Tại phiên điều trần ở Brussels, Bỉ hôm 9/11, ủy ban đặc biệt xem xét sự can thiệp từ bên ngoài và thông tin sai lệch tại Nghị viện châu Âu đã thúc giục Liên minh châu Âu hành động nhiều hơn để chống lại mối đe dọa đến từ Bắc Kinh.
Cơ quan này yêu cầu thành lập lực lượng đặc nhiệm để “giám sát sự can thiệp từ Trung Quốc”, South China Morning Post đưa tin.
Khuyến nghị được đưa ra sau khi ủy ban cử phái đoàn đến Đài Bắc vào tuần trước để “nghiên cứu kinh nghiệm của Đài Loan (Trung Quốc) trong việc giải quyết chiến dịch can thiệp và thao túng”.
Bản dự thảo báo cáo dài 33 trang của ủy ban có 40 phần đề cập đến Trung Quốc - nhiều gấp đôi phần của Nga, vốn từ lâu thống trị cuộc tranh luận về sự can thiệp của nước ngoài và thông tin sai lệch ở Brussels và thủ đô các nước châu Âu.
Tác giả chính của báo cáo, cựu Ngoại trưởng Latvia Sandra Kalniete, cho biết EU đã không theo kịp công nghệ tinh vi của đối thủ, sử dụng phép so sánh “xe đua với tàu tên lửa” trong nỗ lực ngăn chặn của khối.
Bà kêu gọi EU tạo ra chế độ trừng phạt cụ thể liên quan đến "những chiến dịch can thiệp và sai lệch thông tin từ nước ngoài do các tổ chức nhà nước dàn dựng".
Báo cáo đặc biệt đề cập tới Viện Khổng Tử tại các trường đại học châu Âu. Ảnh: SCMP. |
Báo cáo đặc biệt đề cập tới Viện Khổng Tử tại các trường đại học châu Âu. Các nhà lập pháp nói rằng những cơ sở này thực hiện "kiểm soát chặt chẽ đối với tất cả chủ đề liên quan đến Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy", cũng như cho phép "đánh cắp kiến thức khoa học" trên khắp 200 tổ chức tương tự ở châu Âu.
Viện Khổng Tử là trung tâm ngôn ngữ và văn hóa được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Các viện này bị phương Tây cáo buộc là công cụ của Bắc Kinh để can thiệp vào các nước.
Năm 2020, EU từng giảm bớt chỉ trích trong báo cáo tương tự vì lo ngại Bắc Kinh sẽ trả đũa bằng cách giữ lại nguồn cung cấp y tế.
Ban đầu, báo cáo ghi Trung Quốc đang thực hiện “chiến dịch sai lệch thông tin toàn cầu” bằng cách sử dụng “chiến thuật công khai và bí mật” để né tránh việc bị đổ lỗi cho sự bùng phát đại dịch Covid-19. Phần này sau đó đã bị xóa đi khi Bắc Kinh can thiệp và cảnh báo các nhà ngoại giao EU tại Trung Quốc sẽ lãnh "những hậu quả không xác định".