Nhớ lại những ngày còn làm việc tại Apple, Tony Fadell, người được mệnh danh là "cha đẻ của những chiếc iPod", không thể nào quên những bài học ông học hỏi được từ Steve Jobs. Chia sẻ với Fast Company, Fadell cho biết ông nhớ mãi khoảnh khắc Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007.
Bài thuyết trình của nhà đồng sáng lập Apple tại sự kiện ra mắt iPhone 15 năm trước đã trở thành một trong những bài thuyết trình kinh doanh hay nhất trong lịch sử của hãng.
Steve Jobs đã khiến cả thế giới sửng sốt trong buổi ra mắt chiếc iPhone đầu tiên của mình. |
Chiến thuật thu phục khách hàng
Mở đầu bài thuyết trình của mình, Steve Jobs nói đây là ngày mà ông đã mong chờ trong suốt 2,5 năm trở lại đây.
"Mỗi lần một sản phẩm mới ra mắt, nó đều là những sản phẩm mang tính cách mạng làm thay đổi mọi thứ... Ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu 3 sản phẩm mang tính cách mạng trong lĩnh vực này: một chiếc iPod màn ảnh rộng với điều khiển cảm ứng, một chiếc điện thoại di động thông minh mang tính cách mạng và một thiết bị truyền thông Internet có tính đột phá”, ông trình bày.
Ngay sau đó, Steve Jobs khẳng định sản phẩm Apple sắp giới thiệu không phải là 3 thiết bị riêng biệt. Nó là một thiết bị duy nhất và họ gọi đó là iPhone.
Sau phần mào đầu gây tò mò, ông sử dụng chiến thuật “gây nghi ngờ” (virus of doubt) nhằm nhắc nhở người dùng về những bất tiện họ đã phải đối mặt trong quá trình sử dụng điện thoại. Sau đó, Jobs mới giới thiệu thiết bị của mình nhằm giải quyết những vấn đề này và gợi sự hứng thú cho khách hàng.
Steve Jobs luôn sử dụng những chiến thuật khôn khéo để thu hút sự quan tâm của khách hàng đến sản phẩm của mình. Ảnh: Reuters. |
Theo Tony Fadell, Steve Jobs là bậc thầy của chiến thuật này. Mỗi khi muốn giới thiệu một sản phẩm mới, ông ấy luôn giải thích những lý do tại sao người dùng lại cần nó. So với những CEO khác, Jobs nhận thức rõ điểm mới lạ của sản phẩm mình là gì và dành cho đối tượng nào. Ông luôn lồng ghép khách hàng và giới truyền thông vào bài thuyết trình của mình.
Vì vậy, những buổi diễn thuyết của ông không chỉ đơn giản là một bài nói. Nó là một cuộc trò chuyện, có thông điệp và ý nghĩa rõ ràng.
Để làm được điều này, Jobs không bao giờ đọc thuộc kịch bản mỗi khi lên sân khấu, Fadell cho biết. Trước hết, ông sẽ chia sẻ những câu chuyện này với đồng nghiệp, bạn bè và gia đình của mình. Nếu họ không hiểu, cố CEO Apple sẽ sửa chữa bài nói của mình cho đến khi nó trở nên hoàn hảo.
Mỗi người sẽ có mỗi góc nhìn, cách tiếp nhận câu chuyện của các thương hiệu theo nhiều cách khác nhau. Chính vì điều này, Steve Jobs luôn sử dụng phương pháp loại suy để biến những chủ đề phức tạp thành những điều giản đơn, đời thường nhất.
Nhà đồng sáng lập Táo khuyết liên tục mở ra những khả năng mới cho khách hàng bằng những tính năng mới nằm trong thiết bị của mình. Bằng chứng là khẩu hiệu “1.000 bản nhạc nằm trong túi” của iPod vào thời điểm ra mắt đã trở thành câu nói thương hiệu và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Vào thời điểm đó, người dùng thường sử dụng băng đĩa hoặc CD cùng với những đầu máy cồng kềnh nhưng chỉ nghe được 10-15 bài hát trong 1 lần. Vì vậy, slogan “1.000 bản nhạc nằm trong túi” đã tạo ra một hình ảnh đối lập, khiến người dùng không khỏi tò mò và phấn khích về sản phẩm iPod của ông.
Làm việc không ngơi nghỉ
Nhắc đến Steve Jobs, Tony Fadell còn khâm phục những nỗ lực và niềm say mê của vị cố CEO Apple trong công việc. Fadell cho biết tâm trí Steve Jobs dường như không thể thoát khỏi công việc dù là trong ngày nghỉ.
“Steve Jobs có thể đi du lịch nhưng đầu óc ông ấy lúc nào cũng nghĩ đến việc ra mắt sản phẩm mới, định hướng mới hay công nghệ mới cho Apple. Ông ấy sử dụng thời gian nghỉ ngơi chỉ để mở mang đầu óc và thoát khỏi môi trường làm việc quen thuộc tại Apple”, Fadell chia sẻ.
Steve Jobs cùng đội ngũ lãnh đạo Apple năm 2007. |
Ở văn phòng, Steve Jobs thường xuyên gọi nhân viên đến để hỏi thêm về thông tin hoặc kiểm tra tiến độ công việc. Những nhân viên này cho biết dù Steve Jobs đi du lịch, họ vẫn sẽ được ông gọi để hỏi thăm về tình hình công việc khoảng 5-6 lần/ngày. “Mặc dù tôi thích việc được chia sẻ về mọi điều với Steve Jobs, nhưng đôi lúc cũng nghĩ rằng ông ấy cần thời gian nghỉ ngơi”, Fadell nói.
Năm 2001, Tony Fadell làm việc ở Apple với vai trò là nhà cố vấn, đưa ra định nghĩa ban đầu cho iPod và sau đó được Táo khuyết chính thức mời về để dẫn dắt sự phát triển của dòng máy nghe nhạc huyền thoại này. Ông cũng là nhà đồng sáng tạo iPhone và là cố vấn cho Steve Jobs trong giai đoạn từ năm 2008-2010. Sau đó, Fadell rời Apple vào năm 2008 vì vấn đề cá nhân.