Với tội phạm xâm hại trẻ em, từ việc bắt những kẻ "yêu râu xanh" nhận tội, đến đền tội là một hành trình đầy khó khăn. Thực tế đã có nhiều vụ việc bị chìm xuồng, thậm chí có những đứa trẻ vì quá uất ức đã chọn lựa cái chết.
Vụ Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ ở Vũng Tàu xôn xao dư luận suốt 2 năm và cuối cùng trả giá bằng bản án 3 năm tù là một minh chứng cho việc để giành được công lý thì cần lắm sự đấu tranh đến cùng của người trong cuộc. Trong vụ án đó, mẹ cô bé đã không bỏ cuộc, miệt mài đấu tranh cho con gái bên cạnh với sự ủng hộ, lên tiếng mạnh mẽ của công luận.
Liên quan đến các vụ xâm hại trẻ em vừa qua, Zing.vn xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Phạm Thị Thúy - Chuyên gia tâm lý, xoay quanh câu chuyện cha mẹ cần phải làm gì khi con mình bị xâm hại/quấy rối tình dục.
Tránh sợ hãi, không dám tố kẻ ấu dâm
Nhiều người sợ, ngại, xấu hổ không dám tố cáo kẻ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ vì muốn giữ thể diện cho trẻ và cho gia đình. Điều này tưởng là tốt cho trẻ nhưng thực ra lại mang đến nỗi đau lớn cho trẻ.
Câu chuyện bé gái ở Cà Mau 13 tuổi tự tử, để lại thư tuyệt mệnh vào ngày 11/2/2017 vì uất ức khi kẻ XHTD trẻ không bị trừng trị là một ví dụ điển hình để các cha mẹ hiểu tâm lý của trẻ hơn.
Trẻ bị XHTD sẽ vô cùng tổn thương và căm hận kẻ xâm hại, mong kẻ đó phải bị trừng phạt. Thêm nữa, trẻ sẽ mặc cảm tội lỗi kéo dài nếu kẻ xấu không bị trừng trị, trẻ sẽ nghĩ có nguyên nhân từ trẻ, trẻ thêm mặc cảm, tự ti và nhiều trẻ đã muốn tự tử vì không chịu được nỗi mặc cảm tội lỗi, dơ bẩn của mình. Trẻ không biết mình là nạn nhân. Chỉ khi kẻ ác bị trừng phạt trước pháp luật, trẻ mới được giải tỏa tâm lý phần nào.
Bức ảnh trong một chiến dịch khuyến khích cộng đồng lên tiếng tố cáo những vụ XHTD trẻ em của tổ chức Prefeitura De Belo Horizonte. Chiến dịch mang tên Speak for her (tạm dịch: Hãy lên tiếng thay trẻ em). Ảnh: Prefeitura De Belo Horizonte. |
Hơn nữa, nếu cha mẹ không tố cáo kẻ xấu, kẻ xấu có thể sẽ tiếp tục XHTD trẻ và cả nhiều trẻ khác nữa. Dù kẻ xấu có là máu mủ ruột rà với chúng ta, chúng ta cũng cần lên tiếng tố cáo họ để mọi người đề phòng, để họ không còn cơ hội hại thêm ai khác.
Nếu chúng ta im lặng là chúng ta đồng lõa với kẻ xấu, dung túng cho kẻ xấu có cơ hội tiếp tục phạm tội. Khi chúng ta lên tiếng tố cáo kẻ xấu, tức là đang bảo vệ chính con em mình và những người khác.
Giữ tất cả chứng cứ, ổn định tâm lý trẻ
Bạn sẽ vô cùng đau đớn khi một ngày phát hiện con có dấu hiệu bị XHTD. Sau phút sốc, hoảng loạn, đau lòng, cha mẹ nên bình tĩnh làm ngay những việc sau.
Trước tiên, phụ huynh cần cách ly trẻ với kẻ lạm dụng trẻ, sự an toàn cho con cần được quan tâm hàng đầu. Hỗ trợ tâm lý cho con là việc quan trọng cần làm ngay. Nếu cần, gia đình hãy tìm đến các chuyên viên tham vấn tâm lý để cả trẻ và cha mẹ được hỗ trợ tâm lý.
Với những vật chứng liên quan vụ XHTD như quần áo, ga trải giường, quà tặng, thư tay, tin nhắn,… phải giữ lại và không tắm, không thay quần áo cho trẻ khi phát hiện ra sự việc.
Khi khai thác thông tin từ trẻ, ghi nhận lại những tâm sự ban đầu của trẻ, bạn cần ghi âm lại để sau này có tư liệu làm việc với các cơ quan chức năng, tránh cho con mình phải kể đi kể lại nhiều lần gây tổn thương cho trẻ.
Sau đó, bạn đưa con đến cơ quan công an nơi gần nhất để tố cáo và yêu cầu thực hiện các quy trình giám định pháp y.
Bức ảnh thuộc một chiến dịch của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) với thông điệp: “Nếu bạn không chống lại nạn xâm hại trẻ em thì ai sẽ làm? Xin hãy góp sức!”. Ảnh: UNICEF. |
Phụ huynh cần báo vụ việc cho công an ở nơi kín đáo. Yêu cầu cán bộ công an tiếp xúc với trẻ phù hợp: Nữ công an gặp trẻ em gái, nam công an tiếp xúc với trẻ em trai. Cha mẹ hoặc người giám hộ cần ở bên trẻ khi trẻ tiếp xúc với bất kỳ ai.
Phụ huynh cần kiểm tra sức khỏe cho con càng sớm càng tốt nhằm phát hiện và điều trị các chấn thương về thể chất. Và nếu được tiếp xúc với một bác sĩ được đào tạo về các vấn đề liên quan đến XHTD thì sẽ là lựa chọn tốt nhất cho con.
Nếu có thể, bạn hãy để luật sư giúp đỡ gia đình bạn khi tiếp xúc với các cơ quan điều tra, báo chí. Nếu gia đình khó khăn, cha mẹ cần sự trợ giúp từ các tổ chức xã hội, nhân viên công tác xã hội trong việc hỗ trợ gia đình liên hệ với luật sư hay tìm kiếm các nguồn lực trợ giúp từ cộng đồng để hỗ trợ trẻ và các vấn đề liên quan.
Tiếp đến, gia đình liên hệ với giáo viên, nhà trường giúp con tiếp tục đi học và ngăn sự chế nhạo từ bạn bè hay ai đó ở trường.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể tìm các chuyên viên tham vấn tâm lý để giúp trẻ vượt qua cú sốc này.
Phụ huynh nên nói gì với trẻ bị xâm hại?
Trước tiên, bạn cần bình tĩnh và cư xử theo cách tôn trọng cảm xúc của con. Chia sẻ cảm xúc, công nhận con đã trải qua tình cảnh khó khăn và cho con biết cha mẹ luôn ở bên con giúp đỡ con, chăm sóc con.
Bạn nên nói với con những câu sau: “Cha/mẹ tin tưởng con”, “Cha mẹ rất tiếc điều đó đã xảy ra với con”, “Đó không phải là lỗi của con”, “Cha/mẹ sẽ nói chuyện với người khác để đảm bảo rằng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra với con nữa”, “Cha/ mẹ sẽ tố cáo kẻ đã làm đau con”,...
Khi hỏi con, bạn nên đặt những câu hỏi mở, đơn giản, rõ ràng, phù hợp với tuổi của con. Ví dụ: “Con có thể kể về… không?”, “Điều gì đã xảy ra khi đó?”…
Chúng ta không nên hỏi trẻ những câu như: “Tại sao...?”, “Làm thế nào mà kẻ đó tấn công con?”, những lời này sẽ khiến trẻ sẽ có cảm giác bị cáo buộc, bị đổ lỗi, từ đó trẻ thêm mặc cảm về bản thân.
Trong trường hợp con chưa sẵn sàng kể chuyện mình bị XHTD, cha mẹ hãy nói với con: “Nếu như con không thể nhớ hết mọi việc ngay bây giờ cũng không sao. Chúng ta sẽ nói vào dịp khác”.
Bạn hãy lắng nghe những ngôn ngữ bằng lời và không lời của trẻ. Đặc biệt trẻ khó nói ra trẻ đang cảm thấy như thế nào mà trẻ sẽ bộc lộ những cảm xúc của mình qua hành vi.
Một bức ảnh trong chiến dịch Some touches never leave (tạm dịch: Có những vết hằn không bao giờ phai) của tổ chức Innocence in Danger nhằm kêu gọi đẩy lùi vấn nạn bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: Innocence in Danger. |
Trẻ bị XHTD có thể có những hành vi biểu hiện như: Sợ hãi, không muốn xa cha mẹ - nhất là vào ban đêm, khóc dai, quấy, ngủ mê sảng, khó ngủ, đái dầm, đau bụng, tính hung hăng, trở về hành vi “con nít”,… Cha mẹ cần quan sát kỹ và hỗ trợ trẻ, đừng la mắng, đừng mặc kệ trẻ.
Trẻ cần những lời khuyến khích, động viên, thể hiện yêu thương từ cha mẹ. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian riêng cho trẻ, nhất là lúc ngủ.
Cha mẹ tạo những dịp vui chơi để trẻ chơi cùng cả gia đình, chia sẻ niềm vui giúp cả cha mẹ và trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ví dụ, cả nhà cùng vẽ tranh, cùng chơi một trò chơi vận động, chơi với búp bê,… Cha mẹ vừa chơi, vừa trò chuyện với trẻ sẽ giúp trẻ bộc lộ cảm xúc, cân bằng cảm xúc,…