Theo báo cáo thị trường quý II của Cushman & Wakefield, giá chào thuê mặt bằng tại tầng trệt của một khối đế bán lẻ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) lên đến 350 USD/m2/tháng, tức hơn 8,2 triệu đồng/m2/tháng theo tỷ giá ngày 15/7, cao nhất từ trước đến nay. Mức này đã bao gồm phí quản lý nhưng chưa tính đến thuế giá trị gia tăng (VAT).
Tuy nhiên, bà Trang Bùi, CEO Cushman & Wakefield cho rằng đây là mặt bằng duy nhất ghi nhận mức giá này, do đó không đại diện cho toàn thị trường khối đế bán lẻ ở TP.HCM.
Đơn vị ghi nhận mức giá thuê trung bình tại tầng trệt của 4 khối đế bán lẻ thuộc khu trung tâm quận 1 hiện dao động quanh mức 200-300 USD/m2/tháng. Trong khi đó, tại 5 trung tâm thương mại cùng khu vực, giá thuê khoảng 120-150 USD/m2/tháng.
Khảo sát của Zing cho thấy nguồn cung mặt bằng trống thực tế trên đường Nguyễn Huệ không nhiều, đặc biệt ở phân khúc khối đế thương mại. Đa số địa điểm đang có nhu cầu tìm kiếm khách thuê là các căn nhà phố 3-4 tầng, với mức giá trên dưới 15.000 USD/tháng.
Dữ liệu từ CBRE cũng ghi nhận giá chào thuê tại một số địa điểm đắc địa tại khu vực trung tâm lên đến 250-350 USD/m2/tháng. Tính bình quân toàn thị trường, giá chào thuê tại tầng trệt của các trung tâm mua sắm ở trung tâm TP.HCM đạt mức đỉnh mới tại 206 USD/m2/tháng, tăng khoảng 50% theo năm.
Con số này gấp hơn 7,5 lần giá thuê ngoài trung tâm và gần gấp đôi ở Hà Nội. Những mức giá theo thống kê của CBRE chưa bao gồm phí dịch vụ và VAT.
Chênh lệch giá thuê mặt bằng TTTM ở TP.HCM và Hà Nội cuối quý II/2022 | |||
Giá thuê được tính cho tầng trệt và tầng 1, chưa bao gồm VAT và phí dịch vụ. Nguồn: CBRE. | |||
Nhãn | Trung tâm | Ngoài trung tâm | |
TP.HCM | USD/m2/tháng | 206 | 27 |
Hà Nội | 132 | 25 |
Cùng lúc đó, tỷ lệ lấp đầy ở khu vực trung tâm được cải thiện ở mức gần 96%, còn ngoài trung tâm chưa đến 88%. Sự chênh lệch này là bởi đến nay, các trung tâm mua sắm trong các quận nội thành đã có lưu lượng khách hàng tương đương mức trước đại dịch, trong khi các trung tâm thương mại ngoài trung tâm sẽ cần nhiều thời gian hơn.
Thực tế, suốt nửa đầu năm nay, TP.HCM không ghi nhận nguồn cung bán lẻ mới, tổng diện tích cho thuê vẫn chưa đầy 1,1 triệu m2.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp quốc tế đã đổ bộ đến Việt Nam và tìm kiếm mặt bằng đắc địa, đơn cử như thương hiệu pha lê của Pháp Baccarat với showroom đầu tiên tại khách sạn Sheraton (quận 1), hay hãng nước hoa Guerlain Ultimate Boutique cũng vừa khai trương cửa hàng đầu tiên ở Đông Nam Á cách đây một tháng.
Bên cạnh đó, một số thương hiệu thời trang, làm đẹp, thể thao, F&B cũng tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động ở TP.HCM, như Hermes Beauty, Skechers, Son Tum Thai...
Thời gian tới, CBRE cho biết thị trường sẽ đón thêm nhiều thương hiệu quốc tế thuộc các lĩnh vực thời trang, F&B, nội thất... Tuy nhiên, sẽ chỉ có một nguồn cung mới với tổng diện tích cho thuê 35.000 m2 từ TTTM Thiso vào cuối năm nay và khoảng 230.000 m2 khác trong 2 năm tiếp theo. Do đó, bà Thanh Phạm cho rằng giá thuê ở khu vực trung tâm và dọc các tuyến phố chính sẽ tiếp tục đà tăng.