Hôm nay (19/4), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 bàn về các kế hoạch kinh doanh trong năm nay. Vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm chính là việc Vinamilk sẽ giữ thị phần ra sao khi Coca-Cola đã chính thức tham gia vào thị trường sữa tại Việt Nam.
Có 400-500 triệu USD tiền mặt sẵn sàng chi cho M&A
Trả lời câu hỏi trên, bà Mai Kiều Liên cho biết không chỉ Coca-Cola mà nhiều đối thủ khác cũng gia nhập thị trường sữa tại Việt Nam, và thị trường này đã rất khốc liệt trong nhiều năm.
“Vinamilk đã có chiến lược từ nhiều năm, công ty có đủ sức mạnh về tài chính, nhân sự, quản trị… để cạnh tranh công bằng với các đối thủ mới”, bà Liên khẳng định.
Vị CEO cũng cho hay việc Coca-Cola tham gia thị trường sữa cũng có thể coi là động lực để thị trường này phát triển. Vấn đề là Vinamilk sẽ thực hiện thế nào để giữ vững thị phần số một và chiến thắng đối thủ.
HĐQT Vinamilk tại đại hội cổ đông diễn ra hôm nay (19/4). Ảnh: Khổng Chiêm. |
Bên cạnh việc giữ thị phần, những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành thời gian qua cũng được Vinamilk ưu tiên.
Bà Liên cho biết hiện công ty luôn có 400-500 triệu USD tiền mặt sẵn sàng chi cho các thương vụ M&A đủ tầm làm công ty lớn mạnh, có lợi cho cổ đông. Tuy nhiên, vấn đề là có thương vụ nào đáp ứng được tiêu chí này hay không.
Thương vụ M&A ồn ào gần đây của “ông lớn” ngành sữa chính là việc Vinamilk chào mua công khai gần 47% cổ phần GTNFoods với mức giá thấp hơn giá thị trường. HĐQT GTNFoods ngay sau đó đã có ý kiến không đồng ý với đề nghị chào mua công khai của Vinamilk.
Về vấn đề này, CEO Vinamilk cho biết công ty muốn tham gia vào GTNFoods để cùng mạnh lên, tôn trọng đối tác và cân bằng lợi ích. Hiện tại, hai bên đã ngồi lại và nói rõ về mục đích phát triển.
“GTN nếu cứ phát triển nhỏ thì khó cạnh tranh phát triển. Muốn giữ thương hiệu Việt thì chúng ta phải đoàn kết lại, trở thành bó đũa lớn. Nói rõ để cổ đông GTN hiểu, tôi không làm gì để hại bạn mà lợi mình cả, đó là nguyên tắc của Vinamilk mấy chục năm nay”, bà Liên khẳng định.
SCIC chưa có kế hoạch thoái vốn
Trong thời gian dài vừa qua, 2 cổ đông lớn của Vinamilk là F&N Dairy (sở hữu 19,56%) và Platinum Victory (sở hữu 10,62%) liên tục đăng ký mua vào hàng chục triệu cổ phiếu VNM.
Tuy nhiên, với cơ cấu cổ đông gồm rất nhiều quỹ đầu tư lớn sở hữu vốn, việc 2 cổ đông này muốn mua hơn 17,4 triệu cổ phiếu VNM thông qua các giao dịch khớp lệnh trên sàn là rất khó.
Chia sẻ tại ĐHCĐ, đại diện SCIC khẳng định hiện tại đơn vị vẫn chưa có kế hoạch thoái 36% vốn còn lại tại Vinamilk.
“Kế hoạch thoái vốn đã có chủ trương của Chính phủ, trong đó tuân thủ quy định pháp luật và phải hiệu quả. Trên cơ sở kinh nghiệm từ 2 đợt trước, khi nào Chính phủ có quyết định thì SCIC sẽ thực hiện thoái vốn khỏi Vinamilk”, đại diện SCIC khẳng định.
Trước đó, SCIC đã thực hiện 2 đợt thoái tổng cộng 8,74% vốn tại Vinamilk và thu về hơn 20.100 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh của Vinamilk, bà Liên cho biết năm 2018 là năm có nhiều biến động ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của công ty. Điển hình nhất là sự sụt giảm bất thường của ngành hàng tiêu dùng, trong đó có ngành sữa.
Đây là nguyên nhân chính khiến tổng doanh thu hợp nhất của Vinamilk chỉ đạt 52.629 tỷ đồng năm 2018, tăng chưa tới 3%, trong khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất cũng chỉ đạt 10.227 tỷ đồng, giảm 0,7% so với năm trước.
Dù vậy, Vinamilk vẫn tiếp tục gia tăng thêm 0,9% thị phần và khẳng định vị thế dẫn đầu ngành sữa tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty cho rằng sự sụt giảm này chỉ là ngắn hạn và dự kiến ngành sữa vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong dài hạn.
Theo đó, HĐQT trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2019 với kỳ vọng doanh thu đạt 56.300 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế 10.480 tỷ, tăng lần lượt 7% và 2,5% năm trước.
Ban lãnh đạo công ty cũng thống nhất mức cổ tức tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất cho năm 2019.