Vài năm trước, tủ sách Góc nhìn sử Việt xuất bản lại và xuất bản mới những cuốn sách lịch sử, nghiên cứu, văn học nhằm tái hiện những mảnh ghép lịch sử dân tộc, nhận được sự ủng hộ của bạn đọc. Mới đây, một tủ sách khác mang tinh thần của "Góc nhìn sử Việt" ra đời, nhưng giới thiệu những mảnh ghép lịch sử Việt qua góc nhìn người Pháp, với những văn bản Pháp ngữ.
Hai cuốn sách về cha con Đề Thám của Claude Gendre. |
Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn sử Việt sẽ mở đầu bằng hai công trình khảo cứu của Claude Gendre: Đề Thám (1846-1913): Một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp và Hoàng Thị Thế: Con gái Đề Thám và quân bài chính trị của thực dân Pháp.
Ông nội của tác giả Claude Gendre vốn tham gia trận chiến với nghĩa quân Đề Thám. Một thế kỷ sau, cháu của người lính ấy tìm thấy những ghi chép của ông nội mình, hứng thú với câu chuyện và bắt tay vào việc sưu tầm, tra cứu tài liệu, và hai cuốn tiểu sử về cha con Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) là thành quả nghiên cứu đáng trân trọng của Claude Gendre.
Paul Doumer Toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1897-1902. Khi lên nắm quyền, một trong những thách thức của vị tân Toàn quyền là giải quyết vấn đề Đề Thám, đối thủ mà trong một báo cáo ông đã viết: “Đề Thám vẫn luôn không thể bắt được". Ở tủ sách này, chân dung Paul Doumer trong giai đoạn làm Toàn quyền được thể hiện ở cuốn Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương (1897-1902): Bàn đạp thuộc địa của tác giả Amaury Lorin.
Bên cạnh sách về Hoàng Hoa Thám và con gái, Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn sử Việt giới thiệu nhiều tác phẩm mang những góc nhìn nhỏ trong bức tranh lớn về lịch sử.
Cuốn sách Đời Tổng Giám mục Puginier: Vị thừa sai, Vị giám mục, Con người chính trị của tác giả Eugène Louvet giới thiệu chân dung Tổng Giám mục Puginier - một trong những nhân vật có can hệ quan trọng, ngầm ẩn với xứ Bắc kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Một cuốn trong tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn sử Việt. |
Hội kín ở xứ An Nam của Georges Coulet và Paul Giran tìm hiểu về hội kín và tâm lý của dân tộc An Nam, những vấn đề ít được bàn đến. Theo các tác giả, xã hội An Nam luôn có sự biến loạn vì luôn có các hội kín, cả dưới chính phủ bản địa và dưới chính quyền Pháp. Cuốn sách nghiên cứu bản chất hội kín là gì, tổ chức như thế nào, động cơ lý tưởng...
Tâm lý dân tộc An Nam của Paul Giran đề xuất một nghiên cứu về dân tộc An Nam; để khám phá những sức mạnh sâu kín của đời sống cộng đồng hoặc riêng tư; rút ra các nguyên tắc tối thượng chi phối việc thành lập các thiết chế xã hội hoặc chính trị; phân tích mọi ảnh hưởng mạnh mẽ đã định hình nên lịch sử và sự tiến hóa của nó.
Một số cuốn khác nằm trong tủ sách này như Một chiến dịch ở Bắc kỳ của bác sĩ Charles Édouard Hocquard, Phan Thanh Giản: Nhà ái quốc và người mở đường cho Việt Nam hiện đại (tác giả Phan Thị Minh Lễ và Pierre Chanfreau), Đông Dương: Một công cuộc thực dân hóa nhập nhằng, 1858-1954...