Chân dung người nắm giữ vận mệnh của Apple
Sau khi Scott Forstall ra đi, Jonathan Ive được giao quyền nắm giữ cả phần “xác” lẫn phần “hồn” của những chiếc iPhone, iPad.
Tháng 9/1997, một nhà thiết kế 30 tuổi tài năng đã có ý định rời bỏ “con tàu đắm” Apple. 15 năm sau, ông trở thành một trong những nhân vật không thể thay thế tại công ty giá trị lớn nhất hành tinh.
Cũng tại thời điểm đó, Apple đang đứng trên bờ vực phá sản. Hãng chỉ tập trung thu về lợi nhuận tối đa, thay vì sáng tạo ra những sản phẩm tuyệt vời. Sau khi Steve Jobs trở lại, ông đã ngay lập tức thay đổi thứ văn hóa đó tại Apple. Ông phát biểu trước toàn bộ nhân viên của “táo khuyết”, cho biết công ty sẽ tập trung tạo ra những sản phẩm đột phá, thay vì chú trọng vào doanh thu.
Nhà thiết kế 30 tuổi đó, sau khi nghe những lời phát biểu của Steve Jobs đã từ bỏ ý định rời công ty - Walter Isaacson viết trong cuốn sách về tiểu sử của Steve Jobs. Tên của nhà thiết kế là Jonathan Ive, mọi người gọi ông là Jony.
Jony Ive. |
Quyết định của Ive sau đó đã biến Apple thành công ty lớn nhất thế giới nhờ các sản phẩm do ông tạo ra như iPod, iPhone hay iPad. Bản thân ông cũng được công nhận là một trong những nhà thiết kế tài năng nhất thế giới và được đích thân Nữ hoàng Anh phong tước hiệu Hiệp sĩ.
Mới đây, sau sự ra đi của Phó chủ tịch phụ trách phần mềm iOS Scott Forstall, Jony Ive được giao thêm một nhiệm vụ mới: phụ trách thiết kế phần mềm cho iOS, thứ mà Apple gọi là “giao diện người dùng”. Điều đó đồng nghĩa với việc, ông là người chịu trách nhiệm chính, thiết kế cả phần cứng và phàn mềm cho iPhone, iPad, cũng là các sản phẩm mang về 90% doanh thu cho Apple.
Nếu như tại Apple, CEO Tim Cook là người có quyền lực nhất, thì Ive mới chính là người quan trọng nhất. Chân dung các sản phẩm di động tiếp theo của Apple sẽ phụ thuộc vào ông. Trước khi qua đời, cố CEO Steve Jobs cũng từng tiết lộ: “Nếu như tôi có một người bạn tinh thần tại Apple thì đó chính là Jony”.
“Jony có một vai trò đặc biệt”, bà Laurene Powell, vợ của cố CEO Steve Jobs cho biết. “Hầu hết mọi người quanh Steve Jobs đều có thể thay thế ngoại trừ Jony”. Trên thực tế, tại thời điểm mới quay trở lại Apple năm 2007, Jobs đã muốn tìm một người bên ngoài Apple để đảm nhiệm công việc thiết kế. Tuy nhiên, Jobs đã thay đổi ý định sau khi tiếp xúc với người đàn ông có cái đầu trọc và đôi mắt rất sáng này.
Tim Cook (ngoài cùng bên trái), Jony Ive và các thành viên trong đội thiết kế tại sự kiện giới thiệu iPhone 5. |
Vai trò không thể thay thế của Ive cũng được xem là nguyên nhân chính khiến Scott Forstall, người được xem là “cha đẻ” của iOS phải “bật bãi” khỏi Apple. Những báo cáo trước đó cho biết, bộ đôi này đã có những mâu thuẫn không thể dung hòa.
Sự khác biệt giữa hai nhân vật này thể hiện ở chỗ, Forstall là một người giàu tham vọng. Ông muốn trở thành CEO của Apple, là người cạnh tranh trực tiếp với Tim Cook sau khi Steve Jobs qua đời. Trong khi đó, Jony không muốn trở thành lãnh đạo, ông chỉ muốn thiết kế, muốn làm việc với các bản mẫu, sản phẩm.
Ở thời điểm hiện tại, Ive đã đạt được nguyện vọng của mình. Không chỉ dừng ở thiết kế phần cứng, Ive còn hoàn thiện giao diện người dùng để tạo ra những sản phẩm hoàn thiện. Tại Apple từ trước đến nay, chỉ có một người từng đảm nhiệm cả 2 công việc trên, đó chính là Steve Jobs.
Thành Duy
Theo Infonet