Trang trại nuôi chim công của anh Nguyễn Văn Phương (xã An Lâm, huyện Nam Sách, Hải Dương) có diện tích hơn 4.000 m2 với gần 200 cá thể bao gồm chim công và chim trĩ. |
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa (Hà Nội), anh Phương có một công việc ổn định ở Thái Nguyên. Tuy nhiên, do đi làm xa mà chỉ được về nhà 1 đến 2 lần/năm, anh Phương quyết định về quê lập nghiệp. Với số vốn ban đầu 92 triệu đồng vay người thân, anh nhập về một số giống chim công, chim trĩ đỏ, một đàn chim trĩ thịt, một đàn gà chín cựa. |
Sau một thời gian chăm sóc, anh Phương nhận thấy 2 giống chim công và chim trĩ cảnh có sức đề kháng tốt cộng với việc đem lại lợi nhuận kinh tế cao anh bắt đầu tập trung phát triển vào chúng. Những lứa đầu tiên cũng đã được ấp nở thành công, mỗi lần đẻ cho ra hơn 30 trứng và tỷ lệ thành công lên đến 90%. |
"Thức ăn của chim công khá đơn giản, chim ăn theo chế độ cám gà trộn với thóc, ngô và rau xanh. Điều này còn tùy thuộc vào giai đoạn phát triển vì khi chúng còn non chế độ ăn cũng khác với con trưởng thành", chị Phương Anh (vợ anh Phương), chia sẻ. |
Mỗi ngày chị Phương Anh cho chim công ăn 2 lần một ngày vào buổi sáng và chiều tối. "Đến khi chim công được một năm tuổi thì sức đề kháng tự nhiên rất cao. Lúc này chim công gần như không mắc bệnh nữa nên việc chăm sóc cũng ít hơn, 2-3 ngày dọn dẹp chuồng một lần vì thế chúng tôi cũng không mất chi phí thuê nhân công", chị Phương Anh cho biết thêm. |
Trong những bữa chính có thể xen kẽ những bữa phụ để bổ sung sung thêm vitamin, hoa quả và thịt bò để chúng có thể phát triển tốt và có bộ lông mượt, dài và đều. |
Hai vợ chồng anh Phương kiểm tra sức khỏe của công non mỗi ngày một lần để có thể sớm phát hiện những bệnh mà chúng hay gặp phải. Hiện nay vẫn chưa có thuốc chuyên trị cho chim công, do vậy nên khi chim bị bệnh đều dùng thuốc của gà để chữa. |
Chính vì vậy, nhiệt độ trong chuồng luôn phải giữ ở mức ổn định, thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Dinh dưỡng và tiêm vaccine là những yếu tố quan trọng để có thể đảm bảo sức khỏe cho chim non. Theo giá bán, chim công giống (đạt đủ một tháng tuổi và tiêm đủ liều vaccine), đắt nhất là chim công má vàng với giá 7 triệu đồng/cặp, chim công trắng có giá 5 triệu đồng/cặp và chim công xanh có giá 2 triệu đồng/cặp. |
Đối với chim công má vàng trưởng thành, giá lên tới 80 triệu đồng/cặp. Giá của chim còn tùy thuộc vào vào vẻ đẹp, bộ lông, sức khỏe và dựa vào độ thuần chủng. Trung bình, mỗi năm anh Phương có thể kiếm được 300-500 triệu đồng. "Chim công má vàng là giống tôi mất nhiều thời gian để tìm kiếm, phải cất công bay vào trong Tây Nguyên để tìm những gia đình được phép nuôi làm cảnh. Sau khi mua tôi phải làm thủ tục xin lực lượng kiểm lâm cấp phép đưa về địa phương để nuôi và gây giống", anh Phương cho biết. |
Giống chim công trắng Ấn Độ với giá 35 triệu đồng/cặp được nhiều người chơi chim cảnh ưa chuộng vì chúng tượng trưng cho vẻ đẹp cao quý và biểu tượng cho sự quyền lực. Để chim công phát triển bình thường và không bị căng thẳng nên diện tích tối thiểu mỗi chuồng phải rộng 20 m2. Mỗi chuồng nuôi chỉ được nuôi tối đa một công đực và 2-3 công cái và phải có cây và sào để công có thể đậu trên đấy ngủ. |
Anh Hoàng Văn Thanh (ngoài cùng) là khách hàng quen thuộc cũng là thành viên trong câu lạc bộ do anh Phương quản lý. "Chúng tôi cũng đang tạo ra một sân chơi lành mạnh để mọi người có thể trao đổi, chia sẻ những kiến thức cũng như kỹ năng cho những thành viên mới", anh Thanh nói. |