Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chất phụ gia có tích tụ lâu trong cơ thể?

Nếu sử dụng đúng liều lượng cho phép, chất phụ gia trong thực phẩm sẽ được đào thải thông qua quá trình tiêu hóa và trao đổi chất.

Lo ngại thực phẩm công nghiệp chứa nhiều chất phụ gia nên không ít người tiêu dùng có tâm lý e dè khi chọn mua. Họ cho rằng dung nạp thực phẩm này thường xuyên sẽ khiến chất phụ gia tích tụ ngày một nhiều trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định quan niệm này “nghe có vẻ đúng nhưng lại không đúng”.

cham soc suc khoe,  dao thai doc to anh 1

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hóa chất trong thực phẩm nếu không được đào thải sẽ khiến cơ thể bị nhiễm độc, các cơ quan hoạt động kém hiệu quả và hình thành nhiều tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, thực phẩm công nghiệp được lưu hành trên thị trường chỉ chứa những chất phụ gia nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Y tế với liều lượng được nghiên cứu kỹ lưỡng để không gây hại cho cơ thể.

Trong danh mục này, những phụ gia có lợi khi đi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất dinh dưỡng. Số khác được loại bỏ thông qua cơ chế thải độc, diễn ra song song với quá trình tiêu hóa thực phẩm, trao đổi chất. Vì vậy, chất phụ gia nếu được sử dụng đúng liều lượng sẽ không tích tụ quá lâu trong cơ thể.

Cơ chế đào thải độc của cơ thể được đảm nhận bởi 6 cơ quan chính gồm gan, thận, đường ruột, hệ bạch huyết, da và phổi. Trong đó, gan được ví như “nhà máy thải độc”, giữ vai trò ngăn chặn các chất gây hại xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa. Gan tạo ra các phản ứng hóa học để giảm độc tính một số chất, sau đó thải qua đường thận. Ngoài ra, một số kim loại nặng, các chất màu đến gan sẽ bị giữ lại và đẩy ra ngoài qua đường mật.

cham soc suc khoe,  dao thai doc to anh 2

Gan giữ vai trò quan trọng trong cơ chế đào thải độc tố.

Cùng với gan, đường ruột giữ vai trò chủ chốt trong việc đào thải độc tố từ thực phẩm. Lớp niêm mạc đường ruột có khoảng 30 triệu nhung mao và hàng triệu lợi khuẩn tạo nên “hàng rào” bảo vệ tự nhiên. “Hàng rào” này chỉ cho dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất đi qua, ngăn cản vi khuẩn có hại, chất độc hại từ thực phẩm đi vào cơ thể. Cặn bã và tạp chất còn lại của quá trình tiêu hóa sẽ được ruột đẩy ra ngoài qua đường phân.

Máu là nơi tiếp nhận các thành phần dinh dưỡng chưa được sàng lọc từ quá trình tiêu hóa. Tất cả máu trong cơ thể sẽ được đi qua thận theo chu kỳ 20-25 lần mỗi ngày, phân chia thành các mao mạch li ti bện chặt với nephron. Thận sẽ đảm nhận nhiệm vụ đưa chất độc hại từ máu ra ngoài cơ thể thông qua niệu quản dưới dạng nước tiểu.

Trong khi đó, hệ thống bạch huyết được xem là “máy dò tìm” độc tố trong cơ thể. Dịch bạch huyết chảy khắp nơi trong cơ thể sẽ dò tìm độc tố đưa đến hạch bạch huyết, sau đó thấm vào máu, chuyển tới phổi, da, gan, thận và thải ra ngoài. Da là bộ phận thải độc lớn nhất của cơ thể, đóng vai trò sơ tán chất thải được phân loại là vi độc tố hay tinh thể độc tố qua tuyến mồ hôi. Còn phổi hỗ trợ đào thải độc từ quá trình trao đổi chất thông qua đường thở.

Để các cơ quan đào thải độc tố hoạt động hiệu quả, người dùng cần lên chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện khoa học và điều độ. Bạn nên uống đủ khoảng 2 lít nước mỗi ngày, chia đều thành nhiều lần để giúp thận hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, bữa ăn có nhiều rau củ quả, các loại hạt và ngũ cốc sẽ giúp quá trình trao đổi chất, thải độc diễn ra nhịp nhàng.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, khi sử dụng thực phẩm công nghiệp, người tiêu dùng nên ưu tiên chọn những loại có nhãn mác, thương hiệu uy tín và lâu đời. Việc này giúp đảm bảo thực phẩm đó sử dụng liều lượng chất phụ gia theo đúng quy định của Bộ Y tế, các cơ quan đào thải độc tố có thể dễ dàng loại bỏ chúng.

cham soc suc khoe,  dao thai doc to anh 3

Ăn nhiều rau xanh giúp cơ thể thải độc tốt hơn. Ảnh: xFrame.

Tập thể dục giúp cải thiện việc lưu thông máu, gan và hạch bạch huyết hoạt động trơn tru. Hơn nữa, vận động mạnh giúp da tăng tiết mồ hôi, nhờ đó tăng cường thải độc, loại bỏ tạp chất.

Ngoài ra, bạn nên chăm sóc giấc ngủ. Giấc ngủ sâu sẽ giúp cơ thể hồi phục và tái tạo năng lượng sau một ngày dài hoạt động, đây cũng là lúc các cơ quan đào thải chất độc hoạt động hiệu quả nhất. Đơn cử, trong khoảng thời gian 11h-1h sáng mật sẽ tích cực làm việc, trong khi đó gan sẽ làm sạch các độc tố từ thực phẩm trong máu vào 1h-3h.

Bạn cũng cần dành nhiều thời gian thư giãn, tinh thần thoải mái sẽ kích thích các enzyme ở gan hoạt động hiệu quả, thúc đẩy quá trình chuyển hóa.

Giang Hoàng Lam

Bình luận

Bạn có thể quan tâm