Đại dịch Covid-19 cùng mối quan hệ chính trị căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây đã khiến nhiều gia đình trung lưu tại đất nước tỷ dân buộc phải hoãn kế hoạch cho con cái học tập tại nước ngoài.
Những tháng gần đây, càng nhiều trường quốc tế tại Trung Quốc thông báo đóng cửa hoặc chỉ nhận học sinh người nước ngoài sau cuộc đàn áp giáo dục của chính phủ.
Do đó, việc tiếp cận nền giáo dục quốc tế càng trở nên khó khăn, buộc nhiều gia đình Trung Quốc phải đánh giá lại các lựa chọn di cư và du học của con mình, theo SCMP.
Nhiều gia đình trung lưu tại Trung Quốc lo lắng về cơ hội du học của con mình. Ảnh: Reuters. |
Tìm cách ra nước ngoài
Daisy Fu (thành phố Thâm Quyến), một người chuyên cung cấp dịch vụ nhập tịch Malta, cho biết hoạt động kinh doanh của mình đã tăng 20% trong 2 tháng qua.
“Hầu hết khách hàng của chúng tôi là những phụ huynh đang lo lắng về chính sách giáo dục mới của nhà nước”, cô nói.
Không chỉ Malta, Canada cũng là một địa điểm nhập cư được nhiều người Trung Quốc yêu thích.
Jack Ho, chủ tịch Famed Star Group, một công ty tư vấn giúp khách hàng nhập cư vào Canada, cho biết: “Số lượng gia đình Trung Quốc nộp đơn xin nhập cư vào Canada sẽ đạt mức cao mới vào năm 2022.
Dù là giới nhà giàu hay nhân viên văn phòng tầng lớp trung lưu, họ đều muốn khẩn trương bắt đầu các chương trình nhập cư càng sớm càng tốt trước những thay đổi nhanh chóng trong của đất nước về chính sách giáo dục và tài sản”.
Trước đây, khoảng 95% gia đình sẽ chọn ở lại Trung Quốc chờ đợi đến khi có quốc tịch Canada. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tỷ lệ này đã giảm mạnh.
Ho cho biết hơn một nửa khách hàng của mình mong muốn chuyển đến Canada ngay sau khi nhận giấy phép lao động nhằm đổi lấy cơ hội học tập sớm nhất cho con cái.
Công ty của Ho đã hỗ trợ quá trình nhập cư Canada cho hơn 1.000 gia đình kể từ năm 2017. Năm 2022, anh hy vọng hoạt động kinh doanh hàng năm của mình có thể đạt mức cao kỷ lục, vượt qua con số trước đại dịch.
Học sinh tại một trường học ở Phủ Điền, Trung Quốc quay trở lại trường học sau đợt bùng phát đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty. |
Tháng 5, Trung Quốc đã thông qua quy định mới về việc thắt chặt sự giám sát của nhà nước đối với các trường tư thục, đồng thời hạn chế sự tham gia của người nước ngoài vào lĩnh vực này.
Trong nhiều năm, chính phủ đã lên án việc dạy thêm sau giờ học, coi đây là hoạt động “gây rối, nặng nề và cần có quy định”. Đỉnh điểm là Bắc Kinh đã đưa ra hàng loạt biện pháp hạn chế mới nhằm gây khó khăn với ngành giáo dục tư nhân vào năm ngoái, bất chấp nhu cầu mạnh mẽ từ các gia đình trung lưu đối với chương trình học tập nước ngoài.
Phụ huynh không đồng tình
Zhang Na, giám đốc điều hành một công ty khởi nghiệp về văn hóa và công nghệ ở Tứ Xuyên, cho biết 2 trong số các con của mình đã từng được theo học một trường quốc tế ở Thành Đô.
Những đứa trẻ sử dụng sách giáo khoa của Singapore, phương pháp giảng dạy của phương Tây và cũng được học bóng chày cùng các môn ngoại ngữ.
“Học phí cho mỗi năm học là khoảng 70.000 nhân dân tệ (tương đương 11.000 USD) và tôi rất hài lòng với mọi thứ mà trường cung cấp. Nhưng học kỳ này, nhà trường đã đóng cửa do chính sách thay đổi đột ngột. Tôi phải tạm thời chuyển các con của mình sang một trường học khác chỉ dạy chương trình tiếng Trung”, Zhang nói trên SCMP.
Zhang cho biết các con của cô trở nên cực kỳ căng thẳng khi phải cạnh tranh khốc liệt tại trường học.
“Tôi đã từng gác lại ước muốn nhập cư nước ngoài của mình, nhưng bây giờ tôi có thể phải tiếp tục suy nghĩ nghiêm túc về việc này” cô nói.
Nhiều sinh viên Trung Quốc thất vọng khi không thể ra nước ngoài và nhập học đúng hạn. Ảnh: AFP. |
Vào tháng 12/2021, các trường quốc tế ở Thâm Quyến, bao gồm Học viện Bay, Học viện Lãnh đạo đổi mới Thâm Quyến và Trường Quốc tế King’s School Thâm Quyến trước đây từng tuyển sinh học sinh Trung Quốc, đã thông báo đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình chỉ tập trung vào học sinh nước ngoài.
Và vào tháng 11/2021, Westminster, một trong những trường tư thục nổi tiếng nhất của Anh, cho biết sẽ từ bỏ dự án trường học ở Thành Đô mặc dù đã đi vào thực hiện 4 năm.
Theo Mark Batten, chủ tịch cơ quan quản lý của Westminster, trường đã có kế hoạch đầy tham vọng để mở 6 cơ sở song ngữ ở Trung Quốc. Nhưng những thay đổi gần đây trong chính sách giáo dục của Trung Quốc đã buộc họ phải hủy bỏ toàn bộ dự án.
Ở Bắc Kinh, các nhà chức trách giáo dục cũng đang cố gắng thay đổi chương trình giảng dạy ở các trường song ngữ tư nhân bằng cách yêu cầu học sinh sử dụng sách giáo khoa tiếng Trung do các trường công lập thông qua. Các em cũng phải tham gia các kỳ thi bắt buộc - được gọi là zhong kao - để nhập học vào các trường trung học phổ thông công lập.
Xiong Bingqi, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Sẽ có nhiều trường quốc tế yêu cầu học sinh phải học theo phương pháp zhong kao vì Trung Quốc đang thống nhất các tiêu chuẩn tuyển sinh cho cả trường trung học tư thục và công lập. Nhưng bất kể thế nào, theo tôi, các trường quốc tế sẽ chỉ sử dụng zhong kao như một tài liệu tham khảo”.
Susan Li, mẹ của học sinh lớp 6 tại một trường quốc tế ở Bắc Kinh, cho biết: “Trường học của con tôi không thông báo liệu họ có tổ chức các kỳ thi bắt buộc hay không. Nhưng tôi e rằng điều đó sẽ đến sớm hay muộn với sự giám sát chặt chẽ của chính phủ đối với các trường tư thục”.
Tuy nhiên, nữ giám đốc điều hành 45 tuổi cho biết mình không quá bận tâm.
“Vì chúng tôi đã quyết tâm cho con mình theo học một trường đại học ở Anh, nên việc chuẩn bị cho các kỳ thi trong nước là thực sự không cần thiết”, cô nói.