Triển lãm “Ảnh nude nghệ thuật” diễn ra trong một tuần ở Hà Nội. Không gian triển lãm đã đón lượng người xem kỷ lục. Triển lãm được đánh giá là có ý nghĩa lớn với thể loại nghệ thuật này, được xem là sự “cởi trói”, phá bỏ mọi rào cản về ảnh khỏa thân nghệ thuật.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh hồ hởi khi được trưng những đứa con tinh thần tâm huyết theo cách trang trọng nhất. Nhà quản lý văn hóa coi chương trình giúp thay đổi nhận thức công chúng, để người xem có thể biết “đó mới là nghệ thuật ảnh khỏa thân”, để phân biệt đâu là nghệ thuật, đâu là khiêu dâm gợi dục.
Tác phẩm Mộng của Ngô Xuân Phú. |
Sau triển lãm, 52 tác phẩm được mọi người chiêm ngưỡng tiếp tục có những đời sống mới khác nhau.
“Bê về, nhét gầm giường”
Khi được hỏi các tác phẩm sẽ được xử lý như thế nào sau triển lãm, nghệ sĩ nhiếp ảnh DzungArt Nguyễn cười nói: “Triển lãm xong gói ghém mang về nhét gầm giường”.
Theo DzungArt, với ảnh khỏa thân nghệ thuật, đối tượng mua chủ yếu để sử dụng trong những không gian chung. Nhà hàng, khách sạn nào thích thì cũng mua, nhưng cũng không nhiều.
“Sở hữu ảnh khỏa thân rất khó. Chẳng ông chồng nào muốn vác một bức tranh cởi truồng về nhà. Nên ảnh như thế này rất khó để mua, bán”, DzungArt nói.
Trước khi triển lãm này diễn ra, nghệ sĩ Dzung Art từng vài lần thực hiện những trưng bày nhỏ, ra mắt những bộ ảnh nude nghệ thuật tại quán cà phê hay studio.
Tại các cuộc đó, ảnh được in với khổ nhỏ, và cũng có người mua. “Khoảng 30 bức thì cũng bán được 10 bức, đủ tiền in ảnh. Chủ yếu mọi người mua ủng hộ mình, cái đẹp vừa đủ để trao ở nhà, còn trần truồng quá thì người ta cũng ngại”.
Khi thực hiện triển lãm “Ảnh nude nghệ thuật”, ban tổ chức có hỗ trợ nghệ sĩ một chút tiền, đủ chi phí in ảnh. Triển lãm này hay các cuộc trưng bày, dự án khác về ảnh khỏa thân nghệ thuật với DzungArt đều là để “vui thôi, chẳng kinh tế gì ở cái ảnh nude này cả”.
Tuy vậy, DzungArt vẫn “loay hoay” với thể loại này, bởi bản thân mình thích là đủ. Thấy đẹp thì in ra, bày cho mọi người yêu cái đẹp cùng xem.
Tác phẩm Ký ức của nghệ sĩ DzungArt. |
Nghệ sĩ cho biết ông vẽ tranh bán là nhiều, các bức ảnh chụp thiếu nữ mặc áo dài theo lối xưa cũ của ông được ưa chuộng và bán được. Còn ảnh nude thì ông không chuyên, thỉnh thoảng làm một bộ, và tuyệt nhiên không nghĩ tới tiền nong, kinh tế khi sáng tác với thể loại này.
Cùng chung ý kiến với DzungArt, nhiếp ảnh gia Thái Phiên cũng cho rằng các bức ảnh khỏa thân trong triển lãm rất táo bạo, không phải ai cũng dám mua về treo trong nhà, và không phải ai cũng hiểu hết vẻ đẹp, giá trị của chúng.
Với những người muốn sở hữu ảnh, Thái Phiên thường bán với giá mà anh cho là “bèo”, quá rẻ so với công sức bỏ ra chụp ảnh. Mức giá 10 triệu/bức là để ảnh khỏa thân nghệ thuật đến với nhiều người hơn.
Bán rẻ, nghệ sĩ vẫn vui
Nhiều bức ảnh khỏa thân nghệ thuật sau triển lãm đã theo chủ mới về với những không gian mới. Ngay cả khi được hỏi mua, các tác giả nhiếp ảnh cũng cho biết không quan trọng giá cả.
Nghệ sĩ Ngô Xuân Phú là tác giả của hai bức ảnh Ngẫm và Phận được người xem hỏi mua.
Người mua không phải bạn bè, người quen, mua theo kiểu ủng hộ tác giả. Họ tới xem triển lãm, thấy có email của Ngô Xuân Phú ở dưới ảnh nên liên hệ hỏi mua. Với quan điểm “giá cho nghệ thuật là vô biên”, nên tác giả ảnh không định giá bán. Ngô Xuân Phú đề nghị mức bán là 5 triệu đồng/ảnh, và người mua muốn trả 10 triệu đồng/bức.
Khi được hỏi vì sao định giá tác phẩm quá thấp, Ngô Xuân Phú đưa ra lý do: “Tôi bán ảnh 5 triệu đồng/bức vì quý người ta nên tôi bán giá đấy, nhưng họ lại trả tôi gấp đôi giá tiền. Tôi ghi nhận điều đó. Tôi vui mừng vì họ đã xem và bỏ tiền ra để mua nghệ thuật”.
Nghệ sĩ Đào Đức Hiếu có 5 bức ảnh được chọn vào trưng bày thì có 4 được khán giả hỏi mua. Anh bán với giá 10 triệu đồng/bức, và tiết lộ đó là mức giá chung.
Cũng giống Ngô Xuân Phú, Đào Đức Hiếu không quen biết với người mua, nhưng anh cho rằng phải là người yêu thích nghệ thuật thì mới mua những bức ảnh thể loại này.
Có ý kiến đánh giá một bức ảnh đã chụp, số hóa thì có thể in ra bao nhiêu phiên bản tùy thích, đó là còn chưa kể có thể lan truyền rộng rãi trên Internet, như vậy bán 10 triệu đồng/bức là vô lý. Đào Đức Hiếu phản bác quan điểm đó.
Anh cho biết chi phí cho một buổi chụp ảnh khoảng trên 20 triệu đồng. Trong đó bao gồm chi phí cho cả ê-kíp như trang điểm, phí vào địa điểm chụp (nhiều địa điểm lấy phí 5 triệu cho một buổi chụp), phí đi lại (nếu chụp ở đảo thì phải thuê tàu ra đảo, hay có khi phải bay sang Lào để có một bộ ảnh ưng ý chụp cùng voi).
“Tôi quan niệm ảnh của mình không lan truyền rộng, nên mỗi bức ảnh không in quá 5 lần. Như vậy, giá ảnh triển lãm 10 triệu/bức là mức quá rẻ, hữu nghị. Nguyên tiền in ảnh đã lên tới 2 triệu/bức, khung ảnh khoảng 1,6 triệu đồng nữa”, Đức Hiếu nói.
Tác phẩm Chôn giấu của nghệ sĩ Đào Đức Hiếu. |
Các nghệ sĩ nhiếp ảnh bán tác phẩm sau triển lãm với giá rẻ nhưng đều vui. Họ vui vì có người xem, hiểu giá trị những tác phẩm này và bỏ tiền ra mua. Tác giả ảnh trong triển lãm đều không sống bằng nghề chụp ảnh nude nghệ thuật.
Như Ngô Xuân Phú, sở dĩ anh định giá ảnh rất thấp, bởi: “Tôi không sống nghề bán ảnh. Tôi chụp ảnh quảng cáo. Ảnh khỏa thân cũng như ảnh đời thường, ảnh phong cảnh là đam mê, nên tôi vẫn sáng tạo chúng”.
Tương tự, Đào Đức Hiếu cũng có nguồn thu từ việc chụp ảnh quảng cáo. Anh tiết lộ, khi chụp một bức ảnh khổ 30x30 m cho các tập đoàn lớn, sau đó họ dùng bức ảnh này để làm thiết kế, quảng cáo, thì giá cho một bức ảnh như vậy là 80 triệu.
Đức Hiếu cũng có nguồn thu từ ảnh khỏa thân nghệ thuật, nhưng không phải theo cách chụp, in ra rồi bán. Anh hay chụp ảnh nude theo đơn đặt hàng của các spa, khách sạn.
Những tác phẩm như vậy đều được đặt mua từ trước. Có khi, bản thân người mẫu cũng đặt hàng Đức Hiếu chụp. Ở trường hợp này, cả người mẫu và nghệ sĩ cùng nhau sáng tạo, nên cùng giữ bản quyền, và cùng nhau khai thác tác phẩm.