Mái ấm Thiện Duyên má Mười |
Má Mười, tên thật là Trần Thị Cẩm Giang, năm nay 80 tuổi, chủ của mái ấm Thiện Duyên ở xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM. Được thành lập từ năm 1988, suốt 30 năm qua, nơi đây đã chăm sóc cho hơn 100 mảnh đời bất hạnh. Đó là những trẻ em bại não, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, người già neo đơn.
Suốt 30 năm, má Mười cưu mang rất nhiều số phận kém may mắn. Ảnh: Tùng Tin. |
Làm việc thiện để trả ân tình
Tham gia cách mạng từ khi 14 tuổi, má Mười từng 5 lần ở tù, bị giam cầm và đày đọa. Trở về, má lập gia đình và sinh được 2 người con gái.
Nói về lý do nhận nuôi nhiều người kèm may mắn, má từ tốn kể: “Ở mảnh đất Củ Chi bom đạn, gia đình má đã từng được nhiều người giúp đỡ, cho cơm ăn, áo mặc. Sau ngày 30/4, nhiều gia đình từng giúp mình lâm vào cảnh khó khăn, con họ bị bệnh tật không có tiền chữa trị, nên má nhận nuôi”.
Ban đầu, má chỉ nuôi vài 3 người con của ân nhân, về sau, những người khốn khổ khác lâm vào hoàn cảnh tương tự lại mang con đến xin má nuôi dùm. Mệt mỏi đó nhưng rồi cũng không đành lòng.
Dần dần, từ 3-5 đứa trẻ ban đầu, số lượng tăng đến 10, 20 rồi 100, 200. Khi được hỏi về việc 2 người con ruột có phản đối việc làm của mình không, má bảo: “tụi nó thương má nên hiểu, không ai phản đối gì. Giờ thi thoảng cũng giúp má việc này việc nọ, nhận lương cũng cho má mấy trăm hoặc vài ba bao gạo”.
"Chưa kể con gái lớn của má là bác sĩ nên cũng về nhà phụ má khám, phát thuốc cho các bé ở phòng bại não, người già bệnh tật", má Mười nói thêm.
Nhờ tình thương của má Mười và các con ủng hộ, những đứa trẻ kém may mắn có được cơm ăn, áo mặc và học hành. Ảnh: Tùng Tin. |
Bán nhà lấy tiền nuôi người dưng
Được nhà nước cấp cho ngôi nhà ở quận Tân Bình, má quyết định bán lấy tiền để chăm lo cho mái ấm. Cũng nhờ nhà có nhiều đất ông bà để lại, má đã chia ra 3 cơ sở, nơi nuôi heo, nơi trồng rau, nơi nuôi chim. Tất cả nhằm mục đích kiếm tiền để nuôi những thân phận kém may mắn.
Mấy năm gần đây, khi các cơ sở không còn là nơi nuôi trồng, má vẫn không ngưng nghỉ việc tìm cách kiếm tiền. Mỗi sáng, má nấu nồi hủ tiếu để bán thêm, rồi nhận cả vé số, bánh tráng để bán. Các em ở mái ấm còn đính cả những hạt cườm vào móc khóa, bình hoa và bán cho khách. Mỗi việc mang lại chút lời để thêm vào cho má trang trải sinh hoạt phí của hơn 100 con người.
Tuổi cao, sức khỏe yếu, một mình má lo không xuể, thế là phải tìm thêm người để phụ giúp việc. Có người má trả tiền nhưng không đáng kể, có người tình nguyện ở lại giúp má. Như dì Bảy - phụ bếp, mỗi ngày đều đến đây nấu nướng, dọn dẹp, đến chiều thì về nhà.
Dì Bảy đang cùng một em trong mái ấm mua thức ăn về chuẩn bị nấu. Ảnh: Tùng Tin. |
30 năm chưa một phút thảnh thơi
Cách đây vài tháng, trong lúc dậy sớm vào thăm các em phòng bại não, má không may bị trượt chân té giữa nền, chân bị gãy phải bó bột. Đến giờ, má vẫn chưa có thể đi lại bình thường như trước nhưng mọi việc lớn nhỏ tại mái ấm đều do một mình má chu toàn.
30 năm qua, có những người trưởng thành đã xin được việc làm, người thì lập gia đình, nhưng cũng có những người bệnh tật, già yếu mà chết. Một tay má Mười lo chu đáo từ nhà ở cho những người lấy vợ lấy chồng hay lo hậu sự cho những người mất.
Riêng bản thân mình, má cười hiền rồi bảo: “đến ngày má chết đừng ai đem bông đem hoa gì, đem vài ba bao gạo đến cho tụi nhỏ ăn là má cám ơn nhiều lắm”.
“Đến ngày má mất, đừng ai đem bông đem hoa gì, đem vài ba bao gạo đến cho tụi nhỏ ăn là má cám ơn nhiều lắm”
Những ngày cận Tết, lũ trẻ cũng ao ước được có quần áo mới như chúng bạn, thế là má chắt chiu để sắm cho tụi nhỏ.
Năm nay, má mua cho mỗi đứa một bộ áo dài cách tân, sáng mùng 1 sẽ mặc chụp ảnh chung cả đại gia đình. Đêm giao thừa, má cùng các cô phụ việc gói bánh tét, bánh ít, rồi cùng hơn 100 người đón một cái Tết sum vầy bên nhau.
Cuộc sống còn nhiều lắm những số phận kém may mắn nhưng hãy tin rằng lòng tốt, sự tử tế vẫn luôn hiện hữu, như việc má Mười đã và đang làm.