Khoảnh khắc đặc biệt nhất cuộc đời một ngư dân trẻ ở Venezuela bắt đầu bằng việc không ai ngờ tới: đi vệ sinh vào buổi sáng sớm.
Khi quay lại túp lều lợp thiếc trên bờ biển Venezuela, ngư dân Yolman Lares nhìn thấy một vật lấp lánh. Thọc tay vào cát, Lares kéo lên một chiếc vòng cổ bằng vàng có hình đức mẹ đồng trinh Maria.
Ngôi làng Guaca của Lares từng là trung tâm ngành chế biến thủy sản của Venezuela. Tuy nhiên, việc sản xuất phải dừng lại do thiếu xăng dầu để ra khơi và hầu hết nhà máy đóng gói cá bị đóng cửa. Làng này đang lâm vào cảnh nghèo đói.
Ngư dân Yolman Lares cùng gia đình trong ngôi nhà ở làng Guaca. Ảnh: New York Times. |
Giữa cảnh khốn cùng, việc tìm thấy dây chuyền vàng tựa như phép màu với người dân nơi đây.
“Tôi đã run rẩy và bật khóc vì quá vui sướng. Đó là lần đầu tiên một điều đặc biệt xảy ra với tôi”, ngư dân Lares, 25 tuổi, nói với New York Times.
Đổ xô săn vàng
Về nhà, Lares kể chuyện này với bố vợ, ông Hernán Frontado, người cũng là một ngư dân.
Tin đồn lan truyền rất nhanh. Ngay sau đó, 2.000 cư dân trong làng đã tham gia cuộc săn lùng kho báu điên cuồng.
Họ rà soát từng tấc đất trên bờ biển, đào bới xung quanh những chiếc thuyền đổ nát và thậm chí ngủ trên bãi biển để bảo vệ vài mét vuông cát của mình.
Từ cuối tháng 9, dân làng Guaca đã tìm thấy hàng trăm món nữ trang, đồ trang trí và các mảnh vàng, bạc trên bờ biển. Những món đồ này giúp ngôi làng tạm thoát khỏi khó khăn.
Hàng chục dân làng xác nhận họ từng tìm thấy ít nhất một món đồ. Một số người bán được các món đồ đó với giá đến 1.500 USD.
Không ai biết số vàng này đến từ đâu và làm thế nào chúng dạt vào bờ biển Guaca. Phần lớn những lời giải thích đều mang màu sắc huyền bí.
Một số người cho rằng chuyện này có liên quan đến huyền thoại về những tên cướp biển vùng Caribbean. Những người khác nói đây là truyền thống của những người theo Cơ đốc giáo.
Một trong những món trang sức cư dân Guaca tìm được. Ảnh: New York Times. |
Bờ biển lởm chởm quanh Guaca, trên bán đảo Paria của Venezuela, có nhiều vịnh và đảo từ lâu là nơi các nhà thám hiểm ẩn náu.
Bán đảo này là nơi Christopher Columbus năm 1498 trở thành người châu Âu đầu tiên đặt chân đến Nam Mỹ. Sau đó, vùng biển này thường xuyên bị các thủy thủ Hà Lan và Pháp đánh phá.
Ngày nay, nơi đây là thiên đường của những người buôn ma túy, buôn lậu nhiên liệu và những tên cướp biển thời hiện đại.
Có phải một cơn bão phá tung kho báu của cướp biển hay đánh vỡ một con tàu đắm của thực dân hay không? Liệu những kho báu này có thuộc về những người buôn lậu đang đi đến Trinidad và Tobago hay không? Trong nhiều tuần, Guaca đầy rẫy những lời đồn đoán.
Một số người dân nói số vàng này là phước lành của Chúa. Những người khác lại cho rằng bất kỳ ai chạm vào vàng sẽ dính phải lời nguyền.
Sau khi những bức ảnh về kho báu được đăng lên Facebook, câu chuyện lan khắp Venezuela. May mắn thay, sự xa xôi, hẻo lánh của ngôi làng, tình trạng thiếu hụt xăng dầu cùng lệnh phong tỏa do Covid-19 giúp Guaca tránh khỏi việc người dân cả nước đổ xô đến tìm vàng.
New York Times đã thực hiện một cuộc kiểm tra trên chiếc vòng cổ tìm được ở Guaca. Kết quả cho thấy sợi dây chuyền có thể được chế tạo ở châu Âu trong những thập kỷ gần đây.
Một gia đình đi tìm vàng ở Guaca. Ảnh: New York Times. |
Chiếc vòng cổ trong cuộc kiểm tra được làm từ vàng 18 carat chất lượng cao, loại vàng không thường được dùng trong ngành kim hoàn của Venezuela. Ông Guy Demortier, chuyên gia xác thực đồ trang sức ở Bỉ, nói với New York Times rằng hợp kim vàng này cũng khó xuất hiện ở thời tiền hiện đại.
Chris Corti, chuyên gia kỹ thuật về chế tác đồ trang sức ở Anh, sau khi xem xét những bức ảnh chụp cho biết những món đồ này có thể đã được sản xuất thương mại vào giữa thế kỷ 20.
Vàng cũng chuyển thành thức ăn
Người dân Guaca có thể sẽ không bao giờ biết nguồn gốc của những món trang sức. Họ luôn bán ngay những thứ mình tìm được để mua thức ăn.
“Bất kỳ thứ gì chúng tôi tìm được đều được chuyển thành thức ăn”, ông Frontado, bố vợ của Lares, nói với New York Times.
Ông Frontado đã bán những món nữ trang tìm được ở Carupano, thành phố gần nhất, với giá rẻ hơn giá trị của chúng để mua gạo, bột và mì.
Trước khi Venezuela rơi vào khủng hoảng kinh tế năm 2014, Guaca và những ngôi làng xung quanh chuyên cung cấp cá mòi và cá ngừ đóng hộp cho khu vực Mỹ Latin. Ngày nay, chỉ còn 8 trong số 30 cơ sở sơ chế cá trên địa bàn còn hoạt động. Những nhà máy đóng hộp cá ngừ do chính phủ điều hành gần đó đã phá sản.
Tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng trong năm nay biến mỗi ngày đều là một cuộc chiến sinh tồn của nhiều dân làng. Nhiều ngư dân phải chèo thuyền ra khơi hoặc tắt máy trong nhiều ngày giữa biển để tiết kiệm nhiên liệu, mặc cho bão, đói khát và cướp biển.
Lares thu được 125 USD từ số vàng đã tìm thấy, số tiền lớn nhất anh từng kiếm được. Ngư dân này đã dùng số tiền trên để mua lương thực.
Lares cũng mua bánh mì ngọt cho con, món ăn vặt đầu tiên những đứa trẻ này có được trong nhiều năm qua. Anh cũng sửa tivi và mua thêm một chiếc loa cũ để sáu thành viên trong gia đình có thể giải trí trong ngôi nhà dột nát, không có hệ thống ống nước và sàn gạch.
Dioger Lares, 7 tuổi, con trai của anh Lares, ngủ trên nền đất. Ảnh: New York Times. |
Kho báu đã giúp gia đình Lares có thể ăn hai bữa một ngày. Đứa con 2 tuổi của anh Lares mặc dù vẫn suy dinh dưỡng nhưng đã tăng cân trong những tháng gần đây.
Cuộc sống trong làng cũng được cải thiện sau khi vàng xuất hiện. Những chiếc thuyền đầy cá mòi đã xuất hiện lại trên bờ biển Guaca sau bốn tháng. Mỗi buổi sáng, ngôi làng nhộn nhịp hơn khi thuyền cập bến.
Những chiếc thuyền đầy cá bắt đầu xuất hiện lại trên bờ biển Guaca. Ảnh: New York Times. |
Tuy thiếu thốn, anh Lares vẫn giữ lại đôi bông tai vàng được trang trí bằng một ngôi sao. Chúng khiến anh nhớ đến những vì sao đã giúp các nhà hàng hải vượt qua biển Caribbean.
“Đó là món đồ xinh đẹp duy nhất mà tôi có”, anh Lares chia sẻ.
Kho báu không làm thay đổi cuộc sống của ngư dân này, nhưng nó nhắc anh rằng những chuyện tốt đẹp vẫn có thể xảy ra, dù trong giai đoạn khó khăn nhất.
“Nếu chuyện đó xảy ra một lần, nó sẽ xảy ra lần nữa”, Lares nói.