Gặp Trần Văn Nghĩa, ít ai có thể ngờ đằng sau thành công của ông chủ một doanh nghiệp môi giới BĐS có dáng người nhỏ thó này là cả câu chuyện dài đấu tranh với bệnh tật, bước qua ngưỡng sinh tử.
Ông chủ sinh năm 1990 có lẽ không thể nào quên được những ngày tháng gian khó để viết nên câu chuyện, mà chính anh "không cho là phép màu, nhưng là một kỳ tích với bản thân".
Kiệt quệ vì suy thận
Năm 2012, Trần Văn Nghĩa là sinh viên năm thứ 4 của Đại học Hàng Hải, đam mê thể thao và nhiều hoài bão phía trước. Nghĩa có thể đá bóng mỗi ngày vài trận mà không biết mệt.
Nhưng giữa năm đó, anh cảm thấy cơ thể dần yếu đi, chơi thể thao 15 phút đã có hiện tượng chuột rút.
Sau xét nghiệm tại một bệnh viện ở Hà Nội, Nghĩa như lặng người khi biết mình bị suy thận mãn tính độ 4, cấp nguy hiểm nhất. Quá bất ngờ và chưa hề có sự chuẩn bị nên phải mất nửa năm sau mới quay lại bệnh viện điều trị. Khi đó, các chỉ số của anh đã gấp 3 lần bệnh nhân suy thận bình thường. Bác sĩ khẳng định "nếu không luyện tập thể dục thể thao thường xuyên chắc cậu này đã không thể chống chịu".
Chàng trai trẻ đứng trước 3 lựa chọn: ghép thận, lọc thận hay lọc màng bụng. Do bảo hiểm y tế khi đó chưa chi trả cho việc ghép thận, điều kiện kinh tế không cho phép, Nghĩa cùng gia đình quyết định trước mắt sẽ duy trì sự sống cho anh bằng cách lọc thận.
Khoảng thời gian cứ ba ngày lại lọc thận một lần không chỉ tra tấn thể xác và tinh thần Nghĩa, mà còn khiến gia đình thuần nông trồng vải thiều Lục Ngạn của anh ngày một kiệt quệ.
Thu nhập cả gia đình khi đó chỉ khoảng 100 triệu đồng một năm, để nuôi một người chạy thận 3 lần một tuần và mất mỗi tháng thêm 4-5 triệu tiền thuốc bổ trợ quả là điều quá khó khăn. Cả gia đình phải vác trên vai một gánh nặng khổng lồ khi Nghĩa được chẩn đoán sẽ phải chạy thận đến hết đời.
"Đối với nhiều người, chạy thận chỉ là bước đường cùng, rồi cũng dẫn tới cái chết. Nhưng, mình không nghĩ như vậy, mình chỉ nghĩ đây là khó khăn lớn cần vượt qua", Nghĩa chia sẻ.
Anh tự nhủ buồn cũng không làm tình hình khá hơn, không thể giúp được gia đình, đây không phải là lúc để buồn rầu.
Bán mật ong, mì chũ kiếm tiền chạy thận
Cũng từ đây, Nghĩa quyết tâm phải kiếm được tiền để phụ giúp gia đình. Vốn có niềm đam mê kinh doanh, lại đúng vụ hoa vải, nhiều doanh nghiệp ong mật về Bắc Giang làm ăn, Nghĩa chạy vạy được số vốn nhập 500 lít mật ong về bán.
"Mình chiết mật sang chai 0,5 lít bỏ mối bán nhiều nơi, được nhiều người mua ủng hộ, trong đó có cả những người cũng đang chạy thận giống mình nên mình rất cảm kích", chàng trai trẻ cho hay.
Trần Văn Nghĩa thời còn đi buôn mì chũ. Ảnh: NVCC. |
Ngoài bán mật ong, Nghĩa còn mở thêm một quán trà chanh cùng em gái ở cổng Đại học Hàng hải. Bên cạnh đó, có người nhà làm mì chũ, Nghĩa cũng không ngại nhập bán dưới dạng ký gửi hàng quán.
Trong hơn một năm rưỡi, mỗi ngày công việc của Nghĩa khởi đầu với chạy thận buổi sáng, bán mật ong và mì chũ vào buổi chiều và bán trà chanh vào buổi tối. Sức khỏe rất yếu nhưng bệnh tật không thể giữ chân được niềm đam mê kinh doanh của anh.
Song mọi chuyện không hề suôn sẻ, do chưa từng kinh doanh nên 500 lít mật ong nhập về anh phải chật vật mới có thể bán hết.
Buôn mật ong không mang lại cho Nghĩa lợi nhuận, nhưng theo anh đây là bài học vỡ lòng về kinh doanh và giúp anh thoát được cảm giác mình đang là gánh nặng, đang "vô dụng".
Anh còn tìm hiểu thêm nhiều nghề như in áo, in cốc phù hợp với việc vừa chạy thận vừa làm. Sau khi tìm hiểu trên mạng, Nghĩa biết tin bảo hiểm đã chấp nhận chi trả cho ghép thận. Hy vọng thoát cảnh chạy thận suốt đời mở ra với chàng trai nghèo.
Bàn bạc cùng gia đình, cả nhà quyết định vay mượn thêm tiền để ghép thận cho Nghĩa. Người tình nguyện cho thận chính là bố anh. Hai bố con cùng lên Hà Nội làm khoảng gần 15 xét nghiệm, toàn bộ gia đình đều phải tự bỏ chi phí. Tất cả chỉ số đều rất tốt và phù hợp để ghép thận cho đến xét nghiệm cuối cùng, chỉ ra thận của bố Nghĩa có nang, không thể ghép được cho anh.
Không từ bỏ, mẹ Nghĩa thay bố anh hiến thận cho con. Tuy nhiên, có trở ngại là mẹ anh đang mang bầu bốn tháng, không thể làm phẫu thuật. Ca phẫu thuật của Nghĩa phải chờ thêm một năm rưỡi nữa mới có thể tiến hành. Trong thời gian đó, Nghĩa lại quay về với lịch sinh hoạt vừa chạy thận vừa kinh doanh.
Bén duyên bất động sản
Sau phẫu thuật, bố mẹ không muốn Nghĩa làm quá sức. Biết anh có nghề in áo và in cốc, bố mẹ muốn Nghĩa ở nhà mở cửa hàng cho phù hợp với sức khỏe. Tuy nhiên chàng trai sinh năm 1990 này không an phận với thu nhập đủ sống qua ngày, Nghĩa xin bố mẹ xuống Hà Nội lập nghiệp.
Bố mẹ anh chỉ còn khoảng 2 triệu đồng cho anh vay làm vốn cùng 100 kg mì chũ anh vay mang đi buôn. Nghĩa ra thủ đô lập nghiệp chỉ 4 tháng sau ca ghép thận.
Bán mì chũ ở Hà Nội, khách mua 3 kg anh cũng freeship (chuyển hàng miễn phí), cả tháng kiếm được trên dưới 3 triệu đồng, gia đình vẫn phải gửi tiền thuốc cho anh.
May mắn, anh gặp một cô bạn ở TP.HCM với đam mê kinh doanh bất động sản. Cô ra Hà Nội trò chuyện cùng anh, khuyên anh nên thử sức với nghề môi giới bất động sản. Anh cảm nhận được đây là việc mà mình có thể làm và làm tốt.
Anh xin vào làm ở một công ty môi giới mới thành lập chuyên về các dự án thuộc một đơn vị phát triển địa ốc lớn ở miền Bắc. Khi đó quản lý nghi ngờ vì Nghĩa không hề có ngoại hình, cũng không có kiến thức ngành và không có kinh nghiệm, lại mạnh dạn chia sẻ về mục tiêu sẽ kiếm 300 triệu đồng cho bản thân trong năm đó.
Căn hộ đầu tiên anh bán được chỉ trong vòng 7 ngày khiến anh cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Lần đầu anh tự kiếm khoản thu nhập 20 triệu đồng sau những ngày ròng ra bán mì chũ.
"Căn hộ đó có một người bạn bảo rằng bạn của chị ấy có nhu cầu mua nên mình rất mừng. Về sau mình mới biết chính người bạn của mình là người chốt mua nhà", chàng trai cho hay.
Đầu năm 2017, Nghĩa quyết định mở công ty môi giới BĐS riêng. Theo Nghĩa, cái tên công ty lấy cảm hứng từ cụm từ "gia đình ong" trong tiếng Đức, để nhắc anh về những ngày khởi nghiệp vừa chạy thận vừa bán mật ong. Ong là loài mà Nghĩa rất thích, chăm chỉ và cống hiến cho đời.