Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng trai trồng hoa hồng, nuôi cá trong vườn 2.000 m2

Với Tầng Hắm Phu (sống ở Trảng Bom, Đồng Nai), bình yên là mỗi sáng ra vườn, được hòa mình vào không gian đầy hoa cỏ, cây trái do chính tay mình vun trồng.

Ở tuổi 25, Phu có mảnh đất 2.000 m2 nằm trên đồi với 1.000 gốc hồng ngoại và hồng cổ, cùng nhiều loại cây ăn quả như mít, bưởi, dừa, quýt, cam, táo, chôm chôm. Trên đó, cậu dựng ngôi nhà nhỏ, làm hồ nuôi cá.

Cơ ngơi này là thành quả sau nhiều năm bươn chải và nỗ lực.

Chang trai trong hoa hong trong vuon 2.000 m2 anh 1

Tầng Hắm Phu lập nghiệp bằng việc trồng hoa hồng hơn 4 năm nay.

Không bỏ cuộc

Chia sẻ với Zing, Phu kể năm lớp 9, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cậu phải nghỉ học, đi làm đủ việc như bưng cà phê, bóc mít, giao hàng thuê.

17 tuổi, sau thời gian xin phụ việc không công tại nhà vườn trồng lan, chàng trai học hỏi kinh nghiệm, bắt đầu kiếm ra tiền nhờ trồng loại hoa này để bán.

Năm 2017, Phu được anh họ nhờ trông coi khu vườn 5.000 m2. Từ cây hồng Mon Coeur có nguồn gốc Nhật Bản được người thân tặng, cậu trồng và thấy hoa nở đẹp, thơm ngát sau vài tháng.

Nảy ra ý tưởng nhân giống hoa hồng để bán, Phu vét hết tiền mua một số loại thịnh hành. Tuy nhiên, do khí hậu ở Trảng Bom khô nóng, không thuận lợi cho việc trồng hoa, cộng thêm chưa biết chọn giống phù hợp, cậu gặp thất bại, lỗ hơn 20 triệu đồng.

Không bỏ cuộc, Phu lên các hội nhóm chơi hoa, tìm sách đọc để học hỏi bí quyết. Thời gian đó, cậu quanh quẩn ngoài vườn gần như cả ngày, hết tưới nước, tỉa cành đến theo dõi sâu bệnh cho từng gốc hoa.

Thấy con trai vất vả, mẹ Phu khuyên cậu bỏ vườn, đi làm công nhân dưới thành phố. Tuy nhiên, chàng trai quyết tâm làm lại từ đầu.

Sau nhiều tháng kiên trì, Phu thở phào khi nhìn những khóm hồng hết sâu bệnh, ra bông đậm màu, nhiều cánh như mong muốn. Cậu bắt đầu nhân giống và đăng lên mạng bán.

Lượng khách mua ngày càng tăng giúp Phu có vốn xoay vòng, trồng thêm nhiều hoa trong vườn. Thời kỳ sốt hoa hồng ngoại, ngày nào cậu cũng tất bật tư vấn, chốt đơn, đóng hàng gửi cho khách.

Nhờ làm ăn khấm khá, sau một năm, Phu đủ tiền mua mảnh đất đồi 2.000 m2 đối diện vườn của anh họ và chuyển toàn bộ cây sang đó.

Có vườn riêng, chàng trai thích thú, phân chia khu vực trồng hoa, nơi cải tạo thêm để trồng cây ăn trái. Cậu còn tự đào ao nuôi cá, thả sen.

“Mình cũng dựng ngôi nhà trong vườn để tiện chăm sóc cây cối. Cảm giác tự tay tạo ra những thứ mình mong muốn rất hạnh phúc”, Phu nói.

Cuộc sống bình yên

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh của Phu bị đình trệ, vài tháng gần như không có thu nhập. Tuy nhiên, cậu coi đó là khó khăn chung và chấp nhận tình hình.

Thời điểm dịch ổn hơn, Phu lại trả hàng cho khách, có đồng ra đồng vào. Do khối lượng công việc ở vườn khá lớn, lại chỉ có một mình, cậu quyết định giảm từ 2.000 gốc hồng xuống còn 1.000 để tiện chăm sóc, đồng thời trồng thêm một số loại cây ăn trái theo hướng hữu cơ.

Đều đặn 5h30 mỗi ngày, Phu lại ra vườn nhổ cỏ, ngắm hoa, cắt cành, chăm chồi non đến khoảng 9h mới vào nhà ăn sáng. Sau đó, cậu tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị hàng giao cho khách.

Hoa hồng luôn có sẵn trong vườn, chàng trai hái về phơi làm trà để thỉnh thoảng ngồi thư giãn, thưởng thức.

Trong khi nhiều bạn đồng trang lứa có xu hướng lên thành phố làm việc và hòa vào nhịp sống hiện đại, Phu vẫn gắn bó với mảnh vườn, hàng ngày lấm lem tay chân.

“Mình thích cuộc sống hiện tại vì thoải mái, không phải suy nghĩ nhiều. Mỗi lần lên phố, mình cảm thấy ngột ngạt và nhớ không gian xanh, bốn bề là cây cối ở nhà. Mình đang sống những tháng ngày đẹp nhất cuộc đời”, cậu lý giải.

Khi không bận rộn với công việc trong vườn, Phu thường lên các hội nhóm “bỏ phố về rừng” chia sẻ hình ảnh, câu chuyện của mình với mong muốn truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ yêu thiên nhiên và trồng nhiều cây hơn.

Đi cắm trại trở lại sau thời gian giãn cách

Nhiều người đi một mình hoặc theo nhóm nhỏ, chọn nơi vắng vẻ để hạ trại nhằm đảm bảo an toàn trong dịch.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm