Tại buổi họp Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử TP Hà Nội chiều 26/5, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói chưa bao giờ yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin lại cấp bách như hiện nay.
Ông ví dụ về việc họp trực tuyến, giao dịch trực tuyến sẽ tăng lên. Việc chữa bệnh trực tuyến sẽ nhiều hơn và thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh.
"Ngay trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, số lượng thực hiện dịch vụ công mức 4 đã tăng tới 24%, cho thấy nhu cầu tăng cao của người dân trên lĩnh vực này", Chủ tịch Hà Nội nói.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết hạ tầng kỹ thuật CNTT được từng bước đầu tư, triển khai đồng bộ nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiệm vụ giữa các cấp. Nhờ đó, thành phố chấm dứt tình trạng phụ huynh xếp hàng mua đơn xin học cho học sinh gây căng thẳng, bức xúc cho dư luận.
"Học sinh và phụ huynh học sinh được tiếp cận thông tin về học tập của học sinh thông qua thiết bị di động thông minh. Sức khỏe của người dân được quan tâm. Việc ứng dụng CNTT giúp người dân được phục vụ tốt hơn, nhanh hơn khi sử dụng các dịch vụ y tế", ông Kỳ cho hay.
Phụ huynh phải xếp hàng từ 4h sáng để mua hồ sơ xin học cho con tại trường có tiếng ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh. |
Chủ tịch UBND Hà Nội ghi nhận những năm qua, chương trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào việc tăng cường khả năng cạnh tranh của Thành phố.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội được nâng cao (đứng thứ 9 năm 2019, tiếp tục duy trì vị trí trong top 10), nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của thành phố.
"Tuy nhiên, khi nhìn vào những nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng giao cho Hà Nội trên lĩnh vực này, thì chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm", Chủ tịch Hà Nội nhìn nhận và đề nghị cần có sự chủ động, trách nhiệm hơn từ lãnh đạo các sở, ban ngành, quận, huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh những nhiệm vụ còn chậm.
Ông Chung yêu cầu Sở Nội vụ rà soát và đào tạo CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức, đạt trình độ tương đương với chứng chỉ ứng dụng tin học trình độ C. Từ đó góp phần chuẩn hóa cán bộ CNTT để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
UBND thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng, bổ sung chương trình học về CNTT, chú trọng những ngành công nghệ nòng cốt như trí tuệ nhân tạo, 3D, tự động hóa... để trình Thành ủy, Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và có thể đưa thành môn học trong năm học mới.