“Trong 2 năm qua, hơn 10 CLB bóng đá rút khỏi các giải đấu chuyên nghiệp. CFA vẫn đang làm việc để tìm hiểu lý do đằng sau quyết định này là gì. Chúng tôi cố gắng tìm ra giải pháp giúp các CLB và giải đấu xây dựng một mô hình lành mạnh, bền vững”, ông Trần Tất Nguyên (Chen Xuyuan), Chủ tịch CFA thừa nhận sự thật với Tân Hoa Xã.
Giang Tô Tô Ninh ngừng hoạt động chỉ 3 tháng sau khi vô địch Chinese Super League (CSL). Ảnh: Getty Images. |
Bức tranh đen tối
Giang Tô Tô Ninh (Jiangsu Suning) giành chức vô địch Chinese Super League (CSL) lần đầu tiên trong lịch sử sau chiến thắng trước Quảng Châu Hằng Đại Đào Bảo (Zhangzhou Evergrande) trong trận chung kết vào tháng 11/2020.
Tuy nhiên, chủ sở hữu CLB là tập đoàn Tô Ninh bất ngờ thoái vốn vào tháng 2 năm nay và đội bóng phải đổi tên thành Giang Tô FC (Jiangsu FC). Sau khi tập đoàn Tô Ninh không tìm được nhà đầu tư mới tiếp quản Giang Tô FC, CLB này bị loại khỏi danh sách tham dự CSL 2021 và tuyên bố dừng hoạt động.
Chủ tịch Tất Nguyên từng là người đứng đầu tập đoàn Cảng quốc tế Thượng Hải (SIPG), đơn vị sở hữu CLB Thượng Hải SIPG (Shanghai SIPG) đang thi đấu ở CSL. Chủ tịch CFA nhận định rằng việc Giang Tô FC ngừng hoạt động là tổn thất lớn với bóng đá Trung Quốc.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của một CLB thuộc hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp ở đất nước tỷ dân là sự phụ thuộc 100% vào một cổ đông, đặc biệt về vấn đề tài chính. Chỉ cần đơn vị chủ quản thoái vốn, CLB ngay lập tức ngừng hoạt động.
Trong khi đó, với nhiều cổ đông, thượng tầng CLB sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường. Hội đồng quản trị được thành lập để đưa ra các quyết định. Vận mệnh của CLB sẽ được định đoạt thông qua sự biểu quyết của các cổ đông.
“Tôi tin rằng sự đa dạng hóa quyền sở hữu CLB có thể là một trong những cách giải quyết hiệu quả nhất”, Chủ tịch Tất Nguyên chia sẻ với Tân Hoa Xã.
Ngoài đề xuất đa dạng hóa quyền sở hữu, CFA đưa ra hàng loạt quy định nhằm hạn chế mô hình hoạt động thiếu bền vững của các CLB. Các quy định này bao gồm việc giới hạn ngân sách mua sắm và hạn mức thua lỗ của các đội bóng, mức độ rót vốn của các nhà đầu tư, tiền lương của các cầu thủ.
Theo quy định mới, mức lương mỗi năm của các cầu thủ Trung Quốc là 637.000 euro và cầu thủ nước ngoài là 3 triệu euro. Điều này khiến nhiều ngoại binh lần lượt tháo chạy khỏi Trung Quốc trước khi bước sang mùa giải 2021.
Những ngôi sao như Hulk không còn gắn bó với bóng đá Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Kế hoạch rõ ràng
Chủ tịch Tất Nguyên thừa nhận những chính sách này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của các trận đấu, nhưng rất cần thiết với bóng đá Trung Quốc về lâu dài.
“Chất lượng của một số trận đấu ở mức ổn, nhưng tôi đoán nhiều người hâm mộ không hài lòng với phần còn lại”, Chủ tịch CFA thừa nhận với Tân Hoa Xã.
“Kế hoạch của chúng tôi không nhắm vào những ngôi sao hàng đầu thế giới. Chúng tôi muốn phá hủy bong bóng ảo tưởng được tạo ra trong những năm qua. Bong bóng sớm muộn cũng vỡ. Bóng vỡ càng nhanh, bóng đá Trung Quốc càng trở nên tích cực”, ông Tất Nguyên chia sẻ thêm.
Theo kế hoạch, CFA muốn loại bỏ sự phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp trở thành bầu sữa nuôi sống CLB, đồng thời buộc các đội bóng phải trở nên bền vững, chuyên nghiệp hơn.
Dự kiến các đội bóng có thể đạt được sự cân bằng tài chính trong vòng 3 năm. Sau đó, với một bản kế hoạch rõ ràng, họ sẽ dễ dàng thu hút các nhà đầu tư tham gia vào bóng đá.
Kế hoạch tiếp theo của CFA là khởi động chương trình xổ số bóng đá quốc gia, một sáng kiến được vạch ra theo lộ trình cải cách của chính phủ Trung Quốc đối với môn thể thao vua.
“Tôi không biết thời gian chính xác, nhưng tôi hy vọng xổ số bóng đá quốc gia sẽ xuất hiện càng sớm càng tốt”, Tân Hoa Xã dẫn lời Chủ tịch Tất Nguyên.
Các cơ quan của chính phủ Trung Quốc thực hiện rất nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu về vấn đề này kể từ năm 2015, nhưng vẫn còn một số chi tiết chưa được giải quyết. Ví dụ, để kiểm soát và quản lý rủi ro, làm thế nào để ngăn chặn vấn nạn dàn xếp tỷ số?
Do sự bùng phát của dịch Covid-19, chỉ 66% số trận đấu tại CSL 2020 được tổ chức trong điều kiện an toàn. Đối với mùa giải hiện tại, các trận đấu diễn ra ở Quảng Châu (Zhangzhou) với 8 đội bóng phía nam và Tô Châu (Suzhou) với 8 đội bóng phía đông.
CFA hy vọng thể thức sân nhà và sân khách sẽ quay trở lại vào cuối năm nay. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào tình hình dịch Covid-19.