Chia sẻ qua điện thoại với Zing.vn từ Nga, nghệ sĩ múa Đặng Văn Sơn, cha thủ môn Đặng Văn Lâm, nói ông đã vui đến mức không ăn không ngủ được, đồng thời cũng rất thương con.
Với ông, thành công của Lâm là hành trình dài khổ luyện đầy gian khổ, từ giá rét mùa đông nước Nga tới sự khắc nghiệt để được trao cơ hội và hòa nhập với môi trường ở Việt Nam, mà có lúc tưởng chừng chàng thủ môn sinh năm 1993 không thể vượt qua nổi.
- Cảm xúc ông thế nào khi thấy Văn Lâm bật khóc cạnh khung gỗ sau trận chung kết AFF Cup giữa Việt Nam và Malaysia?
- Từng bước đi của con mình, tôi đều rất hiểu. Đến trận cuối cùng, tôi nhận ra con mình đã thành công, ngoài sự tưởng tượng của tôi, đúng như câu "khổ luyện thành tài". Huấn luyện viên Nga hồi xưa ở Spartak Moskva nói cháu phải bắt bóng trên sàn tập 1000-2000 lần/ngày, để khi thi đấu không có sai sót. Nếu cháu chỉ bắt 100-200 quả thì vẫn sẽ còn sơ suất.
Tôi luôn cố động viên Lâm. Tôi kể với cháu thời tôi học ballet, để diễn được những vở lớn, 7 năm trời trong trường múa tôi chỉ học một động tác đứng lên ngồi xuống và xoạc chân, lặp đi lặp lại, thậm chí khiến tôi tưởng ballet chỉ có vậy thôi. Nên tôi động viên cháu cần phải bắt bóng lặp đi lặp lại để tạo phản xạ, tạo cảm giác, gần như "nhắm mắt cũng có thể bắt được". Lúc ấy không biết cháu hiểu đến đâu, nhưng giờ cháu đã cho tôi câu trả lời. Cháu nói đây là món quà cho tôi trong dịp bố tròn 60 tuổi. Đó là món quà không còn gì bằng đối với tôi.
Tôi rất mừng vì sự rèn luyện của cháu đã biến thành kết quả mỹ mãn. Khi thấy cháu ôm cột dọc và khóc, tôi hiểu được cảm xúc đó. Có lẽ cầu môn là người bạn đối với Lâm trong suốt 8 năm rồi. Lúc ấy khi con người ta đạt đến đỉnh cao, tôi nghĩ con người ta có sự sung sướng hạnh phúc, nhưng cũng có sự mệt mỏi, không còn đủ sức đứng vững nữa.
Ảnh trái: Đặng Văn Lâm và bố, ông Đặng Văn Sơn. Ảnh phải: Ông Đặng Văn Sơn và vợ, bà Jukova Olga. Ảnh: Instagram/Dang Van Lam. |
- Ông nói hai vợ chồng ông không xem trận chung kết vì quá hồi hộp và lo lắng. Kết quả là Văn Lâm đã bắt tốt và Việt Nam đã vô địch, ông có tiếc vì không xem?
- Tôi không tiếc. Từ đầu tới cuối giải, vợ chồng tôi không xem. Vì tôi cũng lo lắm, sợ phải chứng kiến cháu có sơ suất gì trong thi đấu, vì tôi hiểu cháu đã đổi 8 năm để có được 90 phút trong trận chung kết. Tôi nói cháu không được mắc sai lầm vì từng phút ở trên sân là từng phút con phải đánh đổi rất nhiều. Tôi nghĩ biết đâu tôi xem ở Nga, tôi lo lắng, có thể ở tận Việt Nam cháu cũng mất bình tĩnh, nên tôi không xem.
"Phải chạy hậu vệ tiền đạo gì chứ"
- Ước mơ canh giữ khung thành của Lâm bắt nguồn từ đâu?
- Bắt đầu từ việc cháu thích đá bóng thôi, dù bố mẹ đều là diễn viên múa, diên viên kịch. Cháu thì ngược hẳn, thích đá bóng, từ hồi cấp 1, cấp 2. Thực ra thì tôi không thích cháu làm thủ môn -- thủ môn thì chỉ có đứng không chứ có làm cái gì nữa. Phải chạy hậu vệ tiền đạo gì chứ. Nhưng đấy là mong muốn của cháu, từ bé đã thế và đến giờ cháu là thủ môn thật.
- Lâm không thừa hưởng chút "gen nghệ thuật" nào từ bố mẹ hay sao?
- Cũng gọi là có truyền cho cháu, nhất là từ mẹ. Mẹ Lâm là diễn viên kịch. Thực tế thì văn nghệ sĩ là những người sống bằng tâm hồn, không phải vật chất. Người ta sống lạc quan lắm. Sự khó khăn về vật chất trong cuộc sống hiện tại không thể ngăn cản họ; người ta có một thế giới riêng và chúng tôi truyền lại cho con cái đấy.
- Lâm tập luyện chơi bóng như thế nào khi còn ở Nga?
- Lâm thích đá bóng nhưng ở Nga khí hậu rất khắc nghiệt, nhất là mùa đông kéo dài tới 6 tháng. Hồi nhỏ thì đa phần là Lâm tập trong nhà, khi lớn lên thì tập ngoài trời để va chạm với tuyết, mưa, gió lạnh. Nếu không tập như thế thì sức đề kháng không chịu được khí hậu. Muốn trở thành cầu thủ ở Nga thì phải có sự luyện tập với thời tiết.
Tôi nhớ thời gian tôi cho cháu đi tập, tuyết rơi nhiều quá, lạnh đến âm 15-16 độ, không nhìn thấy bóng đâu cả, huấn luyện viên phải thay quả bóng màu trắng thành màu khác. Trời tuyết lạnh, sân cỏ có lúc bị đóng băng, thế mà cháu cứ chạy, nhảy, chân tay tím, thâm, bầm hết cả.
Tôi nhìn con thương lắm, nhưng chắc cháu giấu, vì sợ nếu nói đau thì mai bố không cho đi nữa! Lâm luôn bảo "không, con không sao cả". Từ bé, cháu đã ham mê quá rồi, quên tất cả những nỗi đau, gió lạnh, thậm chí là giấu đi, để đi theo tập luyện.
Đặng Văn Lâm và những khoảnh khắc bên gia đình. Ảnh: Facebook, Instagram/ Dang Van Lam. |
8 năm với nhiều cú sốc nguy hiểm
- Động lực nào giúp Lâm vượt qua khó khăn để tiếp tục theo đuổi đam mê và trưởng thành trong chuyên môn?
- Đó chính là sự cạnh tranh lẫn nhau để được ra sân thi đấu, bạn phải chứng minh rằng ngày hôm nay bạn xứng đáng được ra bắt gôn. Trong tập luyện và trong thi đấu không được có sai lầm, mắc lỗi một cái là hôm sau chắc chắn ngồi dự bị.
Ở tuổi Lâm khi đó sự cạnh tranh hết sức gay gắt, có thể nói là cay cú nếu người khác hơn mình. Chính sự canh tranh đó đã khiến Lâm lao vào tập luyện. Những trường đào tạo ở Nga đòi hỏi trình độ kỹ thuật rất cao, nếu bạn không đạt được tiêu chuẩn hoặc bạn yếu một mặt nào đó thì sẽ có người khác thay thế ngay, cũng như Việt Nam mình thôi.
Hồi xưa tôi từng cho cháu theo học ở trường Spartak Moskva, có thủ môn Dasayev nổi tiếng ở Nga một thời, và cả Dynamo Moskva, nơi có huyền thoại Lev Yashin. Đó là những trường nổi tiếng của thế giới, không chỉ của Nga.
- Lâm từng phải quay về Nga để học kế toán vào năm 2014. Sau đó, anh có viết "tâm thư" rất xúc động trên mạng xã hội về ước mơ chơi bóng tại Việt Nam. Đó là thời gian như thế nào đối với Lâm?
- Đó là sự đày ải đối với Lâm. Cháu nói "con không hiểu gì về buôn bán, làm ăn, lãi suất". Tôi cho rằng đó là sự sai lầm của tôi khi cho con học kế toán, vì đó không phải là năng khiếu và mong muốn của con. Cũng may tôi nhận ra, vì cố đấm ăn xôi là không được. Nếu vậy có lẽ cháu sẽ vừa không trở thành kế toán cũng không thành cầu thủ bóng đá.
Bức "tâm thư" gây xúc động của Lâm năm 2015. |
- Năm 2015, Văn Lâm quay lại Việt Nam để đầu quân cho CLB Hải Phòng và sau trở thành thủ môn số một ở đây. Có lẽ đó là bước ngoặt lớn với sự nghiệp của Lâm?
- Trong 8 năm qua, ông nghĩ con trai mình phải hy sinh những gì để có tên tuổi tại Việt Nam?
- Cháu đã hy sinh tình cảm gia đình, phải xa nhà, đó là điều tất nhiên. Hy sinh lớn hơn là cháu bất chấp mọi thứ để đến với bóng đá, dù những thứ đó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, đến tính mạng, nhưng cháu đã vượt qua được tất cả. Trong 8 năm ấy, cháu đã trải qua những cú sốc rất nguy hiểm trong luyện tập, trong cuộc sống.
Thời gian đầu, cháu chưa quen được với cuộc sống của người Việt Nam mình, và chỉ những người nào đã sống ở nước ngoài sau đó trở về Việt Nam thì mới hiểu được những điều đó. Thực tế giờ nghĩ lại quãng thời gian đó thì tôi vẫn sợ con mình không vượt qua nổi. Nhiều người trở về Việt Nam muốn đem tài năng của mình phục vụ Tổ quốc. Mỗi người có một lý do khác nhau. Tôi nghĩ chắc là con mình không thể chịu được, nhưng thôi thì để con cố được tí nào hay tí đấy. Cuối cùng thì cháu lại vượt qua được.
Cháu cũng bảo "bố đừng có lo có sợ gì cả", giấu hết mọi cái khổ cực, không cho bố mẹ biết. Tôi mà biết chính xác mọi chuyện thì chắc tôi đã kêu cháu về (Nga). Rất nhiều lần tôi muốn cháu về. Trong người cháu có cả dòng máu của những người đã thắng phát xít Đức và dòng máu của dân tộc Việt Nam thắng Mỹ nên cháu không sợ gì cả. Tôi cảm giác không biết đúng không nhưng có khả năng là vì như thế nên sức chịu đựng của cháu cũng lớn hơn bình thường.
Văn Lâm (đứng giữa ảnh trái) từ bé đã mong muốn trở thành thủ môn. Ảnh: NVCC. |
- Nhưng hẳn là Lâm cũng có lúc chia sẻ về cuộc sống, sự nghiệp tại Việt Nam với ông?
- Sống với khí hậu lạnh ở Nga, tập tành như thế, nhưng mà sau khi về Việt Nam, rồi có một năm ở chỗ Hoàng Anh Gia Lai bên Lào, cháu không thể chịu được. Cháu bảo là cái lạnh thì cháu chịu được, nhưng cái nóng cùng gió Lào thì chắc là thôi, không thể chịu được. Cháu còn không thể thở được, mồ hôi mồ kê nhễ nhại vì nóng quá.
Lâm gọi cho tôi nói rằng trời ơi bố đã biết thế nào là gió Lào chưa, không thở được, không thể thở được. Tôi mới bảo con phải nghĩ tới việc cái lạnh con đã chịu được rồi, âm 10-15 độ con chịu được, con tập được. Thời gian trước con học ở đây cũng thế, con cứ sợ không làm được, nhưng mà con đã làm được rồi cơ mà. Hồi đấy con còn bé lắm, bây giờ con đã lớn rồi.
Thế nên nếu cái lạnh con chịu được, thì cái nóng con cũng có thể chịu được. Giống như bố, cái nóng bố chịu được, thì sang bên này cái lạnh âm 30 độ bố cũng chịu được. Nó sẽ phụ thuộc vào thời gian và chế độ luyện tập của con người, và khó khăn sẽ qua đi. Nóng và lạnh sẽ làm cho con người được tôi luyện. Con đã đọc truyện Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovsky với nhân vật Pavel Korchagin rồi, con biết để muốn trở thành thép thì phải tôi luyện như thế nào.
Đặng Văn Lâm từng chia sẻ về bố trên Facebook. |
"Tôi nghĩ cháu ta đấy, không tây đâu"
- Qua những thử thách trong sự nghiệp, đã bao giờ Lâm có ý định bỏ nghề?
- Chỉ có một lần duy nhất trẻ con, ngoài ra cháu chưa bao giờ muốn bỏ cuộc. Bạn bè chơi với nhau, không thích nhau. Lâm là người Việt Nam, một mình giữa đám trẻ Nga chơi với nhau. Có lần cháu nói không muốn nữa vì bị bạn trêu, không muốn đi tập nữa. Nhưng sau khi ngồi với mẹ, hôm sau cháu lại xách túi đi tập.
- Mẹ Lâm đã viết thư chúc mừng con trai sau chiến thắng khiến người hâm mộ xúc động. Hẳn là Lâm rất gần gũi với gia đình?
- Lâm nghe mẹ nó lắm. Hai mẹ con sống rất tình cảm. Cháu thường nói chuyện với bố, sau đó nói chuyện với mẹ. Mẹ con cháu rất hợp nhau. Mẹ cháu dìu dắt cháu từng bước, cơm bưng nước rót, ngồi trên khán đài chờ con trong các buổi tập. Giữa trời lạnh, bà mang nước chè nóng cho con. Hai mẹ con hiểu nhau và tâm sự nhiều với nhau.
Tôi cũng cảm động khi đọc bức thư vì tôi không biết vợ mình có những cảm xúc như vậy, lời cảm ơn như vậy về đất nước mình, cảm ơn những người đã rèn luyện và giúp đỡ cháu.
- Ông có kỳ vọng như thế nào cho chặng đường sắp tới của con trai mình?
- Tôi cho rằng thành công vừa rồi mới là bước đầu. Tôi mong cháu giữ được tinh thần, giữ được mọi điều cháu đã có trong 8 năm phấn đấu ở Việt Nam.
- Nhìn lại chặng đường 8 năm của Văn Lâm ở Việt Nam, ông có suy nghĩ gì?
- Tôi mừng vì Lâm đã trưởng thành về mọi mặt. Mọi người hay gọi "Lâm Tây" nhưng tôi nghĩ cháu "ta" đấy, chứ không tây đâu. Cháu có dòng máu người Việt Nam nên mới kiên trì chịu đựng đến như thế, không bỏ cuộc. Cách đây mấy tháng, khi ông Park Hang Seo không gọi Lâm vào đội tuyển, hai bố con đều rất đau. Nhưng cháu vẫn tiếp tục cố gắng, tôi mừng vì điều đó.
Lâm đứng vững được như ngày hôm nay, sau 8 năm, không phải điều gì đó bộc phát. Đôi lúc Lâm cũng không thể cạnh tranh với các anh lớn vì Lâm có điểm yếu nọ điểm yếu kia, và đến nay thì Lâm đã có đầy đủ phẩm chất để được tin tưởng cho vị trí thủ môn. Để chứng minh điều đó thì Lâm đã phải mất 8 năm. Sự tôi luyện đã được thể hiện bằng sự hy sinh, và tôi cũng bảo với Lâm rằng muốn đạt được thành công thì con phải biết hy sinh, hy sinh tất cả để có thể vươn tới đỉnh cao.
- Xin chân thành cảm ơn ông.