Phần lớn những kiến nghị này tập trung vào vấn đề lãi suất, chính sách ưu đãi, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại…Trước và trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có các văn bản trả lời với những nội dung gần với những kiến nghị trên.
Trong 48 kiến nghị trên, đáng chú ý là có hai kiến nghị của cử tri tại hai địa bàn Khánh Hòa và Ninh Thuận, phản ánh riêng về chất lượng của đồng tiền đang lưu thông hiện nay.
Cụ thể, cử tri tỉnh Khánh Hòa đề nghị Ngân hàng Nhà nước giám sát việc in và lưu thông tiền trên thị trường, do “hiện nay bị xuống cấp, nhem nhuốc và có một số loại giấy bạc nhỏ thị trường từ chối lưu thông”.
Cử tri tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nâng chất lượng tiền giấy, vì chất lượng tiền giấy polymer hiện nay chưa tốt, nhanh bị bong tróc.
Ngoài ra, cử tri tỉnh Ninh Thuận phản ánh tiền giấy loại tờ 500.000 đồng và 20.000 đồng đang lưu thông trên thị trường có màu sắc giống nhau, gây nhầm lẫn trong nhân dân. Theo đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, có giải pháp khắc phục. Hiện những phản ánh và kiến nghị trên đang chờ Ngân hàng Nhà nước trả lời cụ thể.
Từ năm 2003 - 2006, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành vào lưu thông bộ tiền mới, nhằm bổ sung cơ cấu, mệnh giá đồng tiền trong lưu thông, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế và nâng cao chất lượng, khả năng chống giả của đồng tiền, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Trong đó, tiền polymer có các mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng, 50.000 đồng, 20.000 đồng, 10.000 đồng và tiền kim loại có các mệnh giá 5.000 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng, 500 đồng, 200 đồng.
Cử tri phản ánh đến Ngân hàng Nhà nước về chất lượng của đồng tiền đang lưu thông hiện nay. |
Như phản ánh trên của cử tri, một số loại tiền giấy mệnh giá nhỏ như 200 đồng và cả loại 500 đồng hiện lưu thông khá hạn chế trên thị trường. Còn tiền xu hiện gần như không có mặt trong thói quen tiêu dùng của người dân.
Ngày 26/11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 37/2014/TT-NHNN quy định về việc thiết kế mẫu tiền, chế bản và quản lý in, đúc tiền Việt Nam.
Theo đó, đối với mẫu tiền mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Và với kiến nghị xem xét tiền giấy loại tờ 500.000 đồng và 20.000 có màu sắc giống nhau dễ gây nhầm lẫn nói trên, nếu có điều chỉnh nào đó phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Trong thông tư vừa ban hành, Ngân hàng Nhà nước vẫn bảo lưu các quy định về việc thiết kế mẫu, khuôn để đúc tiền kim loại. Trước đây, khi phát hành loại tiền này, Ngân hàng Nhà nước giải thích: “Việc phát hành tiền kim loại là bước đi nhằm hoàn thiện hệ thống tiền tệ, phù hợp với thông lệ quốc tế”.