Khi nhà tù bị đốt cháy và các tù nhân la hét, lính canh đứng trong tòa tháp của họ, nắm chặt súng, theo dõi cảnh tượng địa ngục diễn ra.
"Xem này, chúng sẽ giết chết tù nhân!", một lính gác nói.
"Trời ơi, chúng tóm được hắn rồi".
"Hắn đã ngã xuống".
"Chuyện này sẽ kinh khủng lắm đây".
Trận chiến chết chóc đã nổ ra giữa các băng đảng tại nhà tù Altamira, khu phức hợp được rừng rậm bao quanh ở Brazil, phía đông bắc bang Para.
Nhưng thay vì khôi phục trật tự, các lính canh - với tỷ lệ 1 người trên 10 tù nhân - xem nó như thể trận bóng đá, ghi lại trên điện thoại di động và đưa ra lời bình luận trong video do luật sư cung cấp.
Bị giết trước mặt người thân tới thăm
Đến cuối ngày 29/7, 58 người đã chết, 16 người trong số họ bị chặt đầu trong cuộc bạo loạn nhà tù đẫm máu nhất trong nhiều thập kỷ. Quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh một lần nữa phải đối mặt với thực tế khủng khiếp của hệ thống nhà tù - nơi nhà nước bất lực dù nắm quyền kiểm soát nhiều nhất.
Hai năm qua, hàng trăm người đã bị giết trong các cuộc bạo loạn trong nhà tù. Trong nhiều trường hợp, cơn thịnh nộ không được kiểm soát cho đến khi hàng chục người chết.
Một sĩ quan cảnh sát chống bạo động đi ngang qua cổng chính của nhà tù Altamira sau cuộc bạo loạn chết người hôm 29/7. Ảnh: Reuters. |
Vào tháng 5, 55 tù nhân tại các nhà tù ở bang Amazonas đã bị siết cổ hoặc đâm chết trong một ngày - một số bị giết trước mặt người thân đến thăm họ - khi cuộc tranh giành quyền lực giữa các băng đảng bùng nổ thành bạo lực kinh hoàng. Tháng 1/2017, hơn 140 người thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn tại các nhà tù trên khắp đất nước.
Vấn đề khá đơn giản: Quá nhiều tù nhân và không đủ chỗ. Dân số nhà tù đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua, từ 450.000 lên hơn 800.000 tù nhân. Nhưng số lượng nhà tù, phòng giam và lính canh không theo kịp. Một số nhà tù chật cứng đến nỗi các tù nhân phải ngủ đứng trong khi số lính canh ít ỏi không còn nắm quyền kiểm soát.
Cuộc khủng hoảng cho thấy sự nhẫn tâm của chính quyền đối với các tù nhân và nghi phạm. Tội phạm bạo lực lên đến đỉnh điểm ở Brazil năm 2017 với 63.880 vụ giết người. Giờ đây, một làn sóng chính trị gia mới đã giành được quyền lực bằng cách hứa hẹn trấn áp tội phạm, với ngôn ngữ ngày càng cực đoan.
Tổng thống Jair Bolsonaro đã mô tả kế hoạch "nhét đầy tội phạm vào các nhà tù". Khi được hỏi liệu có cần thêm an ninh ở nhà tù Altamira hay không, ông trả lời: "Hãy hỏi các nạn nhân của những người đã chết ở đó xem họ nghĩ gì".
Brazil, quốc gia lớn thứ 5 thế giới, có số lượng tù nhân lớn thứ 3, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Nhưng các nhà tù của nước này, thay vì phục vụ như biện pháp ngăn chặn tội phạm, lại khuếch đại nó.
Các tù nhân bị cáo buộc liên quan đến vụ giết các tù nhân khác tại cuộc bạo loạn nhà tù Altamira đến sân bay ở Belem, Brazil, để được chuyển tới nhà tù khác. Ảnh: AP. |
Với quyền truy cập vào điện thoại di động, vũ khí và các đội quân tù nhân, các thủ lĩnh băng đảng bị giam giữ sử dụng các nhà tù làm trụ sở để thực hiện các chiến dịch đẫm máu nhằm kiểm soát các đường dây ma túy béo bở.
Ở Brazil, nhiều nhà tù phức tạp nhất được điều hành bởi các bang nghèo, ở khu rừng rậm ở phía bắc. Các băng đảng ở đó thường giàu có và quyền lực hơn cả chính quyền địa phương.
"Tội phạm có tổ chức đã lũng đoạn và đồng phạm với nhà nước. Chính phủ đã nhượng quyền kiểm soát cho các nhóm buôn ma túy", Rob Muggah, đồng sáng lập của Viện Igarapé, nhóm nghiên cứu về bạo lực ở Rio, nói với Washington Post.
Công cụ tuyển mộ cho các nhóm tội phạm
Các nhóm nhân quyền đã phơi bày hệ thống bạo lực và tội phạm phức tạp bên trong các nhà tù. Các tòa nhà được chia theo băng đảng. Trong một số tổ chức, lính gác đưa chìa khóa cho “chaveiros” - những người chủ chốt - người kiểm soát tiền bạc và chịu trách nhiệm chi trả.
Khi vào nhà tù do các tù nhân kiểm soát, các tù nhân mới - ngay cả những người không có băng đảng từ trước - buộc phải tham gia một phe.
Điều này đã biến nhà tù thành công cụ mạnh mẽ để tuyển mộ băng đảng. Bộ Chỉ huy Thứ nhất của Băng đảng Thủ đô, có trụ sở tại Sao Paulo, đã phát động chiến dịch toàn quốc vào năm 2014 để tuyển dụng 1.000 thành viên hàng tháng và nhanh chóng trở thành nhóm lớn nhất và mạnh nhất của đất nước.
Người thân tham dự lễ tang một tù nhân tại nghĩa trang Sao Sebastiao ở Altamira. Ảnh: Reuters. |
Vào năm 2016, với hàng nghìn thành viên, nhóm này đã gây chiến với băng đảng mạnh thứ hai, Bộ Tư lệnh Đỏ, có trụ sở tại Rio de Janeiro, để giành quyền kiểm soát các tuyến đường ma túy kéo dài từ Brazil đến Colombia, Peru và Bolivia.
Cuộc chiến nổ ra trên đường phố và phía sau song sắt, góp phần vào số vụ giết người kỷ lục trong năm 2017.
Joao Batista Uchoa Pereira, Giám đốc của Foundation to Live, Produce and Preserve, một cơ quan dịch vụ địa phương, đã làm việc trong nhà tù trong gần hai thập kỷ để cố gắng giúp cải tạo tù nhân.
"Môi trường ở đó rất khắc nghiệt. Các lính gác bên trong không vũ trang và chỉ có thể sống sót bằng cách kết bạn với các tù nhân", ông nói.
5 giờ kinh hoàng ở Altamira
Vào lúc 7h sáng 29/7, các thành viên của Bộ Tư lệnh Hạng A đã thoát ra khỏi phòng giam của họ và tiến hành cuộc tấn công vào Bộ Tư lệnh Đỏ. Họ đốt lửa và chất nệm thành đống. Nhà tù Altamira sớm trở thành địa ngục.
Từ bên ngoài, trên đỉnh tháp giám sát, lính canh theo dõi các nỗ lực trốn thoát khi cuộc hỗn chiến leo thang từ bạo loạn đến tàn sát.
Chó sủa ầm ĩ. Mọi người la hét thất thanh.
"Anh bạn, tôi vừa thấy đầu của một gã!", một lính gác hét lên.
"Thật à?"
"Cạnh đám cháy ấy. Tôi đã nhìn thấy nó. Thề có Chúa".
Qua đám khói đen, có thể nhìn thấy các thi thể nằm trên sàn. Một người đàn ông vẫy một vật như cái rựa.
Manoella Batalha da Silva, Chủ tịch Hiệp hội luật sư Brazil ở Altamira, nói rằng cảnh tượng còn tệ hơn một bộ phim kinh dị: "Đầu người ở trong xe đẩy hàng và các tù nhân chơi đá bóng với những cái đầu".
Trận chiến kéo dài trong 5 giờ kinh hoàng, cho đến trưa, khi sự hỗn loạn cuối cùng lắng xuống. Không rõ liệu cuối cùng các nhà chức trách đã can thiệp để dập tắt bạo lực hay các băng đảng chỉ đơn giản là mệt mỏi.
Ronivia Teixeira Pontes nghĩ rằng anh trai cô đã chết vì ngạt thở - cho đến khi cô nhìn thấy xác anh. Nó bị đốt cháy, đen kịt.
"Mọi người đều nghe nói về vụ bạo loạn trước khi nó xảy ra. Và họ không làm gì cả. Họ để mọi thứ xảy ra", cô giận dữ nói.
Các quan chức tìm cách cách ly các thủ lĩnh băng đảng, chuyển một số đến các nhà tù liên bang. Bốn trong số họ đã chết trong quá trình vận chuyển do ngạt dù nguyên nhân cụ thể chưa được xác định.
Hôm 30/7, các gia đình tiếp tục tìm kiếm thông tin về những người thân trong nhà tù. Một chiếc xe tải thịt đã mang đi các thi thể.
Các tù nhân bên trong vẫn còn sốc. Trong 5 giờ, dân số nhà tù đã giảm 1/6. Nhưng tâm trạng bên trong nhà tù vẫn căng thẳng giống như trước cuộc bạo loạn.