Nhức nhối công ty ma mua bán hoá đơn
Mới đây, liên tiếp hai vụ án lớn mua bán hoá đơn thuế giá trị gia tăng có tổng doanh thu trên 800 tỷ đồng đã bị cơ quan công an phanh phui trước công luận.
Vụ thứ nhất xảy ra tại chi nhánh Công ty CP XNK mỏ Việt Bắc (Vinacomin), đó là Trung tâm xuất nhâp khẩu và hợp tác đầu tư - VVMI, trụ sở tại Hà Nội. Các cán bộ công ty này đã mua khống tới 359 hoá đơn "ma" để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và hạch toán kinh doanh đầu vào từ 8 công ty đã bỏ địa chỉ kinh doanh. Doanh số hoá đơn là trên 100 tỷ đồng và số thuế giá trị gia tăng là 10 tỷ đồng.
Vụ thứ hai liên quan tới 9 doanh nghiệp trên địa bàn các quận Ngô Quyền, Hải An, Kiến Thuỵ ở TP Hải Phòng. Các công ty này đã sử dụng 992 hoá đơn khống, doanh số tới trên 721 tỷ đồng, số thuế giá trị gia tăng bị gian lận là 72 tỷ đồng. Trong đó, có 2 công ty còn chưa hoạt động và chưa kê khai thuế. Đây là đường dây cho Trần Văn Huyến chủ mưu thành lập và mua lại hoá đơn ở 9 công ty để sử dụng bất hợp pháp trên địa bàn.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Ánh, Vụ trưởng Vụ Thanh tra Thuế, Tổng cục Thuế, cho biết, cả 2 vụ án này đều bắt nguồn từ những nghi vấn của cơ quan thuế phát hiện trong quá trình thanh kiểm tra và chuyển hồ sơ cho cơ quan công an xử lý.
Liên tiếp phát hiện hai vụ án lớn mua bán hoá đơn thuế. |
Như ở vụ án tại Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, theo báo cáo của Cục thuế TP Hà Nội, trong hơn 4 năm (từ 2010 đến 5 tháng đầu năm 2014), có 4 công ty đăng ký mã số thuế ở quận Thanh Xuân và quận Hà Đông hầu như chỉ viết hoá đơn cho chi nhánh tổng công ty này. Các công ty cũng chỉ hoạt động 2-3 năm rồi đóng cửa. Bản sao kê các giao dịch từ 5 ngân hàng còn cho thấy, các khoản tiền lớn do chi nhánh công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc chuyển vào tài khoản 4 công ty trong các năm 2010-2012 đều được rút ra tiền mặt ngay sau đó.
Trước những dấu hiệu bất thường đó, Cục thuế TP. Hà Nội đã chuyển hồ sơ sang PC46 Công an TP Hà Nội xác minh. Từ đó, PC46 đã triệt phá thành công đường dây thành lập công ty ma, buôn bán hoá đơn nhằm chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Hai đối tượng đã bị khởi tố bắt tạm giam, trong đó có một nhân viên kinh doanh của công ty Việt Bắc hôm 16/5 vừa qua.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Ánh giãi bày, số các vụ việc vi phạm về thuế điều tra thành công như trên vẫn còn rất ít. Có những vụ việc gian lận có dấu hiệu vi phạm hình sự, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra nhưng 10 năm rồi, vẫn chưa ra được kết luận.
Cần lập bộ phận điều tra tại cơ quan thuế
Theo các chuyên gia ngành thuế, tình trạng các vi phạm về thuế, đặc biệt là mua bán hoá đơn, gia tăng chóng mặt cũng chính là mặt trái của thời kỳ cải cách môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn.
Ông Ánh cho rằng, hiện cơ chế thành lập công ty rất đơn giản. Trước đây, khi mở công ty, Nhà nước yêu cầu phải ký quỹ vốn điều lệ để đảm bảo năng lực tài chính thì giờ đã dỡ bỏ. Hoá đơn trước đây phải mua ở cơ quan thuế thì nay, doanh nghiệp được quyền tự in. Thậm chí, trong xuất khẩu, doanh nghiệp còn được hoàn thuế trước, kiểm tra sau.
Tình trạng các vi phạm về thuế, đặc biệt là mua bán hoá đơn, gia tăng chóng mặt cũng chính là mặt trái của thời kỳ cải cách môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn. |
Lợi dụng cơ chế thông thoáng đó, nhiều đối tượng đã lập công ty ma, mua bán hoá đơn lòng vòng để chiếm đoạn tiền Nhà nước. Thời gian qua, tình trạng này xảy ra nhiều ở địa bàn khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Đồng Nai, An Giang, Tây Ninh, TP HCM.
Thống kê của Bộ Tài chính cho biết, năm 2010, số các vụ vi phạm thuế đã tăng 52,6% so với năm 2006. Trong đó, các vụ vi phạm thuế có dấu hiệu tội phạm, phải truy cứu trách nhiệm hình sự đã gấp gần 9 lần so với năm 2006. Năm 2013, số vi phạm về thuế không thuyên giảm so với con số năm 2010 và số các vụ có dấu hiệu tội phạm tăng 12 lần.
"Tuy nhiên, theo thẩm quyền hiện nay, có nhìn thấy rõ ràng các vi phạm, gian lận, trốn thuế nhưng cơ quan thuế cũng không làm gì được, chỉ có thể ra thông báo và chuyển cơ quan công an điều tra", ông Ánh cho hay.
Trong khi đó, kết quả xử lý các vụ án thuế còn rất hạn chế. Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2004-2013, cơ quan thuế đã chuyển cơ quan công án 1.623 vụ vi phạm thuế có dấu hiệu tội phạm nhưng chỉ có 323 vụ được điều tra, xét xử, đạt xấp xỉ 20%. Còn lại, 586 vụ bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ và 709 vụ tồn đọng chờ giải quyết. Nhiều vụ việc bị trả lại cơ quan thuế, chỉ xử lý mức vi phạm hành chính.
Ông Ánh cho biết, theo quy trình hiện nay, thời gian điều tra khởi tố vụ án thuế rất lâu. Cơ quan công an phải làm việc nhiều lần với thanh tra thuế để nắm lại tình hình, cách thức phát hiện dấu hiệu tội phạm, sau đó mới thành lập chuyên án. Thông thường, sẽ phải mất 3-6 tháng, thậm chí 1-2 năm để cơ quan công an thu thập chứng cứ, khẳng định là tội phạm về thuế và tiến hành khởi tố.
Để khắc phục tình trạng này, ông Ánh cho hay, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cần giao thêm chức năng điều tra cho cơ quan thuế.
Với các hoạt động điều tra ban đầu, cơ quan thuế có nhiều điều kiện thuận lợi để nhanh chóng chứng minh tội phạm, chuyển cơ quan công an rút ngắn thời gian điều tra. Từ đó, số vụ án thuế được xử lý sẽ tăng lên, giảm thiểu tồn đọng và ngăn chặn kịp thời các vi phạm thuế.
Hiện nay, 80 quốc gia trên thế giới đều đã có bộ phận điều tra thuế. Lân cận Việt Nam có Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore. Nhiều nước còn có cảnh sát thuế, hiệu quả quản lý thu thuế được nâng cao.