Tại diễn đàn CEO 2017 với chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - được và mất”, nhiều chuyên gia kinh tế uy tín và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn đã chia sẻ góc nhìn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ban tổ chức diễn đàn, lý do lựa chọn chủ đề về cuộc cách mang công nghiệp 4.0 bởi nó đang mở ra một kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng. Cuộc cách mạng sẽ phát triển với cấp số nhân, biến đổi hầu hết công nghiệp tại các quốc gia cả về bề rộng và chiều sâu, trong cả hệ thống sản xuất và quản trị.
Tham dự diễn đàn có các chuyên gia kinh tế uy tín như TS. Lê Đăng Doanh, TS. Võ Trí Thành, TS. Lê Xuân Nghĩa… cùng nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp lớn như Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng (Tổng giám đốc Viettel), ông Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT), bà Nguyễn Thanh Huyền (Giám đốc May 10), ông Đặng Việt Dũng (Giám đốc Uber Việt Nam)…
Theo ông Lại Quốc Anh - Phó chủ tịch, Tổng thư ký hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội - tỷ lệ người quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo khảo sát chiếm rất cao (trên 60%), số người cho rằng tác động đến Việt Nam chiếm trên 50%. Số lượng cho thấy không tác động nhiều đến Việt Nam chỉ chiếm rất nhỏ (khoảng dưới 10%).
Theo TS. Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương), cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ chắp cánh cho 3 cuộc cách mạng trước đó dựa vào máy móc, máy tính.
Cuộc cách mạng này sẽ kết nối máy móc với điều kiện tự động, tạo ra người máy có trí thông minh nhân tạo, các hàng hóa, dây chuyền sản xuất sẽ tự động, tạo năng suất lao động lớn chưa từng có. Chu kỳ sản phẩm sẽ được rút ngắn. Người dân sẽ thấy người máy nhiều hơn trong cuộc sống như bệnh viện, tòa án. Ông ví cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như một cơn bão mà không nước nào trên thế giới có thể đứng ngoài.
Các chuyên gia đều cho rằng Việt Nam có khả năng bứt phá. Ảnh: Hiếu Công. |
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, lợi thế lao động giá rẻ mất đi, Việt Nam sẽ đứng trước thách thức rất lớn để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bà Nguyễn Thanh Huyền - Giám đốc May 10 - cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi trật tự nền sản xuất thế giới, đảo lộn trật tự kinh tế. Bà Huyền dự báo 86% lao động dệt may và da giày có thể thất nghiệp bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành dệt may sẽ phải làm rất nhiều trước “cơn bão đang đến gần”.
Đánh giá về việc Việt Nam có thể làm được và bắt kịp thế giới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay không. Rất nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp tỏ ra hoài nghi về vấn đề này.
Khảo sát mức độ tác động của Cách mạng CN 4.0
thực hiện trên những người quan tâm. Đồ họa: Hiếu Công. |
Ông Đặng Việt Dũng - Giám đốc Uber Việt Nam - cho rằng về ngắn hạn thì Việt Nam không thể làm được, còn về trung hạn thì bản thân ông không chắc chắn. Theo ông Dũng, bản chất để có một cuộc cách mạng cần 3 yếu tố là nền tảng, tốc độ và độ bao phủ. Để làm được cách mạng thì chúng ta phải có nền tảng công nghệ rất phát triển, nền tảng đó phải có tốc độ rất cao và bao phủ rộng.
Ông Dũng nhấn mạnh sự phát triển của nền giáo dục ảnh hưởng rất lớn đến việc chúng ta có làm được cách mạng thành công hay không. Ngoài ra, các chính sách của Chính phủ phải tạo một sự thay đổi rất lớn so với hiện tại mới có thể làm được cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Trương Gia Bình cũng đồng tình với việc Chính phủ phải có sự thay đổi rất lớn để tạo bước ngoặt cho phát triển cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, ông Bình lạc quan cho rằng nếu làm thành công cuộc cách mạng này, đất nước hoàn toàn có thể “nhảy vọt”, thay đổi “trật tự” trên bản đồ phát triển thế giới.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng lợi thế của Việt Nam đến từ việc chúng ta quá nghèo. Ảnh: Hiếu Công. |
CEO Viettel - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - cũng rất lạc quan về việc đất nước hoàn toàn có thể thành công với cuộc cách mạng 4.0 này.
Ông Hùng cho biết bản chất của cách mạng là thay đổi từ cái A thành cái B. Thế giới đang có một nền công nghiệp phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn khi thay đổi các nhà máy, dây chuyền để đạt được “nền kinh tế 4.0”.
Thiếu tướng ví von rằng lợi thế của Việt Nam có thể đến từ việc chúng ta quá nghèo, không có gì có thể bật lên với lợi thế về công nghệ, đi tắt đón đầu.
CEO Viettel nhấn mạnh thêm có thể biến cuộc cách mạng 4.0 thành cuộc cách mạng của toàn dân.
“Đây không phải là cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn, của một số người, của chính phủ mà là của toàn người dân. Nó có thể xuất phát từ những cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ. Từng người chuyển mình sẽ tạo bước phát triển cho đất nước. Trên thế giới, chắc chắn không có nước nào phát động một cuộc cách mạng toàn dân giỏi hơn Việt Nam”, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.