Phía đầu kinh Lớn (đường Nguyễn Huệ ngày nay), có một ngôi nhà lớn xây bằng gạch của ông Vương Thái (Wang Tai). Đây là ngôi nhà gạch có lầu lớn nhất được xây đầu tiên ở Sài Gòn.
Theo mô tả của ông Anatole Petiton trong cuốn La Cochinchine francais: la vie à Saigon, notes de voyage xuất bản năm 1883 thì “Khi đi tàu đến cảng Sài Gòn, du khách có thể thấy hai nhà nổi bật là nhà Rồng (messageries maritime) và nhà của ông Vương Thái.
Tất cả Sài Gòn khi đó đều biết ông Vương Thái. Nhà của ông rất lớn với cột cửa vòng cong và mái hiên, có thể nói nhà của ông được coi như là trung tâm Sài Gòn.
Nhà của đại gia Vương Thái cuối thế kỷ 19. |
Theo Nguyễn Đức Hiệp viết trong Sài Gòn Chợ Lớn Ký ức đô thị và con người, nhà có ba tầng với sân mái hiên. Đây cũng là Tòa đô chính thành phố Sài Gòn...
Năm 1880, Vương Thái muốn bán ngôi nhà cho chính quyền Pháp với giá 45.000 đồng Đông Dương tương đương 225.000 quan Pháp. Hội đồng quản hạt đã bàn thảo khá lâu trước khi quyết định mua vào năm 1883. Năm 1887, kiến trúc sư Foulhoux bắt tay vào sửa chữa ngôi nhà này với ngân sách 37.000 đồng Đông Dương.
Sau đó chính quyền Pháp dùng ngôi nhà làm tòa thị chính đầu tiên của Sài Gòn. Đúng ra, nhà nằm trên bờ rạch Cầu Sấu (nay là đường Hàm Nghi) nhưng vì quá lớn nên bóng của nhà che khuất một đầu kinh Lớn.
Tòa nhà Vương Thái trong quá trình xây dựng. Ảnh của John Thomson, 1867.
|
Vương Thái còn có tên là Trương Bội Lâm, Trương Á Lâm, nguyên bang trưởng bang Quảng Đông, là đại gia về mua bán gạo, xây dựng, nhà đất, sản xuất gạch ngói có nhiều cơ sở ở Sài Gòn, Chợ Lớn và khu vực Lò Gốm. Ngoài ra, ông còn có các cơ sở ở Nam Vang (Phnom Penh).
Năm 2004, khi viết bài về nhà thờ Đức Bà, tác giả bài viết này đã lên trên la phông nhà thờ và thấy những miếng ngói có in chữ Wangtai (Vương Thái) chưa dùng.
Đến Sài Gòn năm 1858, Vương Thái đã nhanh chóng mua nhà đất và xây dựng các cơ sở khác như ngôi nhà nay là Trung tâm chứng khoán thành phố. Song có phải Vương Thái giàu là nhờ sản xuất gạch ngói hay buôn bán nhà đất?
Tòa nhà nay là Cục Hải quan TP.HCM. Ảnh: Lee Starnes
|
Theo vài tài liệu ít ỏi, thì Vương Thái sinh năm 1827, là người Quảng Đông sinh sống, làm ăn ở Hồng Kông. Việc giàu có của ông ta chính là nhờ buôn bán á phiện, một mặt hàng mà ngay sau khi chiếm Sài Gòn, người Pháp cũng nhanh chóng đánh thuế và thu được những món lợi to lớn.
Nhà Vương Thái sau đó còn là nơi họp hành của Hội đồng quản hạt Nam Kỳ (một tổ chức tương tự như quốc hội hay hội đồng nhân dân) từ lúc thành lập năm 1880 cho đến khi chuyển sang Tòa đô chính xây dựng xong năm 1910.
Sau đó, tòa nhà này được giao cho cơ quan thuế vụ và cũng là cơ quan nắm trong tay việc buôn bán á phiện của cả Nam Kỳ.
Sau năm 1975, tòa nhà trở thành trụ sở Cục Hải quan TP.HCM tới nay. Dù hơn 150 năm xây dựng nhưng tòa nhà vẫn còn đứng vững nhìn ra cảng Sài Gòn như thuở nào.