Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chân dung Phạm Trung Cang, cựu Chủ tịch Nhựa Tân Đại Hưng

Là người kín tiếng, không có phát ngôn gây "sốc", Chủ tịch mới từ nhiệm của Công ty Nhựa Tân Đại Hưng - ông Phạm Trung Cang có thời gian dài gắn bó với ngành nhựa và ngân hàng.

Chân dung Phạm Trung Cang, cựu Chủ tịch Nhựa Tân Đại Hưng

Là người kín tiếng, không có phát ngôn gây "sốc", Chủ tịch mới từ nhiệm của Công ty Nhựa Tân Đại Hưng - ông Phạm Trung Cang có thời gian dài gắn bó với ngành nhựa và ngân hàng.

Phạm Trung Cang là một trong những thành viên đầu tiên cùng với Trần Mộng Hùng, Nguyễn Đức Kiên thành lập Ngân hàng Á Châu (ACB). Không giống như bầu Kiên thường xuyên xuất hiện trên truyền thông với những phát ngôn “sốc”, 2 thành viên còn lại, trong đó có Phạm Trung Cang khá kín tiếng.

Cựu Tổng giám đốc mới bị bắt của ACB là Lý Xuân Hải, khi trả lời phỏng vấn trong Giai phẩm Xuân Kỷ Sửu 2009 của ACB, đã nói rằng, đã từng ngồi với Phạm Trung Cang để đặt câu hỏi, tại sao sau chưa đầy 10 năm ACB lại lớn lên vượt qua rất nhiều ngân hàng đàn anh khác. Câu trả lời của Phạm Trung Cang là: “Có lẽ điểm quan trọng nhất là những cổ đông sáng lập cam kết sẽ luôn sòng phẳng với nhau, không phân biệt cổ đông lớn cổ đông nhỏ. Tụi tôi đều là dân làm ăn thành đạt, không ai gạt được đâu”.

Trong đánh giá của cựu CEO Lý Xuân Hải, 3 thành viên sáng lập ngân hàng là Trần Mộng Hùng, Nguyễn Đức Kiên, Phạm Trung Cang đều là “những con người có cá tính. Họ là xương sống tạo nên sự thành công của ngân hàng, họ giúp cho ACB không 'dính' một sự cố nào kể từ khi thành lập, họ là người tạo nên văn hóa và cá tính của ACB”.

 

 Phó Chủ tịch HĐQT vừa từ nhiệm của Eximbank Phạm Trung Cang và lá đơn viết tay.

Nhưng thực tế, đến thời điểm này, đã có 2 trên 3 thành viên phải “dừng cuộc chơi”: Nguyễn Đức Kiên vướng vòng lao lý, Phạm Trung Cang từ nhiệm Chủ tịch HĐQT Eximbank. Còn người phát ngôn là Lý Xuân Hải, cũng bị bắt vì các sai phạm liên quan tới thời gian còn đương nhiệm tại nhà băng này.

Làm việc tại ACB trong HĐQT từ những năm 1993, nhưng trước đó Phạm Trung Cang đã khởi nghiệp với bao nhựa đen tái sinh tại TP.HCM từ những năm đầu thập niên 1980, dù không phải thuộc nhóm người Hoa ở Chợ Lớn (những người có thế mạnh trong nghề này). Khi làm trong HĐQT ACB, Phạm Trung Cang vẫn là Chủ tịch HĐQT của Công ty Bao bì nhựa Tân Đại Hưng. Thậm chí, nhiều người nói, làm ngân hàng, với Phạm Trung Cang, chỉ là “nghề phụ”, bao bì nhựa mới là nghề chính.

Tháng 4 vừa rồi, Công ty Tân Đại Hưng (TPC) tổ chức đại hội cổ đông, bầu ra 3 thành viên HĐQT. Ông Cang được bầu là chủ tịch, nhiệm kỳ 2012-2016. Tại TPC, Chủ tịch nắm giữ tỷ lệ 15,15% cổ phần, tương đương hơn 3,2 triệu cổ phiếu, tính đến ngày 16/5. Còn tại Eximbank, tính đến 5/6, trong vai trò Phó chủ tịch HĐQT, ông Cang nắm giữ hơn 1,46 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 0,12%. Ngoài có vai trò trong Eximbank, ACB và TPC, ông này còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Chợ Lớn.

Những năm cuối thập niên 80, ở tuổi 25, với tấm bằng cao đẳng kinh tế, Phạm Trung Cang đã từng làm thư ký cho Phó chủ tịch UBND quận 3, TP.HCM. Đây cũng là một trong những người không “dựa hơi” vào lý lịch tốt để làm thông thoáng quan lộ, dù những năm 79-80, chỉ cần có lý lịch tốt là có thể an tâm dốc sức để thăng quan tiến chức.

Phạm Trung Cang thời đó từng phải cải thiện thu nhập bằng cách nhận gia công hấp vỏ xe đạp. Sau đó, chính ông cũng bỏ công việc của một thư ký văn phòng để học nghề làm vỏ xe và mở cơ sở sản xuất vỏ xe đạp của riêng mình. Thành công, rồi thất bại vì mua phải cao su chất lượng kém, Phạm Trung Cang mất toàn bộ gia tài là 100 lượng vàng và thương hiệu vỏ xe “Cao su Việt Nam”.

Cơ duyên này dẫn ông khởi nghiệp lần hai với sản phẩm bao nhựa tái sinh. Thay vì chỉ đứng phân phối, Phạm Trung Cang chọn hướng bán hàng giao tận cửa cho các công ty sản xuất hóa chất. Đang thuận lợi thì năm 1984, hỏa hoạn đã thiêu rụi cơ ngơi, chỉ còn trơ vài sườn máy. Đối tác chia tay, nhà nước thu mặt bằng sản xuất. Khi đó, Cang 30 tuổi. Sau đó 2 năm, ông lại vực được công ty đi lên. Đến những năm giữa thập niên 1990, khi thương hiệu đã vững vàng, Phạm Trung Cang giao hẳn cơ nghiệp cho em trai và đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc tại Ngân hàng Á Châu.

Thời kỳ ông Cang làm Tổng giám đốc, từ 1999 đến 2001, ACB có một số sự kiện đáng chú ý như khai trương Trung tâm giao dịch địa ốc ACB Sài Gòn, được tạp chí Global Finance bình chọn là ngân hàng tốt nhất VN, thành lập Công ty chứng khoán ACBS, vận hành hệ quản trị nghiệp vụ ngân hàng đầu tiên.

Tiết lộ một phần nguyên nhân ông Cang từ nhiệm Phó chủ tịch HĐQT Eximbank hôm 19/9, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Eximbank cho biết, có liên quan tới sự việc thời còn làm Phó chủ tịch HĐQT ACB.

Ông Phạm Trung Cang thôi làm Chủ tịch nhựa Tân Đại Hưng

Chiều muộn 19/9, Công ty cổ phần nhựa Tân Đại Hưng (TPC) cũng phát đi thông báo về việc từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của ông Phạm Trung Cang. Theo đó, từ 15h đến 17h30, công ty này đã phải họp HĐQT bất thường. Ông Cang thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT vì lý do cá nhân.

Chủ tịch HĐQT mới của Tân Đại Hưng là ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch là bà Tôn Thị Hồng Minh. Ông Hùng trước đó là Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc. TPC cũng cho biết, tân Chủ tịch Nguyễn Văn Hùng không chịu trách nhiệm về các chủ trương và quá trình hoạt động của TPC từ trước ngày 19/9/2012.

Lan Anh

Theo Infonet

Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm