Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết hơn 25.000 tỷ giải ngân cho vay mua nhà dự án của ngân hàng chủ yếu là của khách hàng mua nhà để ở, không cho vay chủ đầu tư làm dự án mới.
- Năm 2017, ngân hàng báo lãi hơn 8.000 tỷ đồng. Có người lo ngại rằng mức lợi nhuận tăng 60% so với kế hoạch như vậy thì tạo ra áp lực cho việc kinh doanh năm 2018, ông thấy như thế nào?
- Tôi khẳng định là không có chuyện đó. Để mà nói rõ hơn thì khi chúng tôi công bố báo cáo tài chính, mọi người có thể tìm hiểu. Doanh thu của ngân hàng mỗi năm đều tăng khoảng 20%, lợi nhuận tăng ít hơn.
Xem lại thì năm 2017 chúng tôi tất toán được hết nợ xấu tồn đọng từ năm 2008 đến 2012, phần bán ra cho VAMC chúng tôi cũng mua lại hết, đưa ra ngoài bảng cân đối như vậy có nghĩa chúng tôi đạt được mức doanh thu tổng thể, lợi nhuận đi theo song song. Bản chất thì nợ xấu mỗi năm ngày càng ít lại, khoảng cách phần tất toán, lợi nhuận và doanh thu sẽ ngày càng gần hơn.
- Năm 2017, nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng lên đến 19%, 20% nhưng ở Techcombank thì tín dụng chỉ tăng 15,9%, đó là con số quá khiêm tốn?
- Mong muốn của cá nhân tôi cũng như HĐQT ngân hàng là muốn xây dựng một hệ thống vững, khi có biến cố xảy ra trên thị trường tài chính thì ngân hàng lúc nào cũng phải vững. Để giải quyết chuyện đó thì chúng tôi chủ trương không tập trung tăng trưởng dư nợ mà tập trung vào bền vững, hai chuyện nghe thì giống nhau nhưng bản chất khác nhau.
- Trong năm vừa doanh thu của ngân hàng vẫn lớn nhưng mức độ tăng tín dụng lại không tăng, vậy làm gì để đảm bảo doanh thu tăng?
- Chúng tôi phải chuyển hướng sang khách hàng có hiệu quả nhiều hơn, bớt đi phần cho vay khách hàng kém hiệu quả vì kém hiệu quả nghĩa là khả năng đổ nợ xấu cao.
Vấn đề của ngân hàng khi doanh thu, tín dụng tăng, nếu không cẩn thận thì mức độ tăng sẽ không đồng đều, nợ xấu nhiều, hiệu quả kinh doanh đi xuống. Như thế thì ảnh hưởng nặng đến phần vốn.
Do đó, chúng tôi mới tập trung nhiều vào dịch vụ tài chính cho khách hàng trung và vừa. Khi làm việc chúng tôi mới phát hiện ra vấn đề chính của nhóm này không phải là vì lãi suất cho vay cao mà chính là chi phí tài chính cao. Chi phí tài chính bao gồm rất nhiều món, từ bảo lãnh, chuyển đổi ngoại tệ…
Ngân hàng tập trung giải quyết các vấn đề đó nhiều hơn là tập trung cho vay. Vì thế mà định hướng cũng là không tăng dư nợ tín dụng mà tập trung giải quyết các nhu cầu tài chính của khách hàng. Doanh thu vì thế tăng, lợi nhuận cũng tăng theo đà.
Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank, ông Nguyễn Lê Quốc Anh. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Báo cáo tài chính trước đó của Techcombank cho thấy huy động giảm, tín dụng giảm, tổng tài sản giảm. Hết năm, ngân hàng lại báo tín dụng tăng 15,9%, con số có vẻ quá thần kỳ, giật mình?
- Không thần kỳ hay giật mình đâu mà đó là sự phát triển cả năm. Những điểm thời gian dùng để tính như cuối các tháng 3, 9… lại rơi vào những điểm khách hàng chuyển.
Chúng tôi tập trung cho vay ngắn hạn, đến thời điểm hạch toán thì khách hàng lại trả hết, số lại giảm xuống. Gần 50% tín dụng trong bảng cân đối là của khách hàng bán lẻ, 30% của nhóm khách hàng lớn, 20% khách hàng trung và vừa. Hầu hết khách hàng nhóm lớn, trung và vừa thì đều là ngắn hạn, chu kỳ dòng tiền khoảng 60-90 ngày. Thời điểm hạch toán cũng là thời điểm họ tất toán, mỗi năm như vậy sẽ thấy tổng thể con số tăng.
- Nhân câu chuyện tín dụng thì ngân hàng có tiết lộ là mức cho vay mua nhà dự án lên đến hơn 25.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20% trên thị trường, trong khi Ngân hàng Nhà nước lại yêu cầu siết cho vay đối với bất động sản?
- Đây cũng chính là khái niệm mà tôi rất mong muốn mọi người cần làm rõ. Chính phủ muốn là muốn giảm thiểu cho vay kinh doanh bất động sản. Còn ngân hàng chúng tôi lại tập trung vào những người có nhu cầu mua nhà để ở, không tập trung vào người đi vay ngân hàng để mua rồi cho thuê lại hay mua để bán lại. Hai chuyện đó là khác nhau.
Hầu hết khách mua nhà đều là người có thu nhập được chứng minh cụ thể, nguồn thu không phải dựa vào kinh doanh bất động sản. Nếu khoản vay cho kinh doanh bất động sản, hệ số rủi ro là 200% thì với người mua nhà để ở, hệ số này là 50%.
Tín dụng bất động sản của chúng tôi trong bảng cân đối không bao giờ tăng quá, để đảm bảo an toàn nhất. An toàn ở đây là làm thế nào để có thể trải qua được khủng hoảng nếu có, từ khủng hoảng tiến lên.
- Một số ngân hàng khá hào hứng đối với cho vay bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng. Techcombank thì sao? Tại ngân hàng ông thì tỷ lệ cho vay này như thế nào?
- Nói về liên quan bất động sản nói chung, thì tỷ lệ của chúng tôi so với thị trường không lớn. Nhưng nếu nói về cho vay đối với người mua nhà để ở với căn hộ mới, thì chúng tôi chiếm đại đa số. 80% thị phần của chúng tôi tập trung cho nhóm đối tượng khách hàng mua nhà để ở.
20% còn lại có thể tập trung ở nhóm khách hàng còn lại, một số người mua 1-2 tháng thì đem cho thuê, có người vay mua sau 3 năm lại bán đi… Chúng tôi biết, nhưng đó là chuyện không cản được.
Còn về phía doanh nghiệp, khách hàng lớn trong lĩnh vực bất động sản thì chúng tôi đầu tư ít vào chủ đầu tư xây dựng dự án mới mà tập trung giải ngân cho dịch vụ đấu thầu, cung cấp cho công ty xây dựng nhiều hơn, để dự án đi đúng tiến độ.
- Vừa rồi Techcombank có rao bán công ty tài chính, cũng có thể hiểu là ngân hàng từ chối đi vào phân khúc tài chính tiêu dùng - mảng đang được cho là “hot” trên thị trường?
- Mỗi ngân hàng sẽ có chiến lược dựa trên khả năng, lợi thế cạnh tranh so với thị trường. Tài chính tiêu dùng không phải điểm mạnh của Techcombank, chúng tôi mạnh ở cho vay thế chấp chứ không phải cho vay tín chấp.
Làm kinh doanh cần dựa trên sở trường mà giải quyết vấn đề thay vì theo đuổi những chuyện khác. Nếu giữ công ty tài chính mà không phải sở trường của mình thì bán đi là tốt nhất, tiền bán được sẽ hoà nhập vào vốn chung.
- Cảm ơn ông!