Chống lão hóa là một yếu tố quan trọng khi tìm mua các sản phẩm dưỡng da, SCMP nhận định.
Nếu bạn đang tìm cách làm chậm quá trình lão hóa nhưng không muốn tiêm botox và bị khô da bởi retinal, các yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFs) có thể là lựa chọn thay thế hợp lý.
EGFs là gì?
EGFs thường được tìm thấy trong các sản phẩm làm đẹp cao cấp. Các nhà khoa học phát hiện thành phần này vào năm 1950. Tác dụng ban đầu là để tăng tốc phục hồi da sau vết thương và bỏng.
EGFs thường có trong các sản phẩm làm đẹp cao cấp, đắt đỏ. Đối với những người có da khô và nhạy cảm, thành phần này là lựa chọn hợp lý. Ảnh: Allure. |
Tạp chí Allure cho biết phải đến những năm 2000, EGFs mới bắt đầu thâm nhập vào thị trường làm đẹp.
Vào khoảng 30 tuổi, yếu tố tăng trưởng trong da bắt đầu được sản xuất với số lượng nhỏ. Điều này dẫn đến tế bào ít phát triển, da mỏng và kém dẻo dai.
Đồng thời, việc sản xuất collagen giảm xuống và các sợi đàn hồi bắt đầu cứng lại. Những yếu tố này tạo cơ sở cho nếp nhăn, hiện tượng chảy xệ xuất hiện. Một số yếu tố bên ngoài như ánh mặt trời, ô nhiễm làm hiện tượng này thêm trầm trọng.
Các yếu tố tăng trưởng, khi được sử dụng thường xuyên trong vài tuần, có thể hoạt động như một liệu pháp thay thế. Nó giúp cơ thể sản xuất các thành phần như collagen, keratin... EGFs có trong các sản phẩm làm đẹp, sử dụng những tế bào gốc để giúp trẻ hóa.
Kim Chang, chuyên gia thẩm mỹ y tế được cấp phép ở Texas, Mỹ, cho biết: "Nghiên cứu đã chứng minh độ quan trọng của các yếu tố tăng trưởng khi nói đến giảm nếp nhăn. Chúng hoạt động bằng cách bổ sung độ ẩm và giảm độ nhám xúc giác trên da".
Ioannis Liakas, giám đốc y tế tại Vie Aesthetic, chia sẻ với Refinery29 rằng EGFs cũng có thể bảo vệ chống lại các tác động của ô nhiễm và tác hại của ánh nắng mặt trời. Cả hai công dụng đều góp phần chống lão hóa.
"Tôi nhận thấy EGFs là thành phần tối ưu để sửa chữa da", Anna De La Cruz, một chuyên gia thẩm mỹ giáo dục về y tế, nói với Bustle.
Thông thường, EGFs có thể được tìm thấy trong các sản phẩm dưỡng ẩm như huyết thanh, kem dưỡng.
Yếu tố tăng trưởng giúp da xây dựng collagen, phục hồi chức năng cơ bản của da và thay đổi tế bào. Ảnh: Koreaboo. |
So sánh EGFs với các thành phần chống lão hóa khác
Tương tự retinol, các sản phẩm chứa EGFs giúp tăng tế bào để giải quyết các vấn đề về da như nếp nhăn, tăng sắc tố.
Tuy nhiên, những người có làn da nhạy cảm thường gặp phải tình trạng khô, viêm hoặc kích ứng da khi dùng retinol. Ioannis Liakas nhận thấy, EGFs có thể nhẹ nhàng hơn trên da nếu so với retinol.
Bác sĩ da liễu Hadley King nói: "Nếu da của bạn quá nhạy cảm để sử dụng retinol, có thể thay thế bằng các yếu tố tăng trưởng biểu bì. Hành động này giúp kích thích collagen, làm đều màu da và giảm độ sần sùi. Bên cạnh đó, nó ít gây kích ứng hơn".
Điểm yếu của EGFs là thường chỉ được tìm thấy trong các sản phẩm làm đẹp cao cấp, đắt tiền. Thành phần này không nhất thiết phải có trong chu trình chăm sóc của những người vốn có làn da khỏe mạnh.
EGFs phù hợp cho những người đang muốn tối đa hóa chu trình dưỡng da hàng ngày. Ảnh: Top Stars News, Theqoo. |
Tuy nhiên, EGFs là bổ sung hữu ích cho chu trình chăm sóc của những người có làn da nhạy cảm, khô.
Bác sĩ da liễu Annie Chiu khẳng định với Allure: "Tôi thấy các sản phẩm chứa yếu tố tăng trưởng là cần thiết nếu bạn đang tìm cách tối đa hóa chế độ chăm sóc da hàng ngày".
Bởi vậy, mọi người nên xem xét ưu và nhược điểm của thành phần để quyết định có nên cho thêm vào chu trình dưỡng da hàng ngày. Bên cạnh đó, trước khi tìm mua sản phẩm, bạn nên đọc kỹ đánh giá của những khách hàng trước và liên hệ với bộ phận chăm sóc của nơi bán để tìm hiểu rõ hơn.