Thôn Cao Bình, xã Hồng Tiến (Kiến Xương, Thái Bình) vốn nổi tiếng là làng chài “thất học”, cuộc sống sông nước không biết đến chuyện học hành, chữ nghĩa. Nhưng cách đây vài năm, câu chuyện một cậu học sinh nghèo trong thôn đỗ tốt nghiệp THPT và theo đuổi giấc mơ vào đại học, đã gây xôn xao từ đầu làng cho đến cuối ngõ.
Cậu học trò đó tên Nguyễn Văn Thiêng (SN 1989), hiện học năm cuối ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội. Đến thời điểm này, Thiêng là người duy nhất của “làng điểm chỉ” đỗ tốt nghiệp cấp 3 và vào đại học.
Nguyễn Văn Thiêng - người duy nhất ở "làng điểm chỉ" học đại học.Ảnh: Phi Hùng. |
Ấn tượng ban đầu khi gặp Thiêng chính là cách ăn mặc giản dị của cậu. Chiếc áo sơ mi hơi cũ, chiếc quần bò đã lỗi mốt, chân đi dép tổ ong, nước da ngăm đen đậm chất dân vùng chài lưới.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó có 11 anh chị em, 6 trai và 5 gái, Thiêng là con thứ 10. Tuổi thơ của cậu là những năm tháng lênh đênh trên trên thuyền. Chiếc thuyền nhỏ chỉ hơn 10m2 vừa phương tiện duy nhất để kiếm sống vừa là nơi ăn, ngủ của cả đại gia đình. Khi ấy, Thiêng đã phải cùng bố mẹ, các anh chị vật lộn giữa biển khơi, vất vả, cơ cực để kiếm từng bữa cơm lo cho gia đình.
Mãi cho đến năm 1999, khi Thiêng 11 tuổi, bố mẹ cậu mới dành dụm được ít tiền, mua đất, cất nhà tại thôn Cao Bình, xã Hồng Tiến. Và cũng từ lúc này, chuyện học hành của Thiêng mới được bố mẹ tính đến.
“Tuy học muộn 4 năm, nhưng đối với mình được đi học đã là may mắn rồi. Khi những đứa trẻ khác trong làng không có điều kiện học hành, mình được cắp sách tới trường”, Thiêng chia sẻ.
Hình ảnh Thiêng với chiếc xe đạp cà tàng, lóc cóc đạp xe hàng chục cây số, không quản nắng mưa để đến trường đã in sâu vào tâm trí của nhiều người trong vùng. Suốt những năm học ở quê nhà, không năm nào Thiêng không đạt danh hiệu học sinh khá. Đó cũng là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng vượt lên hoàn cảnh của cậu học trò làng chài, nơi "thất học" lên ngôi.
Hoàn thành xong chương trình THPT, Thiêng nộp hồ sơ dự thi ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội, và đỗ vào khoa xây dựng hệ cao đẳng của trường với số điểm 13,5 điểm. Khi đó, gia đình Thiêng đã có ý định không cho cậu đi học, vì gặp nhiều khó khăn, bố mẹ ngày một tuổi cao sức yếu, anh chị Thiêng nhiều người cũng đã lập gia đình, không thể lo cho cậu ăn học như trước kia được nữa.
Ông Nguyễn Văn Lực, bố đẻ của Thiêng tâm sự: "Hồi ấy tôi nghĩ cho nó học hết lớp 12 đã là quá cao rồi. So với anh chị nó và nhiều cháu trong làng thì có ai được ăn được học như nó đâu. Tôi định cho nó nghỉ vì kinh tế eo hẹp và khó khăn quá”.
Khi đó chàng trai 21 tuổi này luôn trăn trở: "Nếu không học tiếp thì biết làm gì? Sẽ lại quay về với nghề cha truyền con nối, cái nghề mà biển động người ta thì chui vào bờ chẳng được, còn mình thì lao để kiếm sống hay sao? Lại là những chuyến ra khơi, những mẻ lưới quăng ra giữa biển khơi, hôm được, hôm không, bữa no, bữa đói sống lay lắt qua ngày…".
Chính những trăn trở đó đã thôi thúc chàng trai làng chài này xin bố mẹ được tiếp tục đi học, mong có một ngày thoát khỏi “cái bóng” của ông cha.
Góc học tập nhỏ của cậu sinh viên nghèo trong căn phòng trọ. Ảnh: Phi Hùng. |
Lên Hà Nội học, Thiêng đã phải làm lụng nhiều nghề như đi phụ hồ, làm gia sư, làm bồi bàn… để lấy tiền ăn học. Hàng tháng cậu chỉ dám xin bố mẹ hơn 1 triệu đồng. Công việc tuy có đôi lúc làm cậu mệt mỏi, nhưng chưa bao giờ Thiêng lơ đãng đi chuyện học hành.
Dù kết quả học tập chỉ ở mức trung bình khá, nhưng với cậu đó là quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi, và so với người “làng điểm chỉ” đó cũng là cả một kỳ tích.
Thiêng tâm sự, có những tháng không có việc, hết tiền, gạo ở nhà mang lên cũng không còn lấy một hạt, cậu không dám gọi điện về xin bố mẹ gửi lên. Nhiều hôm nhịn đói để đến trường, tối về mới dám mua một gói mỳ tôm ăn tạm, chờ tìm công việc mới.
"Bố mẹ cũng đã già yếu, không đi biển được nữa, xin nhiều quá biết lấy gì chi tiêu. Ở quê bố mẹ còn phải lo cho thằng Uyên đang học lớp 5 nữa”, nam sinh này chia sẻ.
Nói về dự định trong tương lai, Thiêng cười lạc quan. Chỉ vào một ngôi nhà đang xây dở, cậu nói: "Mình muốn làm đúng nghề mà mình đang theo học đó là một kỹ sư xây dựng. Biết là phía trước còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng mình sẽ cố gắng đạt được ước mơ đó, để không phụ lòng cha mẹ và những người dân làng chài".
Bố mẹ Thiêng làm thêm nghề đan lưới thuê để kiếm sống. Ảnh: Phi Hùng. |
Mặc dù tuổi đã về già, nhưng ông bà Nguyễn Văn Lực và bà Nguyễn Thị Quế vẫn cố gắng lao động. Không có đất ruộng nhưng 2 ông bà đã nhận thầu 5 sào ruộng, chăn con lợn, con gà. Khi rảnh rỗi, ông bà đan lưới thuê mỗi ngày kiếm được năm bảy chục nghìn, thêm đồng ra đồng vào nuôi anh em Thiêng ăn học, với hy vọng anh em cậu sẽ không phải khổ sở như cuộc sống của cha mẹ và các anh chị.