Chàng trai mê du lịch làm giám đốc công ty "phượt"
Trào lưu "phượt" đã có từ nhiều năm trước nhưng không có cửa hàng nào bán đồ chuyên dụng cho những tín đồ của loại hình du lịch này. Là dân "phượt" chính hiệu, Đỗ Thế Hưng thấy cơ hội lớn từ đó.
> Chuyện kinh doanh của ông chủ Boo - Bò Sữa
> Doanh nhân đưa Backstreet Boys về Việt Nam
Trước khi trở thành Giám đốc Công ty cổ phần Umove, cung cấp sản phẩm, đồ dùng và trang thiết bị du lịch dã ngoại duy nhất ở Việt Nam, Đỗ Thế Hưng (sinh năm 1978) là một dân "phượt" cuồng nhiệt. Trào lưu “phượt” mà mọi người thường dùng để gọi cho những hội nhóm sinh hoạt và tham gia du lịch cùng nhau đã xuất hiện từ hơn chục năm trước. Thời điểm đó, dân "phượt" trang bị những đồ dùng chuyên dụng và chỉ có thể trông đợi vào các thành viên trong nhóm. Nếu có anh em bạn bè ra nước ngoài thì nhờ mua giúp và trao đổi nội bộ với nhau. Thị trường các sản phẩm này ở Việt Nam trống trơn, việc nhờ mua hộ cũng với số lượng hạn chế và vô cùng thiếu thốn.
Cửa hàng Umove chỉ bán đồ du lịch cho dân "phượt" |
“Nhu cầu đồ dùng du lịch dã ngoại là có thực và rất lớn, tại sao không ai đứng ra cung cấp trên thị trường?”. Trăn trở trước câu hỏi đó, Hưng cùng một số bạn bè trong nhóm đã quyết định nhập hàng về, trước hết là phục vụ cho chính nhóm chơi của mình, sau nữa là những người khác. Tháng 7/2009, anh cùng một vài người bạn bắt tay xây dựng cửa hàng kinh doanh đồ dùng, trang thiết bị chuyên dụng cho du lịch dã ngoại mang tên Umove đầu tiên trên phố Phạm Huy Thông, Hà Nội.
Chiến lược “Đi từ ngõ ra phố”
Suốt 3 năm, Umove đi theo đúng lộ trình “Đi từ ngõ ra phố”: Xuất phát điểm ở một con phố nhỏ ven hồ yên tĩnh, sau đó mở một cửa hàng lớn hơn ở phố Láng Hạ sầm uất và sau nữa có thêm một siêu thị trên phố Hàng Điếu, giữa trung tâm thủ đô.
Với phố Phạm Huy Thông ven hồ Ngọc Khánh, sự xuất hiện vào năm 2009 của một doanh nghiệp bán lẻ mới toanh như Umove có phần mạo hiểm. Phố Phạm Huy Thông khá yên tĩnh, vắng vẻ, trái ngược hoàn toàn với chiêu marketing chớp nhoáng của các nhà bán lẻ thông thường.
Theo anh Hưng, chiến lược này tuy có phần “lạ đời” nhưng phù hợp với những người chập chững kinh doanh lĩnh vực non trẻ như outdoor (các sản phẩm, dịch vụ phục vụ hoạt động ngoài trời) ở Việt Nam: Đối tượng khách hàng chuyên biệt (phần lớn thường là những hội, nhóm chơi mê du lịch), thị trường nhỏ hẹp và chưa từng có ai kinh doanh có hệ thống và bài bản. Hưng giải thích thêm, mở cửa hàng ở ngõ nhỏ Phạm Huy Thông có chi phí mặt bằng thấp và có thể giảm thiểu tổn thất nếu gặp rủi ro.
“Lờ” đi khách hàng trước mặt, đi đường vòng
Với những lĩnh vực kinh doanh đã có sẵn thị trường, cách dễ nhất để bán hàng thường được áp dụng là tìm kiếm những khách hàng có nhu cầu ngay lập tức với mặt hàng đang có. Tuy nhiên, cách làm của Umove lại đi ngược với lẽ thường. Chiến lược thứ hai của ông chủ này là “tránh” những khách hàng có nhu cầu trực tiếp với sản phẩm, và chào hàng với những vị khách chưa từng biết đến các cuộc chơi (!). “Không khó nhận ra những người có nhu cầu mua đồ dùng du lịch dã ngoại khi bạn đã từng là thành viên của một nhóm chơi như vậy. Tuy nhiên, với những ‘chuyên gia’ này, tiếp cận họ để bán hàng lại là ‘con dao hai lưỡi’”, anh Hưng nhận xét.
"Với lĩnh vực outdoor, nếu mặt hàng được bán ra cho số ít những người hiểu biết về các sản phẩm này, họ có thể tạo ra dư luận ngay lập tức về sản phẩm của bạn. Và chỉ cần có một sơ suất nhỏ về giá thành hay chất lượng theo yêu cầu của họ, dư luận xấu sẽ nhanh chóng lan tràn trên các diễn đàn mạng xã hội mà bạn không thể chèo lái được", giám đốc "phượt" chia sẻ.
Vì vậy, cách lựa chọn của ban giám đốc khi mới thành lập công ty là chào hàng cho những người chưa quan tâm hoặc chưa hiểu biết nhiều về loại hình du lịch ngoài trời. Sau một năm hoạt động, gây được tiếng vang tốt, chính những thành viên của các nhóm chơi chuyên nghiệp lại tìm đến với công ty để tìm hiểu và mua sắm.
Vẫn... “phượt”
Nhân viên Umove và khách hàng đều có cùng chung sở hữu và chia sẻ các kinh nghiệm về sơ cứu khi "phượt" |
Không phải một doanh nghiệp làm du lịch trực tiếp, nhưng công ty của anh Hưng vẫn tổ chức tour đều cho các thành viên. “Đi làm toàn đi chơi” là câu nói đùa mà anh mô tả về công việc của mình. Ở bất kỳ vị trí nào, bất kể giám đốc hay nhân viên, họ đều có thể tham gia chuyến dã ngoại với các thành viên – khách hàng. Thành viên của Umove họ trở thành ban quản trị diễn đàn du lịch, hướng dẫn viên du lịch, nhà tổ chức sự kiện hay giáo viên dạy cách sơ cứu, cách sử dụng đồ dùng (lều trại, thuyền, áo phao, dù…). Trong tập thể công ty này, dường như không có ranh giới giữa nhân viên hay sếp, họ cùng mặc jeans, áo phông đồng phục và đi giày thể thao.
Hàng tháng, lịch làm việc của công ty chuyên bán lẻ như Umove "chèn" đến 4 chương trình đi tour với thành viên. Chuyện một công ty cấp thẻ thành viên cho khách hàng để nhận ưu đãi mua hàng không còn xa lạ; nhưng khách mua hàng của công ty lại tập hợp đi chơi cùng nhau thì ít ngành kinh doanh có.
Theo CafeF/TTVN