Mặc dù được xem là khu vực có chiến thắng sớm trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19, việc số người nhiễm gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây khiến nhiều nước châu Á lo lắng trước đợt tái bùng dịch.
Điều đó đã khiến các nước phải nhanh chóng siết chặt các biện pháp phòng dịch, đặc biệt khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine trong khu vực vẫn còn thấp.
Số ca cộng đồng tăng đột biến
Theo Channel NewsAsia, Singapore đã ghi nhận 38 ca nhiễm trong cộng đồng trong ngày 16/5 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/2020. Nước này ghi nhận thêm 21 ca vào ngày 17/5, qua đó nâng tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 1-18/5 200 ca - gấp 4 lần con số của tháng trước đó.
Điều đáng lo ngại nhất tại Singapore là việc số ca chưa rõ nguồn lây tăng nhanh, trong khi đã xuất hiện những ca có liên quan đến biến chủng B1617 (biến chủng lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ). Bộ Y tế Singapore cho biết nửa đầu tháng 5, số ca chưa rõ nguồn lây tăng từ 6 ca của tuần đầu lên thành 32 ca trong tuần thứ hai.
Đài Loan, nơi từng được đánh giá là thành công nhất trong việc chống dịch, cũng đối mặt với số ca nhiễm tăng đột biến trong thời gian ngắn. Số liệu của cơ quan y tế Đài Loan cho thấy số ca mới trong cộng đồng lần lượt là 185 ca, 206 ca và 333 ca trong các ngày từ 15-17/5.
Trong cả 4 tháng đầu năm, tổng số ca lây nhiễm của nước này không vượt quá 50 ca. Việc số ca mắc tăng nhanh chóng đã dẫn đến hiện tượng người dân Đài Loan đổ xô mua hàng hóa tích trữ.
Hai nhân viên y tế tại một điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 thuộc thành phố Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Shutterstock. |
Số ca Covid-19 mới mỗi ngày của Malaysia đã tăng gấp hơn ba lần kể từ đầu tháng 4. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (JHU), Malaysia ghi nhận gần 4.500 ca mắc mới trong ngày 17/5, trong khi nước này chỉ ghi nhận gần 1.200 ca vào ngày 1/4.
Từ tổng số gần 100 ca bệnh vào ngày 22/4, số ca mắc Covid-19 của Lào đã vượt mốc 1.500 ca vào ngày 15/5. Trong đó, gần 800 ca bệnh được ghi nhận ở thủ đô Vientiane. Hai tỉnh biên giới là Bokeo và Champasak ghi nhận lần lượt 390 và 258 ca, làm dấy lên lo ngại về việc những người nhập cư trái phép đang mang mầm bệnh xuyên qua biên giới.
Các nước Đông Nam Á khác cũng chứng kiến số ca tăng vọt kể từ đầu tháng 4. Số ca mới mỗi ngày của Thái Lan đã vượt 2.000 ca, so với chỉ 50 ca hồi đầu tháng 4. Đến hiện tại, Campuchia ghi nhận hơn 20.000 ca mắc Covid-19, và 90% số ca được ghi nhận kể từ đầu tháng 4.
Trả lời South China Morning Post, Paul Ananth Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi sinh vật lâm sàng và Truyền nhiễm châu Á - Thái Bình Dương cho rằng các nước có nguy cơ tái bùng dịch cao nhất chính là những quốc gia có số ca lây nhiễm trong cộng đồng lớn.
"Có thể đây chỉ là tàn dư của đợt dịch đầu tiên, song tôi nghĩ điều này có nghĩa các chuỗi lây nhiễm chưa hoàn toàn được chấm dứt", ông Tambyah nói.
Nỗi lo về biên giới và vaccine
Nhà dịch tễ học Meru Sheel của Đại học Quốc gia Australia cho rằng sự bùng phát của đại dịch Covid-19 ở các nước châu Á một phần là hậu quả của cuộc khủng hoảng tại Ấn Độ - nơi đã ghi nhận gần 12,4 triệu ca mắc Covid-19 kể từ đầu tháng 4.
Theo đó, tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ đã nhanh chóng lan ra khỏi biên giới nước này và dẫn đến một cuộc khủng hoảng có quy mô tương tự ở nước hàng xóm Nepal. Bangladesh - một quốc gia khác có biên giới với Ấn Độ - đã ghi nhận hơn 160.000 ca mắc và hơn 3.000 ca tử vong do Covid-19 từ đầu tháng 4.
Một lò hỏa táng ở thủ đô Kathmandu, Nepal. Ảnh: Reuters. |
Cả Thái Lan và Lào đều cho rằng việc dịch tái bùng phát ở hai nước này một phần là do những người vượt biên từ Myanmar - quốc gia cũng chia sẻ đường biên giới với Ấn Độ.
"Việc tách Nam Á khỏi Đông Nam Á là rất khó khăn. Các biện pháp như kiểm soát biên giới và cách ly rất quan trọng, nhưng chúng ta không được quên rằng biên giới có nhiều lỗ hổng. Rất nhiều người kết nối qua các biên giới đó, và chính sự kết nối trên tạo ra thêm nhiều thách thức", bà Sheel nói với Time.
Phó giáo sư Jeremy Lim của Đại học Quốc gia Singapore đồng ý với quan điểm trên. Theo ông, việc người dân khu vực sông Mekong di chuyển xuyên biên giới là "đáng kể", khiến cho nguy cơ lây truyền "không thể nào bị loại bỏ hoàn toàn".
Một yếu tố khác càng làm tăng quan ngại đối với tình hình đại dịch ở châu Á là việc tỷ lệ tiêm phòng vaccine còn khá thấp. Số liệu của JHU cho thấy Singapore là nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất trong khu vực, song đến nay chỉ có hơn 20% dân số nước này được tiêm phòng đầy đủ.
Tính đến ngày 18/5, mới chỉ có hơn 7% dân số Campuchia - tức hơn 1 triệu người - được tiêm phòng đầy đủ. Theo Khmer Times, Campuchia hiện có 4,5 triệu liều vaccine, trong đó gồm 1,7 triệu liều Sinopharm, 2,5 triệu liều Sinovac và hơn 300.000 liều AstraZeneca.
Số liệu của Các nước Đông Nam Á khác, gồm Malaysia, Indonesia, Myanmar và Philippines, đều có tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ dưới 4% - thấp hơn tỷ lệ tiêm chủng trung bình của toàn thế giới.
Tăng cường ứng phó
Trước tình hình đó, nhiều nơi ở châu Á đã phải nhanh chóng tái áp dụng các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn đà lây lan của đại dịch.
Với số ca tăng đột biến, Đài Loan đã nâng mức báo động lên mức 3 trên 4 - tức vùng lãnh thổ này đang rất có khả năng sẽ phải lần đầu bước vào phong tỏa do đại dịch Covid-19. Việc phong tỏa, cùng với thiếu nước và thiếu điện do hạn hán nghiêm trọng tại đây, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
Đường phố thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia vắng lặng trong đợt phong tỏa hồi đầu năm nay. Ảnh: Reuters. |
Tương tự Đài Loan, Singapore đã nâng mức báo lên mức cam - mức cao thứ nhì trong thang cảnh báo đại dịch DORSCON của nước này. Với mức cam, quy mô một nhóm tụ tập bị giảm từ 5 người xuống còn 2 người. Việc dạy và học cũng đã được yêu cầu chuyển sang hình thức trực tuyến.
Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong cảnh báo không loại trừ khả năng Singapore sẽ phải tiến hành phong tỏa lần thứ hai, nhưng ông hy vọng các biện pháp tăng cường có thể giúp loại bỏ nguy cơ này.
Malaysia đã phải bước vào lần phong tỏa toàn quốc lần thứ ba, bắt đầu từ ngày 10/5. Thủ tướng Muhyiddin Yassin của nước này nói rằng làn sóng dịch thứ ba "có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng quốc gia".
Các biện pháp cách ly lần này của Malaysia gồm đóng cửa các cơ sở giáo dục, cấm ăn uống ở nhà hàng, cấm các hình thức tụ tập, cấm đi lại giữa các bang,...