Vào tháng 3/2020, Geoff Woolf - cha tôi - mắc Covid-19 và được xe cứu thương đưa đến bệnh viện Whittington ở phía bắc thủ đô London. Đó cũng là khi Vương quốc Anh hứng chịu đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch.
Chỉ vài ngày sau, cha tôi được đặt máy thở.
Vào thời điểm các nhà thần kinh học gọi chúng tôi đến để "thảo luận về các bước tiếp theo", nghĩa là họ muốn xin ý kiến gia đình về việc rút máy móc hỗ trợ sự sống ra khỏi người cha, thì ông ấy đã có nồng độ oxy ổn định sau 67 ngày thở máy.
Nhưng hai tuần sau khi dùng thuốc an thần, ông ấy vẫn hôn mê. Các bác sĩ cho rằng có lẽ cha tôi sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa.
Với hai hàng nước mắt, tôi hát cho cha nghe bài hát yêu thích của ông và cùng với hai anh trai mình, tôi chào từ biệt ông lần cuối.
Nhưng sau đó, một cách thần kỳ, cha tôi bắt đầu bình phục và lấy lại ý thức.
Cuối cùng, sau 306 ngày nhập viện, cha tôi đã trở về nhà vào cuối tháng 1 vừa qua.
Ông Geoff Woolf xuất viện trong tình trạng phải ngồi xe lăn. Ông được điều trị Covid-19 trong 306 ngày ở Anh, kể từ tháng 3/2020. Ảnh: Nicky Woolf. |
Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 21/3/2020, khi lần đầu tiên cha tôi nói ông cảm thấy không khỏe. Lúc đó, mọi người vẫn nghĩ Covid-19 là điều gì đó rất xa vời.
Trước đó, chính phủ Anh ban hành lệnh phong tỏa nhưng cuối cùng lại trì hoãn vài ngày, khiến người dân nghĩ rằng tình hình vẫn chưa đến mức nguy cấp.
Giống như nhiều người khác, tôi ra quán rượu vào đêm trước khi lệnh cấm có hiệu lực.
Dù các chuyên gia và bệnh viện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo họ có thể sẽ sớm bị quá tải, rằng mối đe dọa từ dịch bệnh đang ngày càng rõ ràng và hiện hữu, tôi vẫn có cảm giác “bất khả chiến bại”.
Buổi tối đến quán rượu đó có lẽ sẽ ám ảnh tôi trong suốt quãng đời còn lại.
Ngày hôm sau, cha tôi tỉnh dậy, kiệt sức và kêu đau bụng.
Tuy nhiên, ông không bị sốt và các triệu chứng dường như không giống như những gì mọi người trên tivi mô tả về Covid-19.
Ông ấy nằm trên giường hầu như cả ngày, thời gian còn lại là trong nhà vệ sinh.
Sáng hôm sau, tôi thấy cha nằm úp mặt lên bàn ăn. Tôi cảm thấy sự sợ hãi trong mình tăng vọt.
Đến đầu giờ tối, ông ấy sốt cao. Tôi gọi số máy khẩn cấp 999 và nhận được tin nhắn trả lời tự động thay vì gặp tổng đài viên.
Điều đó thực sự làm tôi sợ.
Cuối cùng, tôi đến gặp nhân viên y tế và nhiều giờ sau, họ mang xe cứu thương tới nhà tôi.
Các nhân viên y tế động viên tôi rằng “ông ấy sẽ ổn thôi”. Nhìn cha nằm trên xe cứu thương, tôi căng thẳng hút một điếu thuốc. Cuối cùng, họ đưa cha tôi đi lúc 23h.
Làn sóng Covid-19 đầu tiên bùng phát ở Anh vào khoảng tháng 3/2020. Ảnh: Reuters. |
Từ đó, tôi bắt đầu nghiên cứu tài liệu về Covid-19 một cách ám ảnh. Tôi phát hiện ra trong khoảng thời gian đầu mới nhiễm bệnh, cha có khoảng 90-99% cơ hội sống sót.
Nhưng khi ông phải nhập viện, tỷ lệ đó giảm khoảng một phần ba. Khi ông phải thở oxy, tỷ lệ này lại giảm đi một nửa nữa.
Và khi được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) trong tình trạng suy hô hấp cấp tính và được đặt nội khí quản để thở máy, tỷ lệ sống sót của cha tôi chỉ còn dưới 10%. Càng thở máy lâu, tỷ lệ này càng giảm.
Tôi tự nhốt mình trong căn nhà của cha giờ đã trống vắng. Cửa sổ tối om trong phòng ngủ của ông cứ ám ảnh tôi.
Tôi bắt đầu có thói quen mới: áp môi vào một con gấu bông thuở nhỏ để cầu may trước khi đi ngủ mỗi đêm.
Vào một số thời điểm nhất định trong ngày, người ở bệnh viện gọi tới thông báo tình trạng của cha: lượng oxy lên, xuống; uống nước; vệ sinh cá nhân; nói chuyện lại.
Chẳng bao lâu, tôi đã nói chuyện với tất cả bác sĩ điều trị cho cha. Và sau đó tôi chuyển lại thông tin vào nhóm chat của gia đình trên WhatsApp.
Trong khoảng thời gian đó, tôi cố tìm việc gì khác để làm, nhằm khiến bản thân đỡ cảm thấy áp lực hơn.
Tôi xem qua danh sách các vận dụng cần thiết cho nhân viên y tế, rồi lên mạng và mua một loạt, bao gồm mì gói, lương khô, chocolate, trà túi lọc, bộ sạc điện thoại, khăn lau sát trùng.
Bên trong một phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) ở bệnh viện tại Anh. Ảnh: Getty. |
Tôi trải qua những tháng ngày đó một mình, nhưng hầu như không đơn độc. Trải nghiệm đại dịch của gia đình tôi có lẽ nhiều hơn những gia đình khác.
Ở nhiều nơi trên thế giới, các chính phủ ban bố lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Thế giới của mọi người bỗng chốc thu hẹp trong bốn bức tường. Và thời gian trở nên vô nghĩa với tất cả chúng ta.
Trong vài tuần nóng bức ngột ngạt ở Whittington vào đỉnh điểm của mùa hè năm 2020, chúng tôi đã có thể vào thăm cha. Tại thời điểm đó, ông ấy vẫn chưa thể nói được, vì vậy tôi phải viết những gì muốn nói lên giấy.
Đối với chúng tôi, việc cha tỉnh lại dường như là một phép màu. Nhưng đối với ông, đó lại như một lời nguyền.
Theo cách cha tôi miêu tả, ông cảm thấy rằng trước khi chìm vào giấc ngủ dài, ông vẫn là một người khỏe mạnh. Nhưng khi thức dậy, ông bị tàn tật nặng.
Sau 306 ngày nhập viện, ông ấy trở về nhà trên xe lăn.
Tổn thương não do virus SARS-CoV-2 gây ra đã làm tê liệt nửa người bên phải của cha tôi và khiến ông bị hạn chế khả năng nói. Đây là kết cục tàn nhẫn đối với một người đàn ông ưa trò chuyện và thích văn học.
Nhưng điều khó nhất là chúng tôi phải giải thích cho ông hiểu những gì đã diễn ra trong thời gian ông hôn mê.
Khi tỉnh dậy, cha tôi phải làm quen với một cuộc sống khác, trong một thế giới đã không còn như trước.
Lệnh phong tỏa khiến đường phố nhiều thành phố lớn ở châu Âu trở nên vắng vẻ. Ảnh: AFP. |
Thế hệ từng sống qua Thế chiến II không thể nào quên được ảnh hưởng của cuộc chiến.
Ở Anh, đó là trải nghiệm phải chia khẩu phần ăn, những đứa trẻ phải rời xa cha mẹ để trốn bom của Đức Quốc xã. Đối với những người khác, chẳng hạn như ông tôi, trải nghiệm chiến tranh còn tồi tệ hơn nhiều.
Cuộc chiến đã để lại những vết thương lâu dài đối với mọi người chứ không chỉ riêng ai.
Tôi từng nghe câu nói đùa rằng thế hệ đó đã chiến đấu với súng trường và xe tăng, bom và máu. Còn thế hệ tôi giờ lại chiến đấu với đại dịch bằng đồ ăn nhẹ trên ghế sofa và xem phim trên Netflix.
Thế nhưng, Covid-19 đã khiến nhiều người Anh tử vong hơn gấp đôi so với số người bị máy bay ném bom của Đức giết chết trong chiến dịch Blitz.
Tại Mỹ, số người tử vong vì virus SARS-CoV-2 còn nhiều hơn số người thiệt mạng trong tất cả cuộc chiến ở thế kỷ 20 tại nước này cộng lại.
Khi tôi viết những dòng này, số người chết mỗi ngày vì Covid-19 ở Mỹ còn nhiều hơn số người thiệt mạng trong ngày 11/9.
Đó chỉ là những tác động trực tiếp. Vẫn còn rất ít dữ liệu về hậu quả vô hình và gián tiếp của đại dịch này. Đó là những tác động đến sức khỏe tinh thần của con người, hay tình trạng bạo lực gia đình gia tăng. Quy mô của thảm họa này vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.
Cha tôi đã không “đánh bại” Covid-19. Căn bệnh này đã tàn phá ông ấy, cũng như tàn phá tất cả chúng ta.
Nhưng chúng tôi biết chúng tôi may mắn như thế nào. Hơn 2 triệu gia đình trên khắp thế giới - và sẽ còn nhiều hơn nữa - không được may mắn như vậy khi mất đi người thân vì Covid-19.
Cha chúng tôi vẫn có thể hồi phục và về nhà, hoặc ít nhất, như cách mô tả của ông ấy, là hồi phục “nửa vời”.
Tất nhiên, mọi thứ sẽ không trở lại như cũ. Nhưng một khi vượt qua được đại dịch này và hậu quả đã lắng xuống, chúng ta có thể bắt đầu suy nghĩ về cách tiến lên phía trước.
Có lẽ chúng ta vẫn còn hy vọng vào một tương lai như vậy.