Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Chậm trễ xét nghiệm 1 tháng khiến nước Mỹ chôn chân chịu dịch

Các cơ quan y tế hàng đầu và nhóm ứng phó virus corona của chính phủ Mỹ chậm trễ tiến hành xét nghiệm trên diện rộng khiến nước này bỏ lỡ cơ hội vàng để chặn đứng đại dịch.

Phản ứng của Mỹ trong gần hai tháng trước khi dịch bùng phát diễn ra loay hoay và trì hoãn. Không kịp xét nghiệm diện rộng, nước Mỹ đang trong cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất lịch sử.

Những ngày đầu bùng phát dịch, nhóm quan chức chính phủ liên bang chịu trách nhiệm bảo vệ Mỹ trước chủng virus corona mới đã họp hàng ngày tại Phòng Tình huống trong Nhà Trắng, chìm trong những khủng hoảng liên tiếp lộ diện.

Họ loay hoay với kế hoạch sơ tán lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán, cấm người từng đến Trung Quốc nhập cảnh, và sơ tán công dân Mỹ khỏi Diamond Princess cùng một số du thuyền khác.

Nhóm chuyên trách ứng phó virus corona thường chỉ dành 5-10 phút, chủ yếu vào cuối các buổi họp, để thảo luận về xét nghiệm, theo tiết lộ của một số thành viên từng tham dự.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thời điểm đó phát triển mô hình chẩn đoán riêng và sẽ sớm triển khai trong bước đầu chống dịch, hay ít nhất đó là những gì mà lãnh đạo cơ quan này hứa hẹn với các thành viên còn lại trong nhóm.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh từ Trung Quốc đã lan đến Mỹ, lây nhiễm nhanh chóng khắp đất nước từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3, xét nghiệm trên diện rộng để phát hiện người nhiễm vẫn không diễn ra.

Đó là hệ quả của những sai sót kỹ thuật, rào cản hành chính "bình chân như vại" và thiếu sự lãnh đạo ở nhiều cấp độ, theo tiết lộ của nhiều quan chức y tế, giới chức chính phủ, các nhà khoa học và lãnh đạo doanh nghiệp với New York Times.

Quốc gia giàu có nhất thế giới, có trong tay những nhà khoa học và chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu, đã bỏ phí gần 1 tháng chuẩn bị và tự phá hỏng cơ hội tốt nhất để khống chế đà lây lan của virus. Thay vào đó, dân Mỹ phần lớn mù mờ trước quy mô thảm họa y tế công cộng đang ập đến.

Theo cựu giám đốc CDC Thomas Frieden, việc không xét nghiệm quyết liệt cho đến khi mọi chuyện đã quá muộn cho thấy những thất bại diễn ra ở nhiều bộ phận chính phủ.

Jennifer Nuzzo, chuyên gia dịch tễ học tại Johns Hopkins, đánh giá chính phủ Tổng thống Donald Trump đánh giá sai về tác động của dịch. Trong khi đó, cựu lãnh đạo Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Margaret Hamburg nhận định giai đoạn bị động đã dẫn đến "tăng trưởng lũy thừa số ca nhiễm" tại Mỹ.

Một tuần sau khi bang Washington ghi nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên trên đất Mỹ ngày 21/1, tờ Wall Street Journal đăng tải bình luận của hai cựu quan chức y tế hàng đầu chính phủ Trump kêu gọi lập tức hành động để chặn đứng dịch bệnh bùng phát.

Luciana Borio, cựu giám đốc mảng chính sách y tế và phòng thủ sinh học tại Hội đồng An ninh Quốc gia, và Scott Gottlieb, cựu lãnh đạo Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), vạch ra những bước đi gấp rút để nước Mỹ tránh được thảm họa y tế. Ưu tiên hàng đầu là chính phủ liên bang phải làm việc với khu vực tư nhân và phát triển “bộ xét nghiệm chẩn đoán nhanh, dễ sử dụng”. Đó cũng chính là những gì Hàn Quốc đã làm trong 2 tuần đầu tiên sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, chỉ một ngày trước khi bang Washington đưa ra thông báo lịch sử.

Mãi đến ngày 29/2, hơn 1 tháng sau lời kêu gọi của Borio và Gottlieb và gần 6 tuần sau khi ca nhiễm đầu tiên tại Mỹ được phát hiện, chính phủ của Tổng thống Trump mới hiện thực hóa điều này. Bệnh viện và phòng thí nghiệm trên khắp cả nước cuối cùng cũng được phép tự tiến hành xét nghiệm Covid-19 để đẩy nhanh tốc độ phát hiện người nhiễm.

Ngày 26/3, Mỹ vượt mốc 82.000 ca nhiễm virus corona trên toàn quốc và trở thành nước có số bệnh nhân Covid-19 cao nhất thế giới. Chỉ 3 ngày sau, con số này tại Mỹ vượt mốc 121.000 tường hợp với hơn 2.000 ca tử vong.

Hơn 1/4 bệnh nhân được phát hiện ở thành phố New York, nay đã trở thành một tâm điểm mới của đại dịch toàn cầu. Đường cong phát triển của dịch bệnh tại Mỹ tiếp tục tăng độ dốc, với số ca nhiễm/ngày càng lúc càng lớn, tiến gần đến nguy cơ vượt quá sức chịu đựng của hệ thống y tế quốc gia.

“Cách Mỹ ứng phó sẽ được nhiều thế hệ sau xem là ví dụ kinh điển của thất bại thảm họa. Những gì đã diễn ra tại Washington rõ ràng là thất bại gần như toàn diện”, Ron Klain, cựu điều phối viên ứng phó virus Ebola năm 2014, dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, nhận định.

Khi giới chức liên bang chịu thông báo điều chỉnh xét nghiệm quy mô lớn, mọi thứ đã quá muộn. Biện pháp khống chế không còn ý nghĩa. Những công cụ ứng phó còn lại trong tay chính phủ là phong tỏa, can thiệp xã hội và điều trị quyết liệt với hy vọng hạn chế hậu quả từ dịch bệnh.

Trong một phiên điều trần với Hạ viện, bác sĩ Anthony Fauci, nhà khoa học hàng đầu chính phủ trong cuộc chiến với virus, thừa nhận việc không thúc đẩy xét nghiệm sớm là nhược điểm trong ứng phó đại dịch chết người.

Theo các nguồn thạo tin thiết lộ, có 3 cơ quan trong chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm phát hiện và ứng phó những mối đe dọa như Covid-19 nhưng không thể đón đầu đại dịch. Dù giới khoa học sớm theo sát tình hình Trung Quốc và gióng chuông báo động, không ai trong số ba lãnh đạo cơ quan này khẩn trương huy động toàn lực bảo vệ tối đa cho người dân Mỹ.

Giám đốc CDC Robert Redfield, 68 tuổi, cựu bác sĩ quân y và nhà nghiên cứu kỳ cựu về đại dịch AIDS, tin tưởng các nhà khoa học của ông có thể phát triển xét nghiệm virus corona chính xác nhất thế giới và chia sẻ mô hình chẩn đoán này về những phòng thí nghiệm bang. Khi phát hiện kit thử có sai sót và không đạt kết quả đáng tin cậy vào tháng 2, ông hứa sẽ sửa nhanh nhưng CDC lại mất nhiều tuần mới đưa ra được giải pháp.

Cơ quan y tế hàng đầu nước Mỹ cũng giới hạn đối tượng xét nghiệp và chậm trễ tiến hành giám sát dịch tễ học ở cấp độ cộng đồng, một thực hành cơ bản để phát hiện quy mô lây lan của virus. Nếu như Mỹ có thể truy vết những diễn biến sớm nhất của dịch bệnh và nhận diện điểm nóng có nguy cơ bùng phát, biện pháp cách ly cục bộ có lẽ đã phát huy hiệu quả.

Cùng thời điểm đó, lãnh đạo Cục Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Stephen Hahn lại cho thực thi các quy định cản trở bệnh viện, phòng khám tư và doanh nghiệp triển khai xét nghiệm chẩn đoán. Trong khi một số nước thành công trong việc huy động khu vực tư nhân, phối hợp tiến hành hàng chục nghìn xét nghiệm mỗi ngày, con số trung bình tại Mỹ trước khi dịch bùng phát là chưa tới 100 xét nghiệm/ngày.

Giám sát hoạt động của cả hai cơ quan trên là Bộ trưởng Alex Azar, người đứng đầu Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, đồng thời chịu trách nhiệm điều phối chiến lược ứng phó của chính phủ Mỹ với đại dịch. Dù nhận thức được những bức xúc về xét nghiệm Covid-19, Bộ trưởng Azar cũng không thể thúc CDC và FDA tăng tốc.

Vị bộ trưởng 52 tuổi giữ vị trí lãnh đạo nhóm chuyên trách đối phó virus corona đến cuối tháng 2, trước khi được tiếp quản bởi Phó tổng thống Mike Pence. Bản thân ông Azar cũng vấp phải bất đồng với Nhà Trắng trong một số vấn đề khác suốt nhiều tháng trước khi virus corona trở thành vấn đề toàn cầu. Người liên lạc giữa nhóm chuyên trách và Tổng thống Trump là quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney, một nhân vật đang thiếu tiếng nói trong nhóm quan chức thân cận nhà lãnh đạo.

Thiếu sự quan tâm cấp cao và nhu cầu hành động cấp bách, vấn đề xét nghiệm bị lãng quên vầ dẫn đến những hậu quả tai hại.

Tổng thống Trump vào cuối tháng 1 vẫn né tránh nói về mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa. Ngày 30/1, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch virus corona là vấn đề khẩn cấp toàn cầu, Tổng thống Trump tiếp tục trấn an người dân rằng “tình hình sẽ không tệ như mọi người nghĩ”.

“Chúng tôi cho rằng mọi thứ đang được kiểm soát rất tốt. Chúng tôi nghĩ mọi việc sẽ kết thúc tốt đẹp cho chúng ta. Tôi có thể đảm bảo với các bạn điều đó”, ông nói.

Trong giai đoạn đầu của "tháng vàng" bị đánh mất, khi chính phủ Mỹ đáng lẽ vẫn còn thời gian để hành động trước khi dịch virus corona bùng phát, Tổng thống Trump lại đang phân tâm với cuộc luận tội ở Thượng viện. Lo ảnh hưởng kinh tế, ông phủ nhận những nguy cơ mà hệ thống y tế Mỹ đang đối diện. Đến cuối tháng, nhà lãnh đạo còn tự tin khẳng định virus sắp bốc hơi khỏi nước Mỹ.

"Nó sẽ biến mất. Một ngày sắp tới, một cách thần kỳ, nó sẽ biến mất", ông nhấn mạnh trong một phát biểu vào tháng 2.

Nước Mỹ giờ đây đã có hơn 312.237 ca nhiễm với số trường hợp tử vong vượt mốc 8.501 người, trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về quy mô dịch bệnh. Nhiều thành phố bị đóng băng, nền kinh tế rơi vào suy thoái và đời sống hàng ngày của người dân đảo lộn. Dù vậy, vẫn còn tình trạng nhiều người Mỹ dù có bệnh vẫn không thể tiếp cận xét nghiệm.

Tâm lý chủ quan của Nhà Trắng trước mọi cảnh báo khoa học đã trở nên quen thuộc trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Nhiều nhân sự và quan chức có kinh nghiệm và chuyên môn cao, hiểu rõ chính phủ cần hành động gì với thông tin khoa học, đã rời nhiệm sở trong thời gian qua. Theo tiết lộ từ cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ với Guardian, mức độ chuyên môn và năng lực lãnh đạo “bị xói mòn ở nhiều cấp độ quan trọng trong chính phủ”. Ông chia sẻ các cơ quan liên bang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự chất lượng thay thế vì “không ai muốn vào đó làm việc”.

Trước diễn biến đáng lo ngại của dịch bệnh tại Hàn Quốc và Italy, bác sĩ Messonnier ngày 25/2 bất ngờ cảnh báo người dân Mỹ rằng "sự xáo trộn trong đời sống hàng ngày có thể rất nghiêm trọng". Phát ngôn đó khiến Tổng thống Trump nổi đóa khi trở về từ Ấn Độ. Một số nguồn tin cho biết ông đã la hét trong cuộc gọi với Bộ trưởng Alex Azar vì không hài lòng trước tác động của lời cảnh báo với thị trường tài chính.

Cùng ngày, người đứng đầu Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ phải đính chính bà Messonnier chỉ lưu ý người dân "bắt đầu suy nghĩ về những điều có thể diễn ra với cuộc sống của họ". Cụm từ "có thể" được ông nhiều lần nhấn mạnh

Sự thờ ơ của Nhà Trắng đối dịch bệnh được thể hiện rõ trong đề xuất cắt giảm 16% ngân sách cho CDC, được Tổng thống Trump đưa ra vào ngày 10/2, chỉ 11 ngày sau khi WHO thừa nhận virus cororna là vấn đề y tế khẩn cấp. Schaffner nhận định cơ quan y tế hàng đầu nước Mỹ đã bị gạt ra rìa trong giai đoạn đáng lẽ Nhà Trắng cần tận dụng tối đa cơ quan này để chuẩn bị ứng phó dịch bệnh.

Tiếng nói của nhiều công chức kỳ cựu, được kính trọng và có bề sâu về chuyên môn khoa học bị lấn át bởi các thông điệp của Tổng thống Trump. Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, là một trường hợp hiếm hoi tiếng nói khoa học được Nhà Trắng xem trọng khi cơn bão virus corona vừa ập đến Mỹ. Ông phải thường xuyên lên truyền hình đính chính và cung cấp lại thông tin khoa học chuẩn xác sau những buổi họp báo về virus corona của Nhà Trắng.

Bản thân ông Fauci úp mở về những bức xúc trước thói quen phát ngôn tùy hứng của nhà lãnh đạo. Trong mộc bài phỏng vấn, Jon Cohen, cây viết trên tạp chí Science, thắc mắc Fauci bằng cách nào có thể đứng yên bên Tổng thống Trump mỗi buổi họp báo và nghe nhà lãnh đạo đưa ra những thông tin gây nhầm lẫn trước công chúng, điển hình là tuyên bố lệnh cấm nhập cảnh từ Trung Quốc đã chặn đứng virus corona.

“Tôi hiểu, nhưng giờ anh muốn tôi làm sao? Thực tế đi nào, tôi còn làm được gì nữa”, vị quan chức y tế hàng đầu nước Mỹ chia sẻ.

Ông Trump tự gọi mình là “tổng thống thời chiến”. Nếu đúng với chức danh tự phong đó, "binh lược" của ông đang gây ra quá nhiều tranh cãi. Vấn đề ở các cơ quan liên bang trong ứng phó dịch bệnh như được khuếch đại thêm với cách Tổng thống Trump tổ chức nhóm chuyên trách của chính phủ.

Nhóm đặc phái của chính phủ về virus corona được cải tổ vào cuối tháng 2, sau đó giao cho Phó tổng thống Mike Pence đứng đầu. Nhân vật số 2 của Nhà Trắng ngay sau đó chỉ định Đại sứ Deborah Birx, đặc phái viên Mỹ về ngoại giao y tế toàn cầu, làm điều phối viên ứng phó virus corona. Cục Quản lý Tình trạng khẩn cấp Liên bang (FEMA) lại nắm quyền kiểm soát nhiều mảng then chốt trong chiến dịch ứng phó. Cố vấn Nhà Trắng đồng thời là con rể của Tổng thống Trump, Jared Kushner, cũng thành lập đội ngũ riêng ngầm tác động lên chính sách như trong nhiều cuộc khủng hoảng khác.

“Trách nhiệm không quy về đâu hết. Thay đổi liên tục. Không ai nhận giải quyết vấn đề”, vị cựu quan chức tiết lộ.

Nuoc My chon chan chiu dich anh 1

Theo Bruce Aylward, cố vấn cấp cao tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người đứng đầu nhóm đặc phái đến Trung Quốc nghiên cứu chủng virus mới, xét nghiệm có vai trò tối quan trọng trong nghiên cứu cách đánh bại dịch bệnh. Biện pháp giúp nhận diện căn bệnh, mức độ bệnh lý và và đặc biệt là hướng phát triển của nó trong dân số.

"Bạn cần phải biết dịch bệnh có xuất hiện hay chưa. Bạn cần biết liệu những người quanh mình có nhiễm bệnh hay chưa. Vì chỉ khi đó bạn mới có thể ngăn chặn nó được", ông chia sẻ.

Bước đi cấp thiết này lại diễn ra chậm trễ tại Mỹ vì những tính toán sai lầm của CDC và FDA, hai cơ quan tối quan trọng trong việc phòng ngừa dịch bệnh.

Lần đầu tiên Giám đốc CDC Robert Redfield nghe về mức độ nghiêm trọng của virus corona là từ những đồng nghiệp Trung Quốc vào đầu năm 2020, khi ông đang trong kỳ nghỉ đón năm mới. Ông dành thời gian để gọi điện nhiều đến mức người trong nhà còn ít thấy mặt. Một trong những hội thoại u ám nhất là khi George Gao, Giám đốc CDC Trung Quốc, bật khóc ở đầu bên kia cuộc gọi.

Cơ quan của ông hành động ráo riết trong thời gian đầu. Vào ngày 7/1, CDC xây dựng "hệ thống quản lý sự vụ" dành cho virus corona và khuyến cáo công dân từng đến Vũ Hán thận trọng. Đến ngày 20/1, khoảng 2 tuần sau khi các nhà khoa học Trung Quốc chia sẻ trình tự bộ gene của virus, CDC đã phát triển xong mô hình xét nghiệm riêng và triển khai phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại Mỹ.

Việc đánh giá virus là một thách thức lớn. Chủng virus quá mới và bí ẩn nên giới khoa học không có nhiều thông tin để hành động. Trung Quốc cung cấp dữ liệu một cách hạn chế, đồng thời từ chối đề nghị từ chính phủ Mỹ nhằm gửi chuyên gia CDC sang nắm tình hình thực địa. Virus không gây triệu chứng nhưng vẫn có khả năng phát tán khiến việc tìm hiểu dịch bệnh trong giai đoạn đầu thêm khó khăn.

Nỗ lực truy vết virus bị đình trệ đúng vào thời điểm cấp bách nhất. Đến giữa tháng 2, cả nước Mỹ chỉ tiến hành trung bình 100 xét nghiệm/ngày, theo dữ liệu của CDC. Tuy nhiên, ông Redfield vẫn đánh giá thấp độ nghiêm trọng của vấn đề trong những buổi họp và trao đổi cùng Bộ trưởng Alex Aza, nhấn mạnh sai sót sẽ sớm được điều chỉnh, theo tiết lộ của một số quan chức chính phủ.

Vì năng lực hạn chế, CDC đưa ra bộ tiêu chuẩn sàng lọc khắt khe cho đối tượng cần xét nghiệm: Chỉ gồm những người từng đến Trung Quốc hoặc từng tiếp xúc với bệnh nhân đã phát hiện dương tính với virus.

CDC ngày 14/2 thông báo kế hoạch xét nghiệm kiểm tra ở 5 thành phố thuộc nhóm nguy cơ cao là New York, Chicago, Los Angeles, San Francisco và Seattle. Biện pháp hướng đến cung cấp "tín hiệu cảnh báo sớm để kịp thời thau đổi chiến lược ứng phó" cuối cùng đã không được triển khai đồng loạt.

"Nếu như có nhiều xét nghiệm hơn ngay từ đầu và phát hiện sớm các ca nhiễm, chúng ta đã trong một tình thế rất khác", nhà dịch tễ học Jennifer Nuzzo nhận định.

Hệ quả của những bước đi sai lầm dần hiện rõ vào cuối tháng 2. Khu vực Seattle, nơi phát hiện ca nhiễm đầu tiên trên đất Mỹ, lần đầu tiên phát hiện một bệnh nhân dương tính với virus corona nằm ngoài tiêu chí xét nghiệm. Giới nghiên cứu báo động virus đã lây lan tại Seattle và những nơi khác trong nhiều tuần. Không nắm được bức tranh hoàn chỉnh về người nhiễm, các nhân viên điều tra dịch tễ không thể tiến hành "truy vết tiếp xúc". Họ không thể tìm kiếm những người có nguy cơ mang mầm bệnh và tiến hành cách ly để cắt đứt chuỗi lây nhiễm.

Trong khi đó, CDC vẫn kiên quyết không áp dụng mô hình xét nghiệm của WHO. Họ tự tin khi lối đi riêng vẫn hiệu quả. Xét nghiệm cho kết quả chính xác trong phòng thí nghiệm CDC. Phó giám đốc Anne Schuchat sau đó thừa nhận đã không nghĩ rằng họ cần mô hình xét nghiệm bên ngoài khi kit thử WHO khuyến khích sử dụng vẫn chưa vượt qua được quy trình phê duyệt của Mỹ.

Ngày 24/2, một lá thư được 49 hạ nghị sĩ ký tên đã kêu gọi đẩy nhanh xét nghiệm tại các bang.

Trong khi CDC loay hoay với phát triển kit thử, FDA lại trở thành rào cản pháp lý cho nỗ lực xét nghiệm toàn quốc.

Buổi làm việc đầu tiên của ông Stephen Hahn với cương vị lãnh đạo FDA bắt đầu khi dịch virus corona đang tiến gần đến ngưỡng cửa nước Mỹ, gần 6 tuần sau khi Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp vào cuối tháng 1. Cựu lãnh đạo trung tâm nghiên cứu ung thư MD Anderson ở Houston được giao nhiệm vụ lèo lái FDA xây dựng mạng lưới phòng thí nghiệm học thuật và tư nhân trên cả nước để đối phó "kẻ thù vô hình", nhưng họ lại trở thành chướng ngại vật.

Khu vực tư nhân đáng lẽ phải nhanh chóng trở thành hàng phòng thủ tiếp theo của nước Mỹ sau khi CDC hoàn thành nhiệm vụ triển khai xét nghiệm thông qua các phòng thí nghiệm công lập.

Ví dụ điển hình là Hàn Quốc. Chính phủ Seoul từ đầu tháng 2 đã họp với 20 nhà sản xuất trang thiết bị y tế, nới lỏng quản lý và đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm. Stephen Hahn lại chọn cách tiếp cận thận trọng. Ông không chủ động dùng những nhà khoa học của CDC và FDA mà tuân thủ những quy định khắt khe trong phê duyệt xét nghiệm.

Theo New York Times, chính tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp của Bộ trưởng Azar đã vô tình đặt ra những quy tắc cứng nhắc buộc ông Hahn và FDA phải tuân thủ.

Tuyên bố vào cuối tháng 1 được xây dựng để các hãng dược phát triển vắc-xin và liệu pháp điều trị nhanh chóng hơn trong giai đoạn khủng hoảng, thay vì mất hơn 1 năm chờ FDA phê duyệt.

Tuy nhiên, văn bản đồng thời tạo ra rào cản với bệnh viện và phòng thí nghiệm tự phát triển xét nghiệm chẩn đoán người nhiễm virus corona.

Giới nghiên cứu tại Mỹ đã sớm phát triển xong các mô hình xét nghiệm có thể chẩn đoán Covid-19, nhưng phần lớn không vượt qua được "ải" xét duyệt tại FDA.

Nhiều kit xét nghiệm phải nằm chờ ở các phòng thí nghiệm trên khắp cả nước, trong số đó có Stanford. Những nhà nghiên cứu tại đại học danh giá hàng đầu thế giới đã phát triển xong xét nghiệm hiệu quả từ tháng 2, dựa trên những thông tin mà WHO cung cấp. WHO sau khi cùng với Đức phát triển xong xét nghiệm Covid-19 đã hỗ trợ hơn 250.00 kit thử đến khoảng 70 phòng thí nghiệm trên thế giới.

BioMérieux, một hãng chẩn đoán y học của Pháp, cũng vấp phải khó khăn tương tự với FDA. Hệ thống xét nghiệm BioFire của hãng được sử dụng để phát hiện cúm và nhiều bệnh đường hô hấp tại hơn 1.700 bệnh viện tại Mỹ. Công nghệ này có khả năng cung cấp kết quả trong 45 phút. Mark Miller, lãnh đạo bộ phận y tế của của hãng, nhận định quy trình "cấp quyền sử dụng khẩn cấp" của FDA nhiêu khê và tốn quá nhiều thời gian.

Đến giữa tháng 2, hãng mới nhận giấp phép khẩn cấp cho BioFire, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24/3.

Miller nhận định chính phủ Mỹ đã phản ứng quá chậm, đặc biệt trên phương diện hậu cần như cung cấp đủ vật tư xét nghiệm cho những cơ sở cần sử dụng BioFire.

Nuoc My chon chan chiu dich anh 2

Khi tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp vào cuối tháng 1, Bộ trưởng Alex Azar vẫn thể hiện rõ sự tự tin. Trong cuộc họp báo tại tòa nhà Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ ở Washington, ông nói dịch viurs corona vẫn trong tầm kiểm soát.

"Tôi biết rất rõ chiến thuật", vị bộ trưởng nhắc lại những vị trí cấp cao mà ông từng đảm nhiệm trong giai đoạn ứng phó dịch SARS năm 2003 và những nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Yale, ông Azar từng là cố vấn pháp lý hàng đầu của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ. Ông còn có khoảng 10 năm kinh nghiệm lãnh đạo Eli Lilly, một trong những hãng dược lớn nhất thế giới.

Điều đáng chú ý là Bộ trưởng Azar được Tổng thống Trump quan tâm phần lớn vì những khía cạch ngoài y tế. Sau khi tốt nghiệp trường luật, ông từng làm thư ký cho những thẩm phán nổi tiếng bảo thủ nhất nước Mỹ, trong đó có Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonin Scalia. Ông còn có 2 năm làm cấp phó cho Công tố viên Đặc biệt Ken Starr trong cuộc điều tra độc lập về Tổng thống Bill Clinton.

Ông Alex Azar được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh thứ hai trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump vào đầu năm 2018. Ưu tiên hàng đầu vào thời điểm đó là hạ giá thuốc và cuộc chiến với thuốc giảm đau gây nghiện.

Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc và nhiều nước khác trong 2 tháng đầu năm, Bộ trưởng Azar chịu sức ép trước sự soi xét của dư luận và mối quan hệ không mấy suôn sẻ với lãnh đạo một số cơ quan trực thuộc, theo một số nguồn thạo tin. Ông có bất đồng dai dẳng với Seema Verma, lãnh đạo chương trình bảo hiểm liên bang Medicare và Medicaid. Ông cũng không đưa Cục trưởng Stephen Hahn vào nhóm chuyên trách ứng phó virus corona, dù những cuộc họp vẫn có sự góp mặt của đại diện FDA.

Bất đồng giữa vị bộ trưởng với Giám đốc CDC Robert Redfield gia tăng xoay quanh chiến lược xét nghiệm. Hai người trao đổi qua điện thoại hàng chục cuộc gọi mỗi ngày. Đến cuối tháng 2, khi kit xét nghiệm của CDC lộ sai sót, Bộ trưởng Azar cho rằng cơ quan y tế hàng đầu của mình đã cung cấp thông tin sai lệch để ông công bố với người dân.

Điển hình là con số hơn 3.600 người được xét nghiệm được ông Azar thông báo ngày 1/3 trên đài CBS. Con số thực tế tính đến thời điểm đó thấp hơn đáng kể vì nhiều bệnh nhân được xét nghiệm nhiều lần. Sai sót này được CDC đính chính trong phiên điều trần trước Hạ viện sau đó.

Một nguồn tin khác cho biết ông Azar được CDC cam kết xét nghiệm sẽ được phổ biến trong vòng 7-10 ngày sau khi phát triển, nhưng một tuần sau vẫn nhận được lời hứa hẹn như cũ.

Đến cuối ngày 27/2, các quan chức y tế Mỹ thống nhất FDA cần nới lỏng quy định để bệnh viện và phòng thí nghiệm độc lập nhanh chóng xúc tiến xét nghiệm riêng. Nhưng lúc đó bộ máy ứng phó dịch virus corona của Mỹ đã thay đổi. Tổng thống Trump đêm 26/2 bất ngờ chỉ định Phó tổng thống Mike Pence thay Bộ trưởng Alex Azar làm người đứng đầu nhóm chuyên trách. Quyết định đột ngột đến mức ngay cả những quan chức y tế hàng đầu Nhà Trắng đến khi xem thông báo trên truyền hình mới biết tin.

Các đời tổng thống trước luôn hành động khẩn trương khi đối diện nguy cơ dịch bệnh. Những nỗ lực ứng phó xuất phát từ ngay trong Nhà Trắng, bắt đầu bằng việc chỉ định một “tư lệnh” điều phối mọi việc.

“Nếu bạn xem lại lịch sử ứng phó những thách thức tương tự tại Mỹ, từ HIV đến đến bất kỳ dịch bệnh nào khác, họ luôn loại bỏ mọi vật cản trong hệ thống để việc ứng phó đạt hiệu quả”, nhà dịch tễ học WHO Bruce Aylward chia sẻ.

Tuy nhiên, đối diện với đại dịch virus corona, Tổng thống Trump không chọn nhân sự tại Nhà Trắng để lèo lái việc lên kế hoạch ứng phó. Điều này chỉ được tiến hành gần 2 tháng sau thời điểm dịch bùng phát.

Gần một năm trước, trong nỗ lực cải tổ Hội đồng An ninh Quốc gia, Tổng thống Trump cũng giải thể luôn đơn vị chuyên về an ninh y tế toàn cầu do người tiền nhiệm thiết lập. Suốt gần hai tháng, điểm yếu lớn nhất của nhóm chuyên trách là họ không có một nhân vật bên trong Nhà Trắng có quyền buộc các cơ quan xúc tiến hành động.

Sau khi Phó thổng thống Pence can thiệp, xét nghiệm được đẩy nhanh với gần 100 phòng thí nghiệm và các cơ sở y tế khác tham gia. Ngày 27/3, tập đoàn Abbott, gã khổng lồ trong ngành chăm sóc sức khỏe, tuyên bố đã nhận được phê duyệt khẩn cấp để sản xuất kit thử lưu động, có khả năng nhận diện ca nhiễm virus corona chỉ trong 5 phút.

Tổng thống Trump tự hào tuyên bố Mỹ “đã tạo ra một hệ thống mới” và đang tiến hành xét nghiệm “với số lượng không thể tin nổi”. Ông nhấn mạnh nước Mỹ trong 8 ngày qua đã tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn nhiều hơn những gì Hàn Quốc làm được trong suốt 8 tuần.

Thực tế là bệnh viện và phòng khám trên khắp cả nước vẫn trong tình trạng buộc phải từ chối xét nghiệm ca nghi nhiễm có triệu chứng nhẹ. Xét nghiệm được đề dành cho những ca bệnh nghiêm trọng nhất. Ca bệnh nhẹ thường phải chờ cả tuần mới nhận được kết quả.

Âm thầm thừa nhận tình trạng thiếu hụt, Tổng thống Trump đầu tuần qua đã điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc, ông Moon Jae In, đề nghị hỗ trợ kit xét nghiệm. Hàn Quốc đang sản xuất gần 100.000 đơn vị/ngày, với năng lực xét nghiệm nay đã cao hơn nhu cầu quốc gia.

Các chuyên gia y tế cộng đồng phản hồi tích cực khi năng lực xét nghiệm được tăng cường. Tuy nhiên, việc khả năng chẩn đoán bệnh tận 3 tháng sau khi Trung Quốc tiết lộ dịch mới được thiết lập chỉ gây thêm tiếc nuối rằng quá trình này không hoàn thiện sớm hơn để giảm thiểu số ca tử vong.

“Xét nghiệm là vết nứt làm rạn vỡ phần còn lại của nỗ lực ứng phó, trong khi đáng lẽ phải gắn kết mọi thứ với nhau”, Nahid Bhadelia, Giám đốc Y học tại Đơn vị Bệnh Đặc biệt của Trường y Đại học Boston, nhận định.

“Nó ảnh hưởng đến mọi phương diện của nỗ lực ứng phó, tác động đến tất cả chúng ta. Việc trì hoãn xét nghiệm đã ảnh hưởng toàn bộ chiến lược ứng phó”, bà nhấn mạnh.

Vì sao Mỹ thiếu máy trợ thở khi đối mặt với dịch Covid-19 Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lây lan mạnh tại Mỹ, nhiều bệnh viện thông báo tình trạng cạn dần thuốc men và các thiết bị y tế, đặc biệt là máy trợ thở.

Số ca tử vong vì virus corona của Mỹ vượt Trung Quốc

Số ca tử vong vì virus corona chủng mới ở Mỹ chính thức vượt số ca ở Trung Quốc, nước khởi nguồn của dịch Covid-19. 

82.000 người Mỹ có thể tử vong vì virus bất chấp các lệnh phong tỏa

Mô hình được Nhà Trắng tham khảo cho thấy sẽ có khoảng 82.000 người chết ở Mỹ do dịch bệnh tính đến tháng 8, ngay cả khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng tới tháng 5.

Cuộc đại di cư 'ngược dòng' chạy trốn ổ dịch của người Mỹ

Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, người Mỹ tìm kiếm sự an toàn thường chạy trốn khỏi những thành phố đông đúc và hướng về các thị trấn nhỏ vùng nông thôn.

Thanh Danh

Ảnh: Getty, AP, Reuters
Đồ hoạ: Hà My

Bạn có thể quan tâm