sĩ trải qua chặng đường dài 8 tiếng với những cơn mưa rào trắng trời, ăn vội cơm cháy trên xe và trang điểm trong nhà nghỉ lụp xụp.

Tháng Tư thời tiết miền Tây thất thường. Trời đổ mưa bóng mây. Con đường xuyên qua 5 cơn mưa trắng trời, hạt mưa táp vào kính xe mịt mù. Nhưng chú Dũng cho xe băng qua màn mưa mà không hề giảm tốc độ do áp lực thời gian rất lớn. Khoảng 21h, Phong đã phải lên sân khấu.

Xen kẽ giữa từng cơn mưa là những đoạn đường hửng nắng, cộng với 2 chuyến phà lúc chập choạng.

"Đó, đường đi hát tỉnh", nam ca sĩ nói, "Cuộc sống của ca sĩ hội chợ là thế này đây, không cần phải tưởng tượng gì xa xôi, cũng giống như cuộc sống của bao người".

Đây là thứ thời tiết có thể khiến bất cứ ai sụt sịt, nhưng Phong nói về mặt sức khỏe, anh được đồng nghiệp ưu ái đặt biệt anh "Trâu" Khải Phong.

Giữa giờ chiều, cả nhóm bóc cơm cháy ăn. Đó cũng là bữa ăn đầu tiên của Phong trong ngày. Trong xe, anh cất sẵn hộp cơm cháy Ninh Bình do khán giả mang đến tặng anh trong một đêm diễn ở tỉnh này.

Những món quà trên sân khấu hội chợ thường là đồ ăn, thức uống, những thứ lặt vặt có thể mua bằng số tiền nhỏ. Khán giả dúi vào tay ca sĩ khi họ hát xong hoặc khi cả khi đang diễn. Ca sĩ nhiệt tình gom đủ về, không bao giờ bỏ lại ân tình của khán giả.

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 6

Bóc hộp cơm cháy ra ăn, Châu Khải Phong không quên lấy điện thoại chụp để đăng trang cá nhân bởi "Bạn fan tặng cơm cháy thấy ảnh này chắc vui suốt cả ngày. Đồ người ta tặng mình, mình trân trọng thì người ta cảm động lắm".

Những chuyến đi như thế này quen thuộc với Châu Khải Phong suốt 10 năm nay. Quê ở Nghệ An, năm 2008, anh vào Sài Gòn lập nghiệp, loay hoay vài tháng trời để bắt đầu có những mối quan hệ trong nghề, rồi rong ruổi theo những đoàn hát hội chợ miền Tây, có cả đoàn lô tô. Nói về những đoàn lô tô, anh nhớ lại: "Tôi luôn mang ơn họ vì đã cho mình cái sân khấu để hát ở thời còn chưa ai biết đến mình".

Phong chỉ tay ra con đường trước mặt dẫn về miền Tây: "Cảnh này hằn sâu trong ký ức của tôi. Tôi thuộc từng khúc cua, từng ngã rẽ, từng hàng cây trên đường". Anh nói nghề ca sĩ nếu nghĩ phức tạp thì là phải thành ngôi sao, phải nổi tiếng, phải được bao người trọng vọng này kia, nhưng với anh thì chỉ đơn giản mình đi diễn mưu sinh, chọn hát vì mê nghề. Một nghề bình dị như bao nghề.

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 7

Sân khấu hội chợ các miền là nơi thường xuyên tiếp đón nhiều giọng ca đã có tên tuổi lẫn nhưng ca sĩ trẻ từ TP.HCM. Mỗi đêm như vậy có từ 5.000 đến 10.000 khán giả là chuyện thường. Nhiều sự kiện ở Sài Gòn nghe vậy cũng "chỉ biết ước". Đôi khi chỉ cách 200-300 km, nhưng là một thế giới khác, với những gương mặt khán giả khác.

Có rất đông trẻ con, cả những đứa bé lần đầu được đi nghe ca nhạc trong đời, được bố mẹ bồng bế trên tay. Họ ngồi trên những chiếc ghế nhựa đặt tại các sân vận động huyện, hoặc quảng trường tỉnh, trong những hội chợ trên nền bê tông, đất cát hoặc sỏi đá, với những gian hàng quây phông bạt trắng. Ca sĩ đi xuyên qua khung cảnh này để đến sân khấu dựng trên bãi đất trống phía sau.

Hoàng hôn buông xuống khi chúng tôi lên chuyến phà đầu tiên đến Đồng Tháp.

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 8

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 9

Khánh Bình ở sát biên giới Campuchia. Biết trước về đến huyện gần biên giới sẽ khó kiếm quán ăn vào giờ tối mịt nên chúng tôi dừng xe ăn tối ở gần trung tâm thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp. Đó là quán cơm chay trên bậc thềm một công viên nhỏ. Chúng tôi gọi 4 đĩa cơm lác đác. Đồ ăn có vị ngọt đặc trưng của miền Tây.

Hỏi Phong ăn như thế này có sức hát tối nay không, anh nói: "Ôi quen rồi. Có những lần, tôi đi hát mà đáp chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội đi xe đến tỉnh diễn, cả ngày chỉ ăn mỗi suất đồ ăn trên máy bay, mà không nuốt nổi vì phát ngấy. Nhưng đến tối vẫn diễn sung. Mình là ca sĩ mà, lên sân khấu là quên hết".

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 10

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 11

Lúc Phong cắm cúi ăn, một nhóm trẻ con nhận ra anh, réo tên anh và giơ điện thoại chụp ảnh. Một đứa bé chạy ra "mách" chủ quán cơm. Mọi người bắt đầu quây lại. Chúng tôi ăn như đang ghi hình chương trình thực tế. Ở Sài Gòn, nơi đã quá quen với các nhân vật showbiz, cảnh này khó diễn ra. Nhưng ở miền Tây, những gương mặt như Châu Khải Phong là cực kỳ thân thuộc.

Sau bữa ăn chóng vánh, chúng tôi rời Hồng Ngự trên một chuyến phà. Lúc này mặt trời đã biến mất. Bên kia bờ sông là địa phận An Giang, nhưng vẫn còn tận 50 km mới đến Khánh Bình. Phà cập bến, kế hoạch là trên đường đi gấp rút tìm một khách sạn sạch sẽ tiện nghi thơm tho để cả nhóm nghỉ ngơi, lấy lại sức lực trước khi bước vào đêm diễn nhiều hao tổn.

Nhưng lúc 20h, khi xe chúng tôi đang loay hoay trên tỉnh lộ vắng tanh, vắng cả đèn đường, kín đặc những hàng cây tăm tối, kế hoạch buộc phải thay đổi. Nguyện vọng giờ đây chỉ gói gọn ở một điểm dừng chân khả dĩ để ca sĩ có thể tắm rửa, thay trang phục diễn và trang điểm. Những người còn lại sao cũng được.

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 12chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 13

Và trên quãng đường tối, Phong và tài xế mừng khấp khởi khi thấy một nhà nghỉ thôn quê ngay bên trái đường. Dừng xe tấp vội. Chỗ nghỉ là một ngôi nhà dân tận dụng khoảnh sân rộng để xây nên một cụm nhà cấp bốn chia phòng đón khách đường xa thuê ngắn hạn.

Chúng tôi ghé vào, kéo theo vali đựng bộ vest tối nay Phong sẽ mặc lên sân khấu. Vào phòng, Phong mở vali ra. Áo vest và quần jean. Hộp đựng đồ trang điểm bằng nhựa có họa tiết chấm bi. Khăn tắm. Anh tự xoay xở làm mọi thứ trong căn phòng tắm bé xíu và thiếu thốn tiện nghi, lại có mùi không dễ chịu.

Từ thường phục - áo phông dài tay trắng, quần jean xanh bụi bặm, tóc tai tự nhiên đội sụp mũ lưỡi trai - trông hiện đại và thành thi như bất cứ cư dân nào của Sài Gòn, Phong "biến hình" thành ca sĩ hội chợ miền Tây: sơ mi trắng, áo vest, quần jean đen xé te tua ở đùi, tóc vuốt dựng ngược lên, da mặt đánh phấn kỹ.

Phong nói nhiều ca sĩ diễn tỉnh có xu hướng ăn mặc xuề xòa hơn khi diễn ở Sài Gòn, nhưng anh thì không. Nguyên tắc của anh là diễn ở đâu cũng như nhau, đều phải chỉn chu. Trang phục không được quá lấp lánh mà tiết chế, nam tính, vừa đủ độ "bình dân" để khán giả ở tỉnh thích nhưng vẫn đúng với tính cách của mình.

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 16

21h, xe dừng tại hội chợ sau khi xuyên qua hàng loạt bãi gửi xe máy tưởng như không có điểm dừng. Con đường tối om gập ghềnh trước khi bước sân vận động huyện khiến chúng tôi khó dự báo số lượng người xem. Nhưng khi xe dần rẽ vào không gian đầy ánh sáng này, con số đó phải là hàng nghìn.

Nhưng số lượng thực bên trong vượt phán đoán. Nếu chúng tôi nghĩ đến con số 2.000 hay 5.000, thì người An Giang và người dân từ nước bạn Campuchia đã tập trung ở đây khoảng 8.000 người.

Đó là chưa đếm cả những khán giả chen chân vòng quanh, ngóng tai nghe từ các gian hàng hội chợ, có thể lên đến 8.500 người. Nhóm khán giả ở hàng ghế đầu cuồng nhiệt nhất, có lẽ là học sinh cấp 2.

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 17

Khán giả biết chiếc xe màu đen chở Châu Khải Phong vì ngoài anh ra, trong đêm diễn đó không ai di chuyển bằng phương tiện "oách" như vậy. Cổng hội chợ đón chào chúng tôi với hình ảnh của Phong ở chính giữa loạt poster các ca sĩ hát, bên cạnh danh hài Chí Tài - người sẽ chiếm sân khấu vào đêm kế tiếp. Hội chợ kéo dài một tuần và đây là đêm diễn thứ sáu, đêm dành cho Phong.

Vì thế, khi Phong bước xuống xe, đám trẻ lập tức ùa lại và chạy theo. Nam ca sĩ cắm cúi đi. Anh càng đi số người chạy theo càng đông vì đám trẻ "rêu rao" với những người khác. Những chiếc điện thoại di động giơ lên. Phong bắt tay với vài em nhỏ và nán lại chụp selfie với một em.

Tiếng giày rộn rạo trên khoảnh sân đầy sỏi đá. Đám khán giả chỉ dừng lại trước hàng rào bảo vệ, rồi vẫn đứng ngoài gọi tên Phong liên hồi. Những người mẹ bế bồng con nhỏ rướn cổ nhìn vào trong.

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 18

Phong đến sớm so với giờ diễn thực. Vẫn còn mấy tiết mục của một nữ ca sĩ áo đỏ và vài màn ảo thuật mới đến lượt anh.

Đúng 22h, Châu Khải Phong đứng nép người ở cánh gà, trong khi một MC trông rất giống danh hài Trường Giang xướng tên anh trên bục. Anh bước ra sân khấu với chiếc mic trên tay. Đây là khoảnh khắc mà 8.000 khán giả chờ đợi trong suốt buổi tối dài.

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 19

Một khán giả sau đó nói rằng đây là đêm hay nhất, thăng hoa nhất trong loạt show diễn hội chợ gần cả tuần nay. Phong mang đến một loạt 6 ca khúc hit của anh, bắt đầu bằng sôi động, sôi động, lắng đọng ở giữa bằng Ngắm hoa lệ rơi, rồi lại sôi động và đẩy sự cuồng nhiệt lên cao bằng những bài hát khiến khán giả liên tục đổ xô về hướng di chuyển của anh.

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 20chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 21

Giữa lúc cao trào, Phong quyết lao ra giữa các hàng ghế để bắt tay khán giả và khiến họ hòa theo sự cuồng nhiệt của nhóm phía đầu. Anh hỏi nhiều lần "Các bạn giúp tôi mở đường nào" nhưng khán giả vẫn đứng đông đặc để được gần anh.

Sau đó, nam ca sĩ phải huy động tốp bảo vệ "mở đường máu" để anh đi thẳng ra các hàng ghế phía cuối. 

Đó là một quyết định liều lĩnh. Khó nói trước được khán giả sẽ cuồng nhiệt đến mức nào khi trông thấy ca sĩ ở ngay trước mặt. Phong cũng thừa nhận quyết tâm đến gần khán giả đến mức đó, anh chấp nhận "ra về với chiếc quần jean rách bươm". Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Tuy nhiên, sự liều lĩnh đó giúp anh biến toàn bộ sân vận động huyện 8.000 khán giả thành "chảo lửa", nơi không ai còn có thể ngồi yên như ở những tiết mục trước đó. Phong kết màn ngay tại đó, không một "liều giảm sốc" để khán giả kịp bình tâm lại.

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 27

Ngay sau màn diễn, khán giả ào lên sân khấu nhưng bị tốp bảo vệ (mới bổ sung số lượng) ngăn lại. Mệt mỏi và mồ hôi rịn đầy mặt, nam ca sĩ vẫn cúi người chụp selfie với một bé gái nhanh nhẹn kịp chạy lên sân khấu.

Tiếp đó, bảo vệ túm tay anh, kéo anh "tháo chạy" ra tận cổng hội chợ. Hàng nghìn khán giả ào theo ra tận xe, đuổi theo xe anh gần 500 mét trên đường, cho đến khi rơi rụng dần và bỏ cuộc.

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 28

Hoàn hồn trên xe, Phong hỏi: "Mọi người thấy sao?".

Không ai còn sức lực trả lời.

Có những người là "vedette" sàn diễn thời trang quốc tế, cũng có những người là "vedette" sân khấu hội chợ bình dân. Hai khung cảnh khác nhau nếu nhìn từ trên cao, nhưng niềm vui trong tim mỗi người lại có cùng hình hài.

Châu Khải Phong hát kết show này giống như bao nhiêu show hội chợ khác đã qua trong sự nghiệp anh, trước những khán giả tỉnh sẵn sàng gào thét, chen chúc để chạm tay anh, nhưng mỗi đêm vẫn là một kỷ niệm không quên.

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 29

Không như cách người ta nghĩ về các ca sĩ hội chợ, Châu Khải Phong cũng từng hát trong những khán phòng sang trọng. Những đêm diễn ở đó có không ít cái tên lớn, những ngôi sao hạng A như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Sơn Tùng M-TP...

Những lần sang Mỹ diễn chung cho cộng đồng người Việt, các ca sĩ có chiếu trên chiếu dưới trong nước, nào hàn lâm nào thị trường nào nghệ thuật, cũng chung một sân khấu, chung cảm xúc vui buồn trước khán giả. Khán giả ở đó ăn mặc đẹp hơn, điều kiện kinh tế khá giả hơn.

Nhưng có lẽ không nơi nào có khán giả cuồng nhiệt như ở hội chợ miền quê này.

chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 30chau khai phong di hat hoi cho mien tay anh 31

Mi Ly

Ảnh: Hoàng Việt
Đồ họa: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm