Trả lời câu hỏi của cổ đông trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2018 diễn ra chiều 19/3, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), cho biết năm 2018, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.800 tỷ. Tổng tài sản tăng thêm gần 30%, lên mức 359.470 tỷ đồng, dư nợ tín dụng cũng tăng tương ứng gần 24%, lên trên 243.300 tỷ.
Công ty tài chính tiếp tục sắm vai 'gà đẻ trứng vàng'
Để đạt được lợi nhuận 10.800 tỷ, theo ông Vinh, ngân hàng cũng phải hoạt động trong môi trường chấp nhận rủi ro cao hơn nhiều đơn vị khác. Dẫn ví dụ về cho vay tín chấp, CEO của ngân hàng cho hay ngoài công ty tài chính (CTTC) cho vay tín chấp nhỏ còn có cho vay tín chấp với khách hàng cá nhân, cho vay bằng thẻ.
Tuy nhiên, vị CEO cũng khẳng định việc cho vay này được quản lý chặt và theo dõi sát sao với mức trích dự phòng đạt 8.000 tỷ trong đó hơn 2.500 tỷ từ CTTC, hơn 2.800 tỷ ngân hàng mẹ, dự phòng tương đương lợi nhuận trước thuế.
“Loại trừ dự phòng của FE Credit thì mức gần 2.800 tỷ của ngân hàng cũng là một trong những đơn vị có dự phòng cao nhất thị trường”, ông Vinh nói.
Trước đó, năm 2017 tiếp tục là năm mảng cho vay tiêu dùng mang về rất nhiều lợi nhuận cho ngân hàng.
Ông Vinh tiết lộ với cổ đông rằng ngân hàng triển khai hình thức cho vay tiêu dùng từ năm 2011 nhưng 3 năm đầu tiên đều báo lỗ, đến 2014 mới bắt đầu có lãi. Với 2 mảng khác được đầu tư là SME Banking và Retail Banking bắt đầu có lãi năm 2016. Mảng cho vay tiểu thương, theo ông, bắt đầu được khởi sự từ 2015 nhưng đến nay chưa có lãi. Tuy nhiên, ngân hàng dự kiến năm 2018 tối thiểu sẽ hoà vốn.
Ông cũng chia sẻ thêm bên cạnh những thuận lợi thì sức ép về nhân sự, quản trị rủi ro tiếp tục được đặt ra. Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% với ngân hàng và 20-30% với công ty tài chính. Ngân hàng đặt mục tiêu tối ưu hoá để tăng trưởng doanh thu 33%, lợi nhuận tăng trưởng 33% trong đó phần đóng góp từ FE Credit và ngân hàng chia nhau khoảng 50/50.
“Ban lãnh đạo xác định đây là mục tiêu thách thức vì phải nâng cao hiệu quả kiểm soát chi phí, rủi ro, cạnh tranh gia tăng. Với kế hoạch này, chúng tôi dự kiến sẽ dự phòng gần 10.000 tỷ, duy trì chỉ số ROE trên 25%”, ông Vinh nói.
Về câu hỏi của cổ đông liên quan đến kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2018, CEO ngân hàng cho biết quý I thông thường là quý ăn chơi nên sẽ có độ trùng. "Tăng trưởng cho cả năm sẽ từ quý I đến quý IV, về mức độ kết quả quý I đạt 15-20% tổng kế hoạch”, lãnh đạo này bày tỏ.
Tăng vốn điều lệ lên 27.800 tỷ, chia cổ tức 67%
Theo kế hoạch trình cổ đông, để đáp ứng chuẩn Basel II, VPBank sẽ tăng vốn mạnh trong năm 2018 từ hơn 15.706 tỷ lên hơn 27.799 tỷ đồng thông qua 5 đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, cổ phiếu thưởng, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cụ thể, ngân hàng trích lợi nhuận chưa phân phối để trả cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30,22% và 1,03% từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, tổng cộng đạt 31,25% so với tổng số cổ phần phổ thông hiện tại.
Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tổng khối lượng cổ phần dự kiến chào bán tối đa là 15% tổng số lượng cổ phần phổ thông tại thời điểm thực hiện phát hành.
Đại diện ban lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP). Tổng mệnh giá cổ phần dự kiến phát hành là gần 337 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,7% vốn điều lệ của ngân hàng tại thời điểm phát hành. Thời gian dự kiến cũng trong quý II tới.
Đợt tăng vốn cuối cùng sẽ thực hiện vào quý IV/2018 thông qua việc chia cổ phiếu thưởng với tổng nguồn thặng dư vốn dùng để chia trên 4.577 tỷ đồng.
Tổng tỷ lệ chia cổ tức, cổ phiếu thưởng từ các nguồn trên so với tổng nguồn cổ phần phổ thông hiện nay tương đương 67%.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng nói ngoài yêu cầu đáp ứng chuẩn thì ban lãnh đạo muốn mức dự trữ cao hơn bình thường. Tuy nhiên, ngân hàng muốn tăng vốn năm nay vì không phải lúc nào cũng có thời điểm thích hợp.
Về thời điểm chào bán 15% cho nhà đầu tư chiến lược ông Dũng cho hay dự kiến cuối quý II, muộn nhất trong quý III.
Tham dự đại hội, ông Nguyễn Quốc Hùng, Cục phó Cục Thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước), chia sẻ cách đây 3-4 ngày, cơ quan thanh tra giám sát có buổi làm việc với HĐQT, Ban điều hành VPBank. Trong tổng thu của ngân hàng có phần thu từ dịch vụ lớn, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, là điểm tốt và kỳ vọng tổ chức tín dụng này bám sát định hướng, đầu tư, tín dụng tập trung vào sản xuất, tạo lợi nhuận cho xã hội.