Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Châu Á oằn mình trong tháng tư nóng nhất nhưng đó mới chỉ là khởi đầu

Chuyên gia cho biết đợt nắng nóng phá vỡ nhiều kỷ lục nhiệt độ ở châu Á trong tháng 4 là dấu hiệu cảnh báo sớm về viễn cảnh tồi tệ hơn “nếu các nước không hành động”.

Nhiệt độ cực cao đã quét qua phần lớn khu vực phía nam và đông nam châu Á trong những tuần gần đây, đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Lào.

Các nhà khoa học đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng đợt nắng nóng tháng 4 là một “dấu hiệu cảnh báo” trước cho các đợt sóng nhiệt tàn khốc hơn vào mùa hè này.

Chia sẻ với Zing, nhà khí tượng học Jason Nicholls từ công ty AccuWeather, cũng cho biết với tình trạng biến đổi khí hậu, “chắc chắn các hiện tượng thời tiết cực đoan hơn, chẳng hạn các đợt nắng nóng sẽ có khả năng xảy ra nhiều hơn”.

“Mùa hè này, chúng tôi dự đoán nhiều khu vực có thể ghi nhận nhiệt độ cao hơn mức bình thường với lượng mưa gần trên mức bình thường. Tuy nhiên, khu vực miền Nam Việt Nam, Campuchia và miền Nam Thái Lan có thể khô hơn bình thường”, ông nói thêm.

Nhà nghiên cứu Deepshikha Sharma, chuyên gia về khí hậu và môi trường tại Trung tâm Quốc tế về Phát triển Miền núi Tích hợp (ICIMOD), nhận định: “Biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng ngày càng tăng và mức độ dữ dội của các đợt nắng nóng mà chúng ta đang chứng kiến trên khắp châu Á”.

“Những tín hiệu này cho thấy tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang đe dọa khu vực này”, bà Sharma nói.

Dấu hiệu cảnh báo

Trong những tuần qua, nhiệt độ khắc nghiệt đã gây ra một số trường hợp tử vong, buộc các trường học đóng cửa và dẫn đến tình trạng giảm năng suất ở Ấn Độ và Thái Lan.

Vào giữa tháng 4, nhiệt độ ở tỉnh Tak phía Tây Thái Lan lên tới 44,6 độ C - mức nhiệt nóng nhất từng được ghi nhận ở nước này.

Vào cuối tuần trước, chính quyền Thái Lan khuyến cáo người dân ở Bangkok và các khu vực khác của nước này nên ở nhà để tránh ngã bệnh. Nhiệt độ ở thủ đô lên tới 42 độ C hôm 22/4 và chỉ số nhiệt - nghĩa là nhiệt độ cảm nhận thực khi kết hợp với độ ẩm - lên tới 54 độ C.

song nhiet chau A anh 1

Người dân che ô khi băng qua đường giữa lúc nhiệt độ đạt mức kỷ lục 45,4 độ C ở Bangkok, Thái Lan, ngày 22/4. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, Lào đã phá kỷ lục nhiệt độ cao nhất mọi thời đại trong hai ngày liên tiếp vào giữa tháng tư.

Nhiệt độ khắc nghiệt cũng được ghi nhận ở Dhaka, Bangladesh (41 độ C), Prayagraj, Ấn Độ (45 độ C) và Kalewa, Myanmar (44 độ C), theo Independent.

Tại Trung Quốc, huyện Trường Sa ở tỉnh Hồ Nam và thành phố Phúc Châu trải qua tháng 4 nóng nhất từng được ghi nhận. Tỉnh Chiết Giang cũng ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong tháng 4.

Theo các nhà khoa học, thế giới có thể phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trung bình mới vào năm 2023 hoặc 2024, do khủng hoảng khí hậu và sự trở lại của hiện tượng thời tiết El Nino khiến bề mặt Thái Bình Dương trở nên ấm áp hơn bình thường, đặc biệt là ở đường xích đạo và dọc theo bờ biển Nam Mỹ và Trung Mỹ.

“Tất cả mô hình khí hậu đều cho thấy những đợt nắng nóng tăng đột biến này sẽ gia tăng về tần suất và cường độ trên khắp Nam Á”, Abid Hussain, chuyên gia kinh tế cấp cao tại ICIMOD, nói với Independent.

“Những đợt nắng nóng này sẽ tác động trực tiếp đến 2 tỷ người - bao gồm tác động nhiệt đối với sức khỏe và công việc, hoặc tác động gián tiếp qua hiện tượng băng tan, lũ lụt, sự thay đổi mực nước (biển), lượng mưa thất thường và sạt lở đất”, ông Hussain cho biết.

song nhiet chau A anh 2

Nhiều khu vực ở châu Á ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng tư. Ảnh: Reuters.

Đồng tình với quan điểm này, bà Lesley Hughes - giáo sư khoa Sinh học và là trưởng khoa lâm thời khoa Khoa học & Kĩ thuật, Đại học Macquarie (Australia) - nhận định: “Nhìn chung, những ngày nắng nóng cực độ và các đợt nắng nóng đang trở nên tồi tệ hơn trên toàn cầu. Chúng kéo dài hơn, nóng và có quy mô lớn hơn ở nhiều nơi trên thế giới so với các thập kỷ trước”.

Đặc biệt, các chuyên gia cũng cho biết khu vực Hindu-Kush Himalaya ở Trung và Nam Á có lượng băng lớn thứ ba thế giới đang nóng lên gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Điều đó có nghĩa các sông băng đang tan chảy nhanh hơn và khiến dòng nước chảy vào các con sông trở nên khó lường.

song nhiet chau A anh 3

Giáo sư Lesley Hughes tại Đại học Macquarie (Australia). Ảnh: Conversation.

Vào năm 2022, lũ lụt tàn khốc do biến đổi khí hậu ở Pakistan đã trở nên trầm trọng hơn do mưa gió mùa thất thường dưới tác động của các sông băng tan chảy.

“Do năng lực (ứng phó) chưa đầy đủ, hầu hết mối nguy hiểm này đều có khả năng biến thành thảm họa”, ông Hussain cảnh báo.

Cách tốt nhất để chống lại nóng bức

Trong báo cáo công bố hồi tháng 10/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết nếu thiếu các cơ sở vật chất giúp làm mát, tình trạng nắng nóng sẽ làm suy yếu sự phát triển của các quốc gia.

Khi cái nóng gay gắt tấn công Nam Á, những người nghèo và dễ bị tổn thương sẽ phải chịu tác động tồi tệ nhất. Khi họ không thể làm việc vì trời quá nóng, tiền lương sẽ hao hụt, đẩy các gia đình vào vòng xoáy nghèo đói. Giờ học bị cắt ngắn, tước đi cơ hội học tập và tương lai của trẻ em.

Khi sống trong những ngôi nhà không được thông gió đầy đủ và không được làm mát, nhiệt độ cực cao sẽ gây hại cho sức khỏe của mọi người.

Trong những năm gần đây, nhiệt thường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến các vấn đề thời tiết và điều đó có lẽ sẽ không thay đổi, ông Nicholls nhận định.

“Cách tốt nhất để chống lại cái nóng là giữ đủ nước và cố gắng tránh ra ngoài nắng vào thời điểm nóng nhất trong ngày. Hãy uống nhiều nước, đội mũ cũng như nghỉ giải lao khi có thể”, vị chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Năm 2019, Ấn Độ trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai kế hoạch hành động làm mát toàn diện, một sáng kiến đầy tham vọng nhằm giải quyết nhu cầu làm mát của đất nước, đồng thời giảm tác động khí hậu. Vào tháng 6/2022, Bangladesh đã công bố kế hoạch làm mát quốc gia của riêng mình.

song nhiet chau A anh 4

Sóng nhiệt đe dọa sinh kế của nhiều người. Ảnh: Reuters.

Để có những kế hoạch giúp đỡ những người dễ bị tổn thương trong sóng nhiệt, các quốc gia trong khu vực Nam Á phải tái định hình cách thức cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ trong các lĩnh vực như nhà ở, nông nghiệp và y tế, WB nhận định.

Từ đợt nắng nóng trước đó vào năm 2022 ở Nam Á, các chuyên gia đồng tình rằng điều đó nhấn mạnh sự cần thiết của thế giới không chỉ chống biến đổi khí hậu bằng cách cắt giảm khí thải nhà kính, mà còn phải thích ứng với các tác động có hại của nó càng nhanh càng tốt, NBC nhận định.

Theo giáo sư Hughes, tất cả quốc gia đều phải đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng về nhiệt độ cực cao và các đợt nắng nóng.

“Do đó, họ cần lập kế hoạch tốt hơn để cảnh báo và giảm thiểu tác động tại địa phương (chẳng hạn thiết lập các nơi trú ẩn mát mẻ, đặc biệt là cho những người không có điều hòa trong nhà)”, bà nói với Zing.

“Tôi nghĩ rằng khi các đợt nắng nóng trở nên nguy hiểm hơn, tất cả quốc gia/khu vực cần có chính sách cụ thể về cảnh báo (nhiệt). Bang Victoria của Australia đã làm được điều này sau đợt nắng nóng chết người năm 2009”, giáo sư Hughes kết luận.

Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc

Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tây Ban Nha phá kỷ lục nhiệt độ trong tháng 4

Tây Ban Nha hôm 27/4 đã ghi nhận nhiệt độ trong tháng 4 nóng nhất từ ​​trước đến nay, đạt 38,8 độ C.

Châu Á trải qua tháng tư nóng nhất mọi thời đại

Nhiệt độ kỷ lục trong tháng được ghi nhận tại Thái Lan, Myanmar, Lào, Việt Nam, Trung Quốc và Nam Á.

Hải Linh - Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm